Sống “khỏe” với nghề sửa đồ điện gia dụng

GD&TĐ - Đồ điện gia dụng đã trở nên phổ biến, một số gia đình có điều kiện kinh tế, khi đồ bị hỏng họ có thể bỏ hẳn đồ cũ và mua mới. Tuy nhiên, các gia đình ít có điều kiện hơn sẽ lựa chọn giải pháp sửa chữa để có thể tiếp tục sử dụng. Điều này kéo theo nhu cầu về thay đổi, sửa chữa đồ điện gia dụng, đây được xem là một nghề hữu ích và không kém phần thú vị.

Ông Nguyễn Sinh Liên với nghề sửa chữa đồ điện gia dụng. Ảnh: T.G
Ông Nguyễn Sinh Liên với nghề sửa chữa đồ điện gia dụng. Ảnh: T.G

Sự lựa chọn khôn ngoan

Từ nhiều năm nay, nồi cơm điện là đồ gia dụng nhà bếp phổ biến nhất trong mọi gia đình. Dường như đó là một sự thay thế hoàn hảo cho việc nấu cơm bằng những chiếc nồi gang được đun bằng bếp than hoặc bếp dầu như trước kia. Đó cũng là một món đồ điện gia dụng hay hỏng nhất.

Làm nghề sửa chữa đồ điện gia dụng đã hơn 10 năm nay, ông Nguyễn Sinh Liên, 50 tuổi, ở tổ 8, phường Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) cho biết: Có rất nhiều khách hàng mang nồi cơm điện đến sửa, lỗi thường gặp nhất là nồi vẫn nấu bình thường mà cơm thì bị nhão và không chín được.

Nguyên nhân tình trạng này do chiếc “le” của nồi bị mất từ tính, khi nấu điện vẫn vào nhưng “le” không đóng được nên nồi không đủ nhiệt để làm cơm chín. Chiếc “le” này chính là lõi tròn ở giữa đáy nồi, việc thay thế khá đơn giản, chỉ việc tháo đáy nồi, gỡ “le” cũ và thay “le” mới vào là nồi sẽ hoạt động trở lại bình thường.

Sửa nồi cơm điện có lỗi này ông Liên chỉ mất khoảng 10 phút và thu tiền công sửa chữa là 40.000 đồng, nồi cơm điện công nghiệp thì cũng chỉ nhỉnh hơn một chút là 50.000 đồng. Rõ ràng nếu so sánh với việc phải bỏ tiền ra mua một chiếc nồi cơm mới có giá 7 - 8 trăm nghìn đồng, thậm chí là tiền triệu, thì sửa chữa được xem là sự lựa chọn khôn ngoan của nhiều gia đình.

Ngoài sửa nồi cơm điện, nhu cầu sửa chữa các vật dụng khác cũng rất nhiều như: Quạt, máy bơm, bếp từ, ấm đun nước và cả… vợt muỗi. Tiền công sửa chữa khá rẻ, thường chỉ dăm bảy chục nghìn đồng cho mỗi vật dụng. Đối với một số mô - tơ quạt, máy bơm nếu phải quấn lại thì cao hơn, mức giá khoảng 400 - 500 nghìn đồng.

Có nghề, tự tạo việc làm

Nằm trong khu dân cư lao động, cửa hàng của ông Liên trông giống một cửa hàng bán đồ đồng nát nhiều hơn là dịch vụ sửa chữa đồ điện gia dụng với hàng nghìn chi tiết máy móc cơ điện tháo rời, bày la liệt. Tuy nhiên, trong mớ hỗn độn ấy, dường như cũng có một trật tự riêng, bởi ông Liên có thể nhanh chóng lấy ra một con chíp hoặc cái ốc vít phù hợp với món đồ đang sửa.

“Nghề cơ điện nói chung, hiện nay có khá nhiều cơ sở đào tạo các trình độ trung cấp, cao đẳng, người học sau tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm tại các công ty, doanh nghiệp lớn với mức lương khởi điểm từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Đối với dịch vụ sửa chữa cơ điện gia dụng, người có trình độ từ trung cấp trở lên hoàn toàn có thể trở thành thợ lành nghề thông qua quá trình làm việc thực tế” - ông Liên cho biết.

Cửa hàng cũng không có biển hiệu, tên tuổi, nhưng khách hàng khá đông, do ông Liên đã làm nghề lâu năm nên được nhiều người biết đến. Có những ngày ông Liên và vợ phải làm suốt từ sáng đến tối muộn không hết việc.

Đôi khi còn phải hẹn ngày cho khách hàng đến lấy sau vì không kịp sửa chữa ngay. Ông Liên chia sẻ: “Đây là nghề tôi được bố dạy cho, ông là công nhân cơ điện sau về nghỉ và làm nghề tại nhà. Trước đây, tôi và bố thường mua lại quạt cũ hỏng mang về cuốn lại, dần dần phát triển nhận sửa chữa các loại vật dụng khác. Làm nghề này thu nhập đều đặn, ổn định, quan trọng hơn cả là được chủ động hoàn toàn về thời gian và không phải quá lo lắng chuyện mưu sinh”.

Ở Hà Nội, đâu đó trên vỉa hè ở một số tuyến phố như Đội Cấn, Hoàng Cầu, Đê La Thành… nếu để ý người ta có thể thấy một vài thợ sửa chữa đồ điện gia dụng. Cũng giống như ông Liên, dịch vụ sửa chữa khá nhanh chóng, thuận tiện. Tuy nhiên, vì ở trong phố trung tâm nên giá dịch vụ cao hơn một chút và thường được thỏa thuận trước khi sửa chữa. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