Bằng tình thương của mình, họ đã mang đến những nụ cười và niềm hạnh phúc cho những đứa trẻ.
Mái ấm gia đình
Làng trẻ em SOS quốc tế là một tổ chức phi chính phủ, phi tôn giáo, phi lợi nhuận do Tiến sỹ Hermann Gmeiner (1919 -1986) - một công dân nước Cộng hoà Áo sáng lập vào năm 1949, có trụ sở tại thành phố Innsbruck - Áo.
Mục tiêu của Làng trẻ em SOS quốc tế là nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa trên cơ sở tạo dựng cho các em mái ấm gia đình thay thế dựa trên nền tảng gia đình với bốn nguyên tắc sư phạm là bà mẹ, anh - chị - em, ngôi nhà và cộng đồng. Đến nay, Làng trẻ em SOS quốc tế đang hoạt động tại 134 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cả nước ta hiện có 17 Làng trẻ em SOS, mỗi làng có từ 12 đến 20 nhà gia đình và một khu lưu xá cho thanh niên nam. Mỗi gia đình thường xuyên nuôi dưỡng từ 7 - 10 cháu do một phụ nữ đơn thân tự nguyện làm bà mẹ SOS là chủ gia đình, cống hiến cuộc đời mình để nuôi dưỡng và chăm sóc các cháu.
Hạnh phúc là sự trưởng thành của các con
Một trong những bà mẹ của Làng SOS đã chia sẻ về tình cảm và những gắn bó với gia đình của mình, mẹ Khuất Thị Lợi, nhà B7 – Hoa Loa Kèn (Làng SOS Hà Nội) cho biết: Ngày 28/4/1990 nhà Hoa Loa Kèn bắt đầu đón trẻ và tôi được giao nhiệm vụ là bà mẹ của ngôi nhà này. Tôi xúc động vô cùng khi thấy một bé gái được ông ngoại đưa đến và nói với bé rằng tôi là mẹ của bé. Thật nghẹn ngào và xúc động, tôi ôm đưa bé vào lòng.
Hình ảnh hôm đó luôn mãi trong lòng tôi và trở thành ký ức không phai mờ. Thời gian đầu cũng là lúc khó khăn nhất. Đêm đầu tiên 7 đứa con đều khóc vì nhớ nhà. Thật khó khăn và lo sợ khi đón một đàn con, mỗi đứa một tính nết, một hoàn cảnh, bản thân tôi lo lắng vô cùng. Nhiều đêm tôi thức trắng lo về tương lai của các con, lo cho việc gắn kết những mảnh đời kém may mắn thành một mái ấm gia đình, có mẹ, có anh chị, có cộng đồng làng xóm.
Ngày tháng trôi qua, với lòng kiên trì, nỗ lực của bản thân, hỗ trợ của đồng nghiệp và các nhân viên trong làng, các con tôi đã được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, dần dần chúng đã gắn bó và tình cảm ngày càng sâu sắc. Công sức bỏ ra bắt đầu có thành quả, được chứng kiến đứa con đầu bước vào đại học tôi vô cùng sung sướng. Các cháu lớn ra đời, tôi lại tiếp tục đón các cháu nhỏ khác. Thời gian trôi qua, những đứa con thơ dại ngày nào khôn lớn và đã tìm cho mình một cuộc sống mới.
Cho đến nay, tôi đã và đang nuôi dạy được 27 người con, thêm vào đó là 3 con dâu và 8 con rể với 17 cháu nội ngoại. Vào những dịp lễ tết, ngày sinh nhật của tôi, các con, các cháu đều hội tụ về ngôi nhà thân thương này cùng nhau chia sẻ những kỷ niệm thời thơ ấu, những niềm vui, những thăng trầm trong cuộc sống hàng ngày. Và tôi thực sự thấy hạnh phúc.
Khi số phận mỉm cười ...
Trải lòng về hạnh phúc của cuộc đời mình, mẹ Dương Thị Thắm, nhà số 10 – Hoa Mẫu Đơn (Làng trẻ SOS Đồng Hới, Quảng Bình) xúc động kể: Cuộc đời tôi tưởng như trớ trêu không có được một tổ ấm nhỏ. Tôi không may mắn như bao người phụ nữ khác đó là có đứa con để chăm sóc vỗ về.
Nhưng số phận đã mỉm cười với tôi, đó là khi tôi dừng chân tại Làng trẻ SOS Đồng Hới. Tôi đã có một nguyện vọng, một tha thiết được làm mẹ để có con, có gia đình như bao bà mẹ khác. Và nguyện vọng đó đã trở thành sự thật. Tháng 3/2008, tôi thực sự được làm mẹ. Lần đầu tiên tôi được các con gọi bằng hai tiếng thân thương “mẹ ơi”. Với mọi người thì rất bình thường, nhưng đối với tôi thì rất thiêng liêng cao quý.
Một buổi sáng mùa xuân, tôi được đón những đứa con đầu tiên. Mỗi đứa con là mỗi hoàn cảnh bất hạnh khác nhau. Tôi nhớ mãi hình ảnh một bà cụ mù cả hai mắt đưa một cháu bé vào làng. Tôi đã cùng các con về ngôi nhà số 10 yêu thương. Bắt đầu từ đây chúng tôi gắn kết bên nhau cùng trải nghiệm và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Trước khi vào làng, có nhiều cháu chưa được đến trường. Thậm chí có cháu học lớp Hai mà chưa thuộc bảng chữ cái. Tôi phải dạy các con từng nét chữ, từng con số. Dần dần cháu đã theo kịp các bạn và ngày càng tiến bộ. Có những cháu rất thông minh, siêng năng đã đỗ vào trường chuyên của tỉnh và đạt nhiều thành tích cao trong học tập và các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh. Ba cháu lớn của tôi đã vào đại học, nhiều cháu đạt học sinh giỏi. Tôi đã tìm được tình niềm hạnh phúc, tình yêu thương từ chính ngôi nhà ấy cho cuộc đời của mình.