Gian nan “cuộc chiến” chống sách lậu

GD&TĐ - Mới đây, Đội quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra một cơ sở kinh doanh, thu giữ hàng chục nghìn cuốn sách và nhiều ấn phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng giá trị khoảng 700 triệu đồng. Vụ việc này cho thấy, công tác phòng, chống in sách lậu vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến ngày càng khó kiểm soát.

Đội quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ sách lậu tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Ảnh: TUẤN MINH
Đội quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ sách lậu tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Ảnh: TUẤN MINH

Sách điện tử cũng có… phiên bản lậu!

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường Hà Nội, tại thời điểm kiểm tra cơ sở bị thu giữ hàng chục nghìn cuốn sách, ấn phẩm lậu nêu trên, lực lượng chức năng còn phát hiện thêm một số máy móc, thiết bị, vật tư ngành in cùng nhiều ấn phẩm, bản in đang trong quá trình gia công hoàn thiện.

Ngay giữa Hà Nội, sách lậu ngang nhiên hoành hành, được in ấn với số lượng cực lớn dù đây chỉ là một cơ sở kinh doanh và chỉ là một vụ trong rất nhiều vụ việc đã được phát hiện, xử lý. Đáng nói, ở thời buổi công nghệ, không chỉ sách giấy đối mặt với tình trạng bị in lậu mà sách điện tử cũng liên tục bị vi phạm bản quyền - một dạng sách lậu mới.

Với đặc thù thường được quảng cáo, mua bán, đăng tải trên in-tơ-nét cho nên sách điện tử đang đối diện với việc bị xâm phạm bản quyền, khiến doanh thu và thị phần độc giả giảm sút nghiêm trọng.

Chịu hậu quả khi sách điện tử xuất hiện phiên bản “lậu” tràn lan, có thời điểm Nhà xuất bản Trẻ phải hạ giá hàng loạt ấn phẩm xuống còn khoảng 5.000 đến 10.000 đồng/một bản, chấp nhận bù lỗ để không lỗ nặng hơn.

Cũng do bị in lậu ngoài thị trường, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam năm 2015 lỗ 45,92 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 48,22 tỷ đồng và năm 2017 lỗ khoảng 40 tỷ đồng. Đại diện đơn vị này cho biết, vì bị in lậu nhiều nên họ phải cân nhắc in số lượng ít để không tồn kho. Số lượng thấp đẩy giá thành lên cao, làm ảnh hưởng và gây thiệt hại nhà xuất bản cũng như bạn đọc.

Tuy chưa có con số thống kê cụ thể từ cơ quan chức năng, song theo ước tính từ các cơ sở kinh doanh sách, thiệt hại do sách lậu mỗi năm lên đến hàng chục tỷ đồng. Chẳng những các công ty sách, nhà xuất bản thiệt hại kinh tế, uy tín mà phía tác giả, bạn đọc cũng là những đối tượng bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích.

Sách lậu giảm giá, sách thật ế ẩm thì tiền bản quyền cho tác giả cũng giảm theo. Chưa hết, do quá trình in ẩu, chất lượng và nội dung sách không bảo đảm khiến chính tác giả, nhà xuất bản mất uy tín. Về phía độc giả, khi bỏ tiền mua sách lậu, đương nhiên họ sở hữu sản phẩm kém về hình thức, chất lượng.

Qua khảo sát, có thể nhận thấy phần lớn người đọc đều có tâm lý thích mua sách giá rẻ, được chiết khấu cao. Thậm chí, không ít người đặt thành tiêu chí để quyết định việc mua sách hay không.

Nhờ in ấn gia công rẻ tiền, không phải trả phí bản quyền cho tác giả, không mất các kinh phí khác trong quá trình in ấn xuất bản như: Giấy phép, tiền dịch, hiệu đính, biên tập viên, nhân viên chế bản, họa sĩ trình bày bìa…, cho nên sách lậu đáp ứng nhu cầu thực tế ấy.

Bên cạnh đó, người đọc chưa phân biệt được sách thật và sách giả, thích được giảm giá, miễn phí nên luôn có thói quen mua hàng ở vỉa hè, cơ sở nhỏ lẻ hoặc tìm phiên bản sách điện tử lậu trên in-tơ-nét thay vì đến những cơ sở quy mô lớn.

So sánh thị trường sách ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có thể thấy, ở TP Hồ Chí Minh người đọc có thói quen tới các nhà sách để mua sách và hầu như địa bàn không có các hàng sách vỉa hè - nơi lượng lớn sách lậu thường được bày bán.

Ngược lại, ở Hà Nội, có rất nhiều sách vỉa hè, bán vào thời điểm ban đêm, trưng biển “đại hạ giá” chiết khấu từ 50 đến 80% giá bìa. Việc kiểm soát, dẹp bỏ những hàng sách dạng này cũng góp phần làm “sạch” thị trường sách.

