Rộn ràng chuẩn bị Tết ở Làng trẻ SOS Nghệ An

GD&TĐ - Những ngày này, Tết đã về chộn rộn ở Làng trẻ SOS Nghệ An. Làng là nơi chăm sóc trẻ mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tết Nguyên đán là dịp quan trọng để tạo sự ấm cúng, tình cảm đối với các con.

Không khí tết về tại những ngôi nhà chung của Làng trẻ SOS Nghệ An.
Không khí tết về tại những ngôi nhà chung của Làng trẻ SOS Nghệ An.

Những cuối tháng Chạp, khắp mọi ngả đường tại TP Vinh, Nghệ An tấp nập, hối hả người xe chuẩn bị tết. Tại làng trẻ SOS, Dưới những ngôi nhà chung màu gạch đỏ, không khí tết đã bắt đầu chộn rộn. Bọn trẻ được nghỉ học, được mẹ phân công nhiệm vụ vệ sinh, quét dọn nhà cửa, vườn cây.

Các em nhỏ tại Làng trẻ SOS Nghệ An trang trí Tết tại nhà.
Các em nhỏ tại Làng trẻ SOS Nghệ An trang trí Tết tại nhà.

Gắn bó với làng trẻ SOS 26 gần như cả cuộc đời của mình, mẹ Nguyễn Thị Nhân cũng là người có nhiều con nhất. Ngồi chẻ lạt gói bánh trước hiên nhà, mẹ nói năm nay sẽ gói khoảng 10 cân nếp. Không chỉ sửa soạn tết cho 10 đứa trẻ hiện đang ở làng, mà còn cho các con của mẹ lớn đã trưởng thành, đi xa.

“Đứa đi học lên cao hơn, đứa thì đi làm, nhiều lứa lấy chồng lấy vợ có gia đình riêng. Nhưng làng luôn là quê hương, chờ đón con trở về ăn tết với mẹ và em. Năm nào chúng cũng về đông vui lắm, không biết năm nay thế nào...”, mẹ Nhân mong ngóng.

Mẹ Nguyễn Thị Nhân mong ngóng các con về làng ăn Tết.
Mẹ Nguyễn Thị Nhân mong ngóng các con về làng ăn Tết.

Nguyễn Thành Nam năm nay học lớp 7, nhưng mới vào làng hơn 1 năm. Cậu bé có vẻ trầm tĩnh, trưởng thành hơn so với tuổi.

Trước khi vào làng, em sống cùng mẹ trong ngôi nhà nhỏ tại xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Nói là nhà, nhưng thực chất đó là một cái điếm canh đê nằm cạnh sông Lam, được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho 2 mẹ con ở tạm.

Sinh ra không biết mặt bố, mẹ phát bệnh hoang tưởng, thường xuyên bỏ nhà ra đi. Nam chỉ còn một mình mẹ, nếu mẹ đi mất thì em không còn ai. Thời điểm đó, Nam phải bỏ học để chăm sóc, canh chừng mẹ. Làng xóm cho gì thì nhận nấy.

Làng là nơi tiếp nhận và chăm sóc trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Làng là nơi tiếp nhận và chăm sóc trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trước hoàn cảnh đặc biệt của Nguyễn Thành Nam, nhà trường, chính quyền địa phương đã kết nối để gửi em vào làng trẻ SOS. Còn mẹ Nam được gửi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tại huyện Đô Lương, Nghệ An.

Cậu bé được đi học tiếp, hòa nhập với môi trường mới, mạnh dạn, tự tin hơn. Hỏi tết năm nay có về quê không, Nam lắc đầu: “Con cũng nhớ nhà ở trên quê nhưng không còn ai ở nữa. Thỉnh thoảng con cũng được đưa đi thăm mẹ trên Đô Lương. Giờ làng là nhà của con, nên còn ở đây đón Tết với mẹ Nhân và các anh chị, em”, Nam chia sẻ.

Các con chuẩn bị muối dưa hành cho dịp Tết.
Các con chuẩn bị muối dưa hành cho dịp Tết.

