Bảo vệ bản quyền sách: Cần cái “bắt tay” của nhà xuất bản

GD&TĐ -  Vi phạm bản quyền sách đã trở thành căn bệnh trầm kha diễn ra nhiều năm nay. Tình hình này còn trở nên xấu hơn khi thời gian qua việc vi phạm bản quyền không chỉ trên sách giấy mà còn ở bản sách điện tử - ebook.  

Sách in và sách điện tử lậu đang là nỗi lo của ngành xuất bản
Sách in và sách điện tử lậu đang là nỗi lo của ngành xuất bản

Vi phạm bản quyền tấn công ebook

Lâu nay, nhiều nhà xuất bản (NXB) nước ta phải đối mặt với vấn nạn sách in lậu, nhưng đồng thời còn phải gồng mình chống lại việc sách điện tử (ebook) bị xâm hại trái phép. Phần lớn tác phẩm bị vi phạm bản quyền đều là các sách bán chạy và được yêu thích như: 68 ngộ nhận và giác ngộ về nuôi con bằng sữa mẹ (Thạc sĩ Lê Nhất Phương Hồng, NXB Phụ nữ), Tư duy tích cực thay đổi cuộc sống (Trần Đình Hoành, NXB Phụ nữ), Bên kia đường có đứa dở hơi (Wendelin Van Draanen, NXB Phụ nữ)...

Thời công nghệ thông tin, chỉ cần một bản sách giấy, có thể sách giả, sách lậu, hoặc sách photocopy là có thể đánh máy lại và đưa lên mạng. Rồi từ mạng, chỉ cần một, hai thao tác đơn giản là nhân ra hàng nghìn bản, không thể kiểm soát được nội dung có chính xác không, có “phát sinh”, cảm tính gì của người đánh máy không.

Các bản in này không cần giấy phép xuất bản, không quan tâm nội dung, không chú trọng chất lượng… Không chỉ in lậu các đầu sách đã được xuất bản chính thức trong nước, các trang trực tuyến này còn in cả các loại sách không được xuất bản, từ sách ngôn tình đến sách chính trị, phản động…

Đã từng có một trang web rao bán ebook đồng giá 10.000 với lời bào chữa, chi phí này để trả cho người sưu tầm, đánh máy và khi nào đạt đến số lượng 1 triệu người - tức tương đương lợi nhuận 10 tỷ mới tính đến bản quyền. Sau khi bị báo chí phát giác, cũng như các nhà văn phát hiện ra sách của mình bị xâm phạm, trang web này đã không còn hoạt động.

Liên kết chống vi phạm bản quyền

Để chống lại thực trạng này, Hội Xuất bản Việt Nam đang đề nghị tất cả các đơn vị xuất bản, phát hành sách chung tay, phối hợp đấu tranh chống lại thực trạng sao chép tác phẩm, sách có bản quyền trái phép.

Cụ thể, các đơn vị sẽ phối hợp với nhau chia sẻ rộng rãi các trường hợp vi phạm trên Facebook, website… Nếu đơn vị nào có những tác phẩm, sách bị xâm hại bản quyền thì phản ánh ngay về văn phòng Hội qua email: hoixuatbanvn.vppn@gmail.com.

Trong email phản ánh cần liệt kê các tác phẩm bị vi phạm bản quyền, tên các đơn vị xâm phạm bản quyền, có hình ảnh rõ ràng để làm chứng cứ trình báo (chụp màn hình)... Sau khi tổng hợp đầy đủ chứng cứ, văn phòng Hội sẽ phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật để tìm ra biện pháp đấu tranh và xử lý thích hợp.

Trước tình trạng sao chép, vi phạm bản quyền sách diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, đây có thể nói là bước ngoặt mới trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền. Nếu như trước đây, việc chuyển thông tin vi phạm bản quyền đến đơn vị chức năng thường nhỏ lẻ, phải trông chờ tổng hợp các vi phạm thì nay, với việc chủ động thông tin từ các đơn vị xuất bản đã được tổng hợp sẵn, việc xử lý sẽ nhanh chóng và chính xác hơn.

Việc vi phạm bản quyền sách không chỉ dừng lại ở chuyện vi phạm pháp luật mà còn là nền tảng nhận thức, thể hiện sự phát triển của một đất nước. Hi vọng sự liên kết của các NXB trong thời gian tới, sẽ giống như liều thuốc đặc trị chấm dứt căn bệnh trầm kha kéo dài nhiều năm qua.

Tình trạng vi phạm bản quyền sách điện tử ngày càng nghiêm trọng và mở rộng, ảnh hưởng đến lợi ích tác quyền của chính tác giả, của đơn vị xuất bản cũng như sự phát triển của ngành xuất bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.