Vẫn chuộng hàng ngoại
Chuộng hàng ngoại - xu hướng không còn xa lạ với người Việt trong những năm gần đây. Những con số thống kê mà BSA chỉ ra là hàng năm nhu cầu sử dụng hàng nhập ngoại đang tăng và theo xu hướng năm sau tăng nhanh hơn năm trước. Đây là kết quả của những khảo sát tại một số siêu thị, trung tâm thương mại - nơi mà người tiêu dùng đến mua sắm nhiều nhất các nhu yếu phẩm, văn phòng, đồ gia dụng. Tiếp đến là hệ thống các cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện ích, phục vụ hàng tiêu dùng thiết yếu cho gia đình.
Chợ truyền thống tuy có giảm vị thế ở một số mặt hàng, nhưng vẫn chiếm ưu thế ở ngành hàng thực phẩm tươi sống. Trong khi đó, thời gian qua tuy xu hướng mua sắm online của người tiêu dùng trẻ tăng nhanh, nhất là hàng may mặc, mỹ phẩm, văn phòng phẩm, điện tử… nhưng vẫn đứng cuối bảng so với các điểm mua bán khác. Điều này có nghĩa, trong tương lai các sản phẩm nhập ngoại sẽ có nhiều cơ hội hơn khi kinh tế phát triển và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng cũng sẽ tăng nhanh hơn.
Theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch BSA, trong các kênh phân phối hàng hóa chủ yếu hiện nay là trung tâm thương mại, siêu thị và online, thì cửa hàng tiện ích đang có sự góp mặt ngày càng nhiều của các doanh nghiệp ngoại đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Có rất nhiều nguyên nhân khiến hàng hóa đến từ 3 nước này được người tiêu dùng Việt Nam tin dùng. Nhưng yếu tố đầu tiên vẫn là chất lượng (bền, chất liệu tốt, ngon, hợp khẩu vị), đặc biệt tính an toàn khi sử dụng là những yếu tố đầu tiên luôn được người tiêu dùng quan tâm và đặt lên hàng đầu.
Còn lại các yếu tố như thông tin sản phẩm rõ ràng, dễ tìm mua hay thương hiệu nổi tiếng chỉ xếp sau. Trong khi đó, kết quả điều tra của BSA chỉ ra rằng, các yếu tố giá cả, khuyến mãi chỉ còn sức hút với một số bộ phận nhỏ và không còn là yếu tố lựa chọn hàng đầu như những năm trước của người tiêu dùng...
Hàng nội làm gì để cạnh tranh?
Có thể thấy, thời gian qua, hàng loạt các thương vụ thâu tóm của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đối với các doanh nghiệp trong nước nhằm gia tăng thị phần cho sản phẩm đã diễn ra rất nhanh chóng. Chẳng hạn như thương vụ Central Group (Thái Lan) thâu tóm Big C với hệ thống 32 siêu thị trên khắp cả nước, đồng thời nắm giữ 49% cổ phần của Nguyễn Kim. Mega Market (tên cũ Metro) có 19 siêu thị thuộc sở hữu của Tập đoàn TTC Holdings…
Theo bà Hạnh, không chỉ dừng lại ở việc thâu tóm không gian kết nối người tiêu dùng với sản phẩm, các doanh nghiệp Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc còn chủ động thực hiện nhiều chương trình kích hoạt nhằm đánh động cảm xúc, thu hút và chinh phục người tiêu dùng Việt bằng rất nhiều hình thức.
Nhiều doanh nghiệp Việt đã cảm nhận được sự cạnh tranh gay gắt của hàng ngoại và sức “nóng” đó sẽ còn tăng lên gấp nhiều lần khi các hiệp định thương mại tự do (CPTPP) có hiệu lực, các hiệp định khác cũng sẽ giảm thuế mạnh mẽ hơn theo cam kết. Sân chơi mới mở ra cũng đồng thời khép lại những cơ hội nếu doanh nghiệp Việt không thể bắt kịp với xu thế.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, hàng Việt muốn chinh phục nhà phân phối, chinh phục người tiêu dùng, muốn đi xa, đi vững thì phải có tiêu chuẩn. Bởi nếu giới thiệu một sản phẩm tốt nhưng không có bất kỳ chứng nhận tiêu chuẩn nào, chắc chắn các nhà phân phối, các đối tác nước ngoài sẽ không bao giờ chấp nhận.
“Trong bối cảnh hội nhập, vai trò của tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế về an toàn, chất lượng là rất quan trọng đối với sản phẩm, hàng hóa. Bởi vậy, muốn cạnh tranh, xuất khẩu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi cách tiếp cận, đó là phải làm theo tiêu chuẩn, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu…” - ông Phú nói.