Mỗi đứa trẻ được đưa về làng là một số phận riêng, thiếu thốn tình yêu thương, chỗ dựa, sự chăm sóc của bố hoặc mẹ. Vào đây, các con có mẹ, có anh chị em cùng chăm sóc, giúp đỡ nhau trong một gia đình lớn sum vầy.

Mỗi mẹ có đến hàng chục đứa con, nhưng với ai, mẹ cũng tìm hiểu hoàn cảnh, quan tâm, động viên.

Nguyễn Hữu Thắng (11 tuổi) nhà số 9 cây Xoài lần đầu tiên đón Tết tại làng trẻ SOS. Năm mới đến, Thắng được mẹ Tạ Thị Tuyên mua cho chiếc áo khoác ấm mới. Gương mặt cậu bé háo hức, phấn khởi. Trong tình thương của mẹ và anh chị em, Thắng đã vui hơn, cất những nỗi niềm riêng để đón năm mới.

Mẹ Tạ Thị Tuyên mua áo mới cho Nguyễn Hữu Thắng, đây là năm đầu tiên Thắng ăn tết ở làng trẻ.
Mẹ Tạ Thị Tuyên mua áo mới cho Nguyễn Hữu Thắng, đây là năm đầu tiên Thắng ăn tết ở làng trẻ.

Hiện làng trẻ SOS Nghệ An đang chăm sóc 182 trẻ ở 15 ngôi nhà chung. Mỗi ngôi nhà đều có tên riêng: Nhà cây Xoài, cây Liễu... được quét dọn sạch sẽ, trang trí đẹp mắt, vui tươi đón Tết, có cành đào, đèn lồng đỏ, đèn nháy. Các con cũng giúp mẹ tự tay gói bánh chưng, bánh tét, muối dưa hành.

Bên cạnh đó, nhiều năm nay học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh) có cũng đến giúp đỡ, chuẩn bị Tết tại trẻ làng SOS. Tất cả sự chuẩn bị đó, để các con cảm nhận được niềm vui đủ đầy của một đại gia đình trong ngày tết cổ truyền.

Mỗi ngôi nhà đều được trang trí cây đào, hoa, bóng nháy... tạo không khí Tết.
Mỗi ngôi nhà đều được trang trí cây đào, hoa, bóng nháy... tạo không khí Tết.

Ông Lê Bá Lương – Giám đốc Làng trẻ SOS Nghệ An chia sẻ: “Làng là nơi chăm sóc mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mỗi năm, tết nguyên đán là dịp quan trọng cần tạo sự ấm cúng, tình cảm đối với các con.

Hiện làng có 15 gia đình và khu lưu xá nam thanh niên, nữ thanh niên (dành cho trẻ trên 14 tuổi). Tổng với 182 cháu ở tại làng. Ngoài ra còn có các cháu đi học chuyên nghiệp và bán tự lập, dịp Tết cũng về tại làng. Vì vậy, việc chuẩn bị của ban lãnh đạo, các mẹ, các dì cũng rất chu đáo. Vừa đảm bảo an toàn chống dịch, thực hiện tiết kiệm, nhưng vẫn phải mang hơi ấm Tết, vui Xuân mới”.

Công tác chuẩn bị Tết tại làng SOS vừa đảm bảo phòng dịch, tiết kiệm nhưng tạo không khít tết ấm cúng, hào hứng cho trẻ.
Công tác chuẩn bị Tết tại làng SOS vừa đảm bảo phòng dịch, tiết kiệm nhưng tạo không khít tết ấm cúng, hào hứng cho trẻ.

Cũng theo ông Lê Bá Lương, hiện tại về công tác chuẩn bị trang trí, thực phẩm tết đã được đầy đủ và được các con rất hào hứng đón nhận. Làng cũng nhận được sự quan tâm, tặng quà của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, tổ chức hảo tâm.

Năm nay, Tết ở làng ngoài việc đi chúc tết mừng tuổi trẻ, các mẹ như mọi năm, thì còn tổ chức các hoạt động vui xuân, chơi trò chơi dân gian của các gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.