Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài: Không miễn thị thực vô điều kiện

GD&TĐ - Ngày 14/11, thảo luận về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, nhiều ĐBQH cho rằng, quy định Chính phủ quyết định khu kinh tế ven biển được miễn thị thực với người nước ngoài khi đáp ứng đủ điều kiện còn lỏng lẻo và thiếu thuyết phục. Nó làm tăng nguy cơ về bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) phát biểu tại hội trường ngày 14/11. Ảnh: Quang Khánh
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) phát biểu tại hội trường ngày 14/11. Ảnh: Quang Khánh

Không thể miễn thị thực vô điều kiện

Khoản 3, Điều 46, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định, giao Chính phủ quyết định khu kinh tế ven biển miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh nếu đáp ứng đủ các điều kiện có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài; phù hợp với chính sách phát triển KT-XH và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ vì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc phòng, an ninh.

Đại biểu dẫn chứng, gần đây các cơ quan chức năng đã phát hiện những vụ người nước ngoài vào Việt Nam tổ chức đánh bạc; buôn bán, vận chuyển ma túy quy mô lớn; lao động không phép, kinh doanh dịch vụ trái phép; lợi dụng làm hướng dẫn viên cho khách nước ngoài để xuyên tạc lịch sử Việt Nam; trộm cắp, tội phạm công nghệ cao...

Trong bối cảnh vùng biển nước ta đang bị vi phạm nghiêm trọng, quy định như dự thảo luật có thể dẫn đến nguy cơ cao hơn về sự xâm nhập của người nước ngoài núp dưới danh nghĩa du lịch.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cũng không đồng tình miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển cho người nước ngoài. Theo ông, không phải cứ miễn thị thực là thu hút được khách du lịch.

Việc thu hút khách du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sản phẩm du lịch, môi trường và bảo tồn di sản văn hóa tốt. Hơn nữa, càng mở cửa du lịch thì càng phải tăng cường quản lý xuất, nhập cảnh chặt chẽ hơn để bảo đảm an toàn cho xã hội, an ninh cho đất nước và cho chính khách du lịch.

“Chúng ta đã miễn thị thực theo các hiệp định thương mại tự do, có thể xin thị thực điện tử và xin thị thực ngay tại sân bay... Càng dễ dãi thì nguy cơ rủi ro càng tăng, không thể miễn thị thực một cách vô điều kiện được”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ quan điểm.

Tạo cơ sở pháp lý trong xử lý hình sự

Cùng ngày, Quốc hội cũng thảo luận việc sửa đổi quy định về xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép và chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng.

Các ĐBQH tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Điều 3, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để tạo cơ sở pháp lý trong xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép và chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng.

Từ thực tế công việc trong ngành Công an, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho biết, các đối tượng có hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển sử dụng, chiếm đoạt trái phép các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng đều là loại tội phạm rất nghiêm trọng.

Các vũ khí được những đối tượng này sử dụng như súng bắn đạn hoa cải, súng ổ xoáy, súng bút, súng tự chế... có tính sát thương cao, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, theo ông, việc xử lý hình sự về các hành vi trên là hết sức cần thiết, bảo đảm chính sách hình sự nhất quán từ trước đến nay ở nước ta.

Tuy nhiên, các ĐBQH băn khoăn nên sửa đổi quy định này trong luật chuyên ngành, hay Bộ luật Hình sự năm 2017. Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre), Điều 304, Bộ luật Hình sự năm 2017 là điều luật vô cùng quan trọng và mấu chốt, thể hiện rõ quan điểm xử lý về tội phạm liên quan đến vũ khí.

Đây là luật buộc tội và là luật gốc về buộc tội, do vậy, chính sách hình sự phải thể hiện rõ trong đạo luật này, còn các đạo luật chuyên ngành khác chỉ mang tính chất điều kiện. Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là luật mang tính chất điều kiện để phòng, chống nên không thể thay thế cho chính sách hình sự.

Thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020
Cùng ngày 14/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020 với tỷ lệ 90,48% số ĐBQH tham gia tán thành. Theo đó, Quốc hội quyết nghị tổng số thu ngân sách Trung ương năm 2020 là 851.768.636 triệu đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 660.531.364 triệu đồng. Tổng số chi ngân sách Trung ương năm 2020 là 1.069.568.636 triệu đồng, trong đó dự toán 367.709.919 triệu đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Nghị quyết nêu rõ, trước ngày 30/11/2019, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Đồng thời, trước ngày 31/12/2019, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020, danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới, gửi phương án phân bổ chi tiết cho Bộ KH&ĐT để tổng hợp báo cáo Chính phủ và theo dõi thực hiện. Tiếp tục cơ chế giao dự toán ngân sách Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trong dự toán ngân sách Nhà nước cho Bộ GTVT. Phân bổ tăng thêm 2% dự toán số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách các địa phương nhận bổ sung cân đối so với dự toán năm 2019.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.