Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV: Thảo luận về 2 dự án luật và thông qua 1 nghị quyết

GD&TĐ - Ngày 18/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 21 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Quốc hội đã thảo luận ở tổ về 2 dự án luật và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030

Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Các đại biểu cơ bản thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật; việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, sự tương thích với điều ước quốc tế; về phạm vi sửa đổi của dự án Luật.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, các đại biểu nhất trí bổ sung quy định lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương; quy định chính sách ưu tiên bố trí ngân sách cho phòng, chống thiên tai...

Đối với sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều, các đại biểu tập trung cho ý kiến đối với các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ đánh giá các hoạt động gây cản trở dòng chảy và thoát lũ nhưng không có biện pháp xử lý, biện pháp khắc phục.

Bên cạnh đó, một số đại biểu đã cho ý kiến về: Việc sử dụng bãi sông, lòng sông, bãi nổi, cù lao nơi chưa có công trình xây dựng; việc xử lý công trình nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều; việc xây dựng, cải tạo công trình giao thông liên quan đến đê điều…

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, các ý kiến tập trung vào một số vấn đề như: Việc phân loại, cấp công trình, dự án đầu tư xây dựng; về dự án đầu tư xây dựng đô thị; việc cấp giấy phép xây dựng, quản lý trật tự đô thị; về xây dựng công trình cấp bách và quản lý năng lực của các đơn vị xây dựng; về chất lượng công trình xây dựng; quy định cụ thể về trường hợp dự án, công trình được miễn giấy phép xây dựng nhằm tránh bị lạm dụng, buông lỏng quản lý; về trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền, nhất là cấp xã, phường trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng…

Buổi chiều, sau khi nghe báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; dự thảo Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với 432 đại biểu tán thành (bằng 89,44%).

Chiều cùng ngày, Quốc hội họp riêng, thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

Năm 2030, giảm hộ nghèo xuống dưới 10%
Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đặt ra các mục tiêu cụ thể, như: Đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm giảm trên 3% và có 50% số lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số... Định hướng đến năm 2030, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%; cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