Thời xưa trả lương cho quan lại thế nào?

GD&TĐ - Chúng ta thường nghe câu “một người làm quan, cả họ được nhờ” và nghĩ rằng thời xưa, quan lại là giàu có lắm, vì được triều đình trả lương hậu hĩnh. Vậy sự thật, các quan thời xưa được trả lương thế nào?

Quang cảnh kỳ thi thời Nguyễn.
Quang cảnh kỳ thi thời Nguyễn.

Thực ra từ thời Lê sơ về trước, quan lại không được cấp lương. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, thì năm 1456, đời vua Lê Nhân Tông, triều đình mới bắt đầu định lệ cấp phát tiền bổng hàng năm cho trăm quan. Còn trước đó, các vương, các công chúa và đại thần văn võ trăm quan đều chiếu theo phẩm trật cao hay thấp mà được hưởng số hộ để ăn lộc nhiều hay ít. Đến lúc này, nhà Lê mới lại cấp thêm cho các quan tiền bổng hằng năm có hơn kém khác nhau.

Theo sách “Kiến văn lục” của Lê Quý Đôn thì đầu đời Lê, chế độ bổng lộc để nuôi dưỡng quan lại là ban cho năm mươi hộ hay một trăm hộ để người được hưởng cứ lấy thuế ở các hộ ấy mà ăn. Cũng có khi các quan được ban thêm lộc điền. Ngoài ra, về lương bổng thời đó thì nhà bác học Lê Quý Đôn cũng không khảo được hơn nữa.

Sau khi vua Lê Nhân Tông ban hành chính sách cấp bổng cho các quan, Đô đốc Tây đạo là Lê Lựu tâu rằng: “Tôi không có công trạng gì, được ăn lộc đến năm mươi hộ đã là quá phận mong ước rồi, thế mà nay lại được cấp cho tiền bổng hàng năm nhiều gấp đôi! Vậy xin từ, không dám nhận”.

Ngược lên triều Lý, thì từ thời vua Lý Thánh Tông, năm 1067, triều đình cũng mới bắt đầu cấp lương bổng cho những quan lại giữ việc hình ngục. “Toàn thư” cho biết, sau khi bổ nhiệm Ngụy Trọng Hòa và Đặng Thế Tư làm quan Đô hộ phủ sĩ sư, đồng thời đổi mười người thư gia là mán ngục lại (quan ghi chép việc xử án), vua cho Trọng Hòa và Thế Tư mỗi năm mỗi người năm mươi quan tiền, trăm bó lúa, cá và muối đủ dùng. Các ngục lại, mỗi người hai mươi quan tiền và trăm bó lúa. Việc cấp lương bổng này cốt để gây nuôi lòng thanh liêm của họ.

Theo bộ “Lịch triều hiến chương loại chí”, phần “Quan chức chí”, thì vào triều Lý, các quan trong triều và ngoài các lộ đều không có lương bổng. Với quan trong triều, thỉnh thoảng được vua ban thưởng; còn quan ngoài lộ (các địa phương), sẽ được giao phó cho dân một làng để thu thuế ruộng đất, đầm, ao mà tự cung cấp cho mình. Mãi đến thời Lý Thánh Tông, các quan lại giữ việc ngục tụng mới có lương bổng thường xuyên.

Ngoài lộc hộ, triều đình nhà Lê cũng ban cấp ruộng riêng cho các công thần, gọi là ruộng thế nghiệp. Điều này nối tiếp chính sách từ thời nhà Lý, từ sự tích Lê Phụng Hiểu được vua Lý Thái Tông ban cho ruộng lộc điền ở quê nhà (xưa là huyện Cổ Đằng, nay là Hoằng Hóa, Thanh Hóa), ông xin lên núi ném con đao đi xa, đao đi đến đâu sẽ tính ruộng ngang dọc bằng ấy, gọi là ruộng “thác đao”.

