Nhức nhối hàng nhập lậu

GD&TĐ - Hàng nhái, hàng giả, hàng lậu hiện đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế - xã hội Việt Nam. 

Nhức nhối hàng nhập lậu

Hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng sống của hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam và cũng là nỗi lo thường trực của mọi gia đình trong cuộc sống đời thường. Đồng thời, phần thiệt hại hữu hình do nạn hàng giả gây ra có thể đo đếm được lên tới hàng tỉ đô la Mỹ, còn mất mát vô hình là tổn thương đến thương hiệu sản phẩm, uy tín doanh nghiệp (DN) thì rất khó lượng đoán…

Tiếp tục diễn biến phức tạp

Báo cáo của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do Cục QLTT (Bộ Công Thương) vừa tổ chức cho thấy, tình hình hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, tập trung vào các mặt hàng có giá cả chênh lệch lớn giữa trong nước và nước ngoài, mức thuế nhập khẩu cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch như rượu, thuốc lá… Đáng chú ý buôn lậu rượu ngoại, thuốc lá điếu và đường cát tiếp tục diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Trung và miền Tây Nam Bộ, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép các sản phẩm tươi sống như gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm vẫn xảy ra chủ yếu ở các tỉnh biên giới phía Bắc.

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu, ông Chu Xuân Kiên - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, kiêm Chi Cục trưởng - cho hay: Theo quy định các DN muốn sản xuất phân bón bắt buộc phải có giấy phép. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi không có giấy phép sản xuất phân bón và QLTT cũng không có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, hệ thống các quy định về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) quá nhiều, chồng chéo, gây khó khăn khi áp dụng. Từ nay đến cuối năm, Chi cục sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát các điểm tập kết kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm ATTP. Tăng cường kiểm tra kiểm soát về giá, xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng đầu cơ ép giá, gây bất ổn thị trường...

Trong khi đó, đại diện Chi cục QLTT Quảng Ninh và Lạng Sơn lại cho rằng, phương thức thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi, hàng hoá được cất giấu ngụy trang rất khó phát hiện. Một số đối tượng sử dụng hệ thống hầm thuỷ lực, khoá điện tử để đối phó với cơ quan chức năng, QLTT nếu không có thông tin cơ sở vững chắc thì rất khó đấu tranh, phát hiện vi phạm…

Nóng buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu

Theo đại diện Chi cục QLTT TPHCM, trong 6 tháng qua, tình hình buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, chủ yếu nóng vấn đề tình hình buôn bán, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu. Hoạt động buôn lậu thường diễn ra vào ban đêm, vận chuyển nhỏ lẻ đi ngược về hướng Tràng Bảng (Tây Ninh) về Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… để tiêu thụ.

Liên quan đến vấn đề này, tại các tỉnh Tây Nam Bộ, hoạt động buôn lậu thuốc lá ngoại khu vực biên giới vẫn khá phức tạp. Theo Chi cục QLTT tỉnh Tây Ninh, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép thuốc lá điếu ngoại nhập lậu trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng, tập trung chủ yếu ở 3 xã phía Tây huyện Tràng Bảng và huyện Bến Cầu. Các đối tượng rất manh động sẵn sàng cản trở, chống đối lại lực lượng kiểm tra để giật lại hàng, gây nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng của lực lượng kiểm tra và người dân tham gia giao thông…

Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng nên công tác chống buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng chắc chắn sẽ càng thêm khó khăn. Đặc biệt, thị trường ngày càng phát triển đa dạng, phức tạp; thủ đoạn, hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng sẽ tinh vi và bất chấp hơn trước. Do đó, để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm đạt hiệu quả cao nhất rất cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là vai trò của địa phương trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, bởi đây sẽ là yếu tố quyết định đến hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, hàng giả trong thời gian tới.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra trên 87.000 vụ, phát hiện xử lý hơn 54.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 333 tỷ đồng. Một số mặt hàng vi phạm bị bắt giữ có số lượng lớn gồm: Thuốc lá ngoại, bia chai, rượu ngoại, nước giải khát, hàng trăm tấn và chai phân bón, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, vải, quần áo các loại, đồ điện tử, đường cát, gia súc, phụ phẩm gia súc, gia cầm các loại...

Trong đó, các mặt hàng như: Rượu ngoại, thuốc lá điếu và đường cát, sản phẩm tươi sống như gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm… được các đối tượng sử dụng các phương thức, thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi và xảo quyệt…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.