Cần quyết liệt hơn trong xử lý sách lậu

Tại một hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành xuất bản, các đại biểu tham dự đều thừa nhận, vẫn còn nhiều bất cập trong công tác phòng, chống in sách lậu. Cụ thể, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý ở một số địa phương vẫn còn chậm. Quá trình phối hợp giữa các đội liên ngành địa phương hoặc giữa đội liên ngành địa phương với các ngành liên quan còn chưa chặt chẽ, kịp thời.

Một số đội liên ngành được thành lập nhưng hoạt động khó khăn do chưa được địa phương cấp kinh phí hoạt động hoặc phải sử dụng kinh phí của Sở Thông tin và Truyền thông. Các thành viên đội liên ngành tham gia công tác theo chế độ kiêm nhiệm nên việc huy động quân số để tiến hành thanh tra, kiểm tra có lúc có nơi gặp khó khăn, thiếu nhân sự...

Các cơ quan quản lý nhà nước, từ Cục Xuất bản, In và Phát hành cho đến Hội Xuất bản cũng nhận định, sách lậu đã trở thành vấn nạn, song chưa tìm được giải pháp ngăn chặn. Một trong những nguyên nhân mấu chốt là chế tài xử phạt còn nhẹ, tiền phạt nếu bị phát hiện chỉ bằng một phần rất nhỏ so với lợi nhuận mà các cơ sở, cá nhân in lậu sách thu được.

Theo quy định tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản, thì hành vi in sách lậu từ 300 bản trở lên có thể bị phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. Do đó, nhiều cơ sở vi phạm nộp phạt rồi lại hoạt động với quy mô lớn và thủ đoạn tinh vi hơn.

Thậm chí, các cơ sở dạng này còn kết hợp với nhau thành một “đế chế” sách lậu. Ngoài ra, nhân tố quyết định sự thành, bại trong việc chống sách lậu chính là bạn đọc - những người bỏ tiền mua sách. Chỉ khi họ ý thức được việc mua và đọc sách thật là hành vi văn hóa và tôn trọng pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình thì vấn nạn ấy mới được giải quyết triệt để.

Các cơ quan truyền thông, báo chí cần thâm nhập sâu hơn vào những “đế chế” sách lậu để tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó cũng là một cách giúp người đọc nhận thức tốt hơn.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Chu Văn Hòa cho biết: Theo thống kê từ Cục, trong hai năm 2017 và 2018, các vụ việc về sách lậu bị phát hiện đã giảm hẳn so với trước. Chúng tôi nhận định có ba lý do. Thứ nhất, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã hoàn thiện góp phần giúp cơ quan quản lý địa phương đến Trung ương phối hợp, có căn cứ pháp lý để thực hiện quản lý.

Điều 27 của Nghị định 159/2013/NĐ-CP có những hình thức xử phạt bổ sung là: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, đình chỉ, tước quyền sử dụng giấy phép. Như vậy, những cơ sở in sách lậu không chỉ nộp phạt mà còn chịu nhiều phương cách xử lý khác. Thứ hai, công tác thanh tra, kiểm tra từ Trung ương đến địa phương được đẩy mạnh, hoạt động có kế hoạch, phối hợp giữa việc đấu tranh kịp thời và giáo dục vận động. Thứ ba, ý thức của các cơ sở kinh doanh được nâng cao; ngành in hiện đại hóa, làm ăn có lãi nên hướng tới sự chân chính. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn khá nhiều cơ sở “cố thủ”, chuyển sang hình thức tinh vi hơn.

Theo lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành, hạt nhân quan trọng trong “cuộc chiến” chống sách lậu chính là các chính quyền cơ sở ở địa phương như phường, xã, quận, huyện. Nhiều nơi chưa coi trọng đúng mức công việc này, còn bao che hoặc vô trách nhiệm.

Một cơ sở in lậu muốn hoạt động cần có máy móc thiết bị, nguyên liệu, nhân công và đối tác giao dịch, tiêu thụ. Vậy cớ gì mà các ngành chức năng địa phương không thể phát hiện ra? Bên cạnh đó, còn không ít nhà sách vẫn in lậu để trốn thuế, tăng doanh thu, đăng ký một thì in mười, tạo ra vô số hình thức liên kết xuất bản tiềm ẩn nguy cơ in lậu.

Cục đã nhiều lần đề nghị phương án dán tem để nhận diện sách thật nhưng nhiều đơn vị kinh doanh sách phản đối, khiến đơn vị quản lý có cảm giác bị “lẻ loi” trong cuộc chiến chống sách lậu. Tới đây, hội nghị toàn quốc của Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ đặt ra vấn đề này để thảo luận, tìm phương án.

Theo Nhân Dân

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