Thời Lê cũng ban cho các công thần ruộng thác đao như vậy. Như thời vua Lê Thánh Tông, vua ban cấp ruộng thế nghiệp cho 30 người bầy tôi có công: Lê Xí và Lê Liệt mỗi người đều được 350 mẫu; Lê Lăng 300 mẫu; Lê Niệm 200 mẫu; Lê Nhân Thuận 150 mẫu; bọn Lê Thọ Vực, Nguyễn Sư Hồi và Lê Nhân Khoái mỗi người đều 130 mẫu. Còn từ Trịnh Văn Sái trở xuống gồm 22 người đều được cấp ruộng nhiều ít khác nhau.

Theo “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, thì dưới thời vua Lê Thánh Tông, việc phân cấp bổng lộc cho các quan được thực hiện dựa theo nguyên tắc: “Những nơi ít việc và nơi rất ít việc, những chức thong thả và những chức rất thong thả tiền bổng có khác nhau”. Đối với các quan cùng phẩm hàm nhưng giữ các trọng trách ở địa phương số tiền lương cũng không có sự khác biệt so với các quan trong triều nhằm khuyến khích các quan làm việc ở lộ, phủ và để quan lại không vì lương bổng quá thấp so với quan trong kinh mà sinh ra vơ vét của dân, sinh ra nhũng lạm.

Thời Trần cũng vậy, sử viết vào tháng 10/1244, vua Trần Thái Tông mới định lương bổng cho các quan. Lương bổng ấy lấy vào tiền thuế và theo thứ tự cấp phát. Đến nay, định lại ngạch lương bổng có người hơn người kém khác nhau.

Tuy nhiên, với các viên quan thanh liêm thì lương bổng thường không đủ chi dùng. Như thời vua Trần Minh Tông, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi là người được vua tin dùng hậu đãi. Biết ông là người liêm khiết, vua muốn thử, sai người đem 10 vạn quan tiền để trước cửa nhà ông. Sáng hôm sau, Mạc Đĩnh Chi đem túi tiền lên triều, tâu với nhà vua. Vua nói: “Không ai nhận tiền ấy, thì cho khanh lấy mà chi dùng”, nhưng ông đã từ chối và không nhận vì cho rằng người mất sẽ lo lắng lắm. Lúc này, vua cho biết rằng chỉ thử lòng và trao cho ông phần thường vì lòng chính trực.

Đến cuối thời Trần, triều đình đặt thêm chức học quan ở các địa phương, đó là vào năm 1397, đời Trần Thuận Tông, khi Hồ Quý Ly đang chuẩn bị cho dời kinh đô về Tây Đô rồi, nhưng vẫn ban bố việc đặt chức học quan ở các lộ, và cấp cho các học quan “ruộng hoặc nhiều hoặc ít có khác nhau”.

Tờ chiếu ban hành theo danh nghĩa vua Trần Thuận Tông viết rằng: “Nay thể lệ về nhà học của nước đã đầy đủ, nhưng ở châu, ở huyện hãy còn thiếu sót, thì làm thế nào mà mở rộng được đạo dạy dân? Vậy hạ lệnh cho phủ và châu thuộc các lộ Sơn Nam, Kinh Bắc và Hải Đông đều đặt một viên quan giáo thụ giữ về việc học, cấp cho ruộng theo đẳng cấp sau này: Phủ và châu hạng lớn 15 mẫu, hạng trung bình 12 mẫu, hạng nhỏ 10 mẫu, để lấy hoa lợi ruộng ấy mà chi dùng vào việc học trong phủ hoặc châu.

Viên quan cai trị ở lộ đôn đốc viên quan giữ việc học phải dạy bảo học trò, cho thành người tài năng văn nghệ. Hằng năm, cứ đến cuối năm, lựa chọn người nào ưu tú tiến cống vào triều, trẫm sẽ thân hành thi lại rồi cất nhắc bổ dụng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.