Điện Biên Đông đang “thay da, đổi thịt”

GD&TĐ - Câu chuyện buồn về tự tử, những hủ tục… ở huyện vùng cao nghèo Điện Biên Đông (Điện Biên) đã tồn tại nhiều năm qua. Tuy nhiên, bằng nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, Điện Biên Đông đang thay da, đổi thịt.

Đồng bào Mông sống trên những sườn đồi cao
Đồng bào Mông sống trên những sườn đồi cao

Đau đáu...

Mỗi năm có đến vài chục vụ tự tử bằng lá ngón mà nguyên nhân chẳng thể coi là nguyên nhân. Cũng chỉ từ việc yêu đương không thành, hay bố mẹ ngăn cản vì đang ở độ tuổi học hành nên chưa yêu đương vội.

Cũng có khi chỉ bởi đi chăn trâu, trâu ăn lúa, sợ bố mẹ mắng... cũng vào rừng tìm lá ngón để kết liễu cuộc đời. Tình trạng di dân tự do tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Hủ tục vẫn cứ đeo bám khiến đời sống nhân dân không thể tránh xa cái đói, cái nghèo.

Một chiều cuối thu, tôi có chuyến công tác tại Điện Biên Đông. Do có hẹn trước nên vừa rời phòng họp, ông Vừ A Bằng - Bí thư Huyện ủy vội vã về phòng làm việc riêng, pha tách trà để anh em tâm sự.

Tôi biết Bí thư huyện Điện Biên Đông đã hơn 10 năm kể từ khi ông “xông pha, lăn lộn” với phong trào Đoàn. Rồi cả thời điểm “miền đất hứa” (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé) xảy ra tình trạng tập trung đông người gây mất an ninh trật tự ở địa phương năm 2011 khi ông giữ một trong những vị trí chủ chốt của huyện. Chẳng kể ngày, đêm, mưa, gió, cứ mỗi lần nghe tin ở đâu có “biến” là ông có mặt.

Giờ công tác ở địa bàn mới là huyện Điện Biên Đông, ông vẫn giữ được phong thái ấy. Trong gần 120 phút “đàm đạo”, ông Bằng kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về mảnh đất Điện Biên Đông, nơi có 35 nghìn đồng bào Mông đang sinh sống.

Cho đến lúc trò chuyện với tôi, ông đau đáu mãi câu chuyện vừa mới xảy ra. Theo ông kể, tháng trước, có một cậu thanh niên người Mông tìm đến tận phòng làm việc, ngồi chầu chực cả ngày chỉ đợi để gặp cho bằng được “Bí thư”. Cậu này là con áp út, cả nhà có 5 cặp vợ chồng đang sống chung trong một nóc nhà bao gồm: Ông - bà; Bố - mẹ; anh - chị dâu rể con cháu và cả mấy đứa em đang đến độ dựng vợ, gả chồng.

Tôi nhớ nguyên văn câu chuyện của gia đình cậu bé đó và chỉ biết nói cảm ơn vì đã tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước. Còn bất cập hiện tại, huyện sẽ có ý kiến với tỉnh về vấn đề này bởi cái đó tầm giải quyết là ở cấp tỉnh.

Thế nhưng, khi bước chân xuống cầu thang ra về, cậu bé ấy có nói một câu khiến tôi suy nghĩ mãi: “Nếu như thế này thì bọn cháu không thể ở đây được nữa. Chắc sẽ lại phải chuyển đến nơi khác để ở thôi.

 
Ông Vừ A Bằng tâm sự

Bằng ấy con người nhồi nhét trong một căn nhà gỗ nhỏ. Ngày trước nghèo khó, bố mẹ cứ tính toán, năm nay bán con trâu này thì làm nhà cho thằng lớn, ba năm sau đợi trâu lớn lên thì tách hộ cho thằng hai... cứ thế, thời gian trôi đi. Khi có tiền làm nhà thì bốn xung quanh được người ta quy hoạch thành rừng. Chỗ nào cũng là rừng hết. Nếu không va phải rừng thì lại chạm phải nương. Thế nên giữa rừng núi mênh mông, mảnh đất làm nhà cũng chẳng có.

“Cậu ấy lên gặp mình, có hỏi: “Chú ơi, thế bây giờ Nhà nước quy hoạch hết. Chỗ nào cũng là rừng, là nương. Nhà cháu hiện tại kê một cái mâm để ngồi ăn cơm cũng không có. Vậy theo chú, cháu sẽ lấy đất ở đâu để mà dựng nhà? Vì nếu lấy đất ruộng, đất vườn làm nhà thì lại trái với quy định của Nhà nước?”.

Thật sự là tôi không biết trả lời như thế nào. Ngồi nghĩ mà rớt nước mắt vì thương đồng bào mình. Lỗi đó là do cán bộ của mình thiếu sự phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khi đi đo đạc, đánh giá quy hoạch rừng đã không tính toán đến quy mô dân số sau này”, ông Vừ A Bằng bộc bạch.

Ông Vừ A Bằng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông chủ trì một cuộc họp
 Ông Vừ A Bằng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông chủ trì 
một cuộc họp

Nhận thức hạn chế...

Còn nhớ, 2 năm trước, huyện Điện Biên Đông có tới hơn 70 trường hợp tự tử bằng lá ngón. Trong đó có 23 người chết, số còn lại may mắn được cấp cứu kịp thời. Câu chuyện của chị Thào Thị B trú tại xã Phì Nhừ là một điển hình cho thấy nhận thức của đồng bào còn nhiều hạn chế.

Cũng chỉ từ mâu thuẫn trong sinh hoạt gia đình rồi uất ức quá, không tìm được lối thoát, chị B đã lên rừng lấy lá ngón về ăn như một sự giải thoát. Vợ thì ra đi mãi mãi, còn anh Hờ Sá, chồng của nạn nhân tiếc nuối người vợ trẻ trong nước mắt.

Không chỉ riêng ở xã Phì Nhừ, ở các xã như Keo Lôm, Noong U, Sa Dung, Tìa Dình cũng xảy ra nhiều vụ tự tử bằng lá ngón. Nguyên nhân bắt nguồn từ những mâu thuẫn rất đơn giản như: Vợ chồng tranh cãi, yêu đương không thành; thầy cô giáo nặng lời hay mẹ con bất đồng quan điểm; anh em không có tiếng nói chung.... cũng là lí do để tìm đến lá ngón.

Bác sĩ Nguyễn Văn Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông từng nói: “Vấn đề nổi cộm nhất về sức khỏe gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân là tự tử bằng lá ngón. Toàn huyện đã quan tâm, rất nhiều dự án, rất nhiều tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành đã vào cuộc, đặc biệt từ tỉnh cũng giúp huyện về vấn nạn tự tử lá ngón. Qua đó, người dân có sự hiểu biết hơn”.

Huyện Điện Biên Đông có tổng diện tích tự nhiên hơn 120.600ha, khoảng 60 nghìn dân, trong đó dân tộc Mông chiếm 54%. Đồng bào Mông sống chủ yếu ở các xã: Háng Lìa, Tìa Dình, Pú Hồng, Phình Giàng, Phì Nhừ, Noong U, Keo Lôm, Chiềng Sơ, Pu Nhi và Na Son. Trong đời sống cộng đồng người Mông, ngoài những nét đặc sắc cần được lưu giữ và phát huy thì vẫn còn nhiều hủ tục phải xóa bỏ, đặc biệt là trong việc cưới, việc tang.

Trong các nghi thức khi có người qua đời vẫn còn một số thủ tục không phù hợp với nếp sống văn minh như: Nổ súng kíp sau khi tắt thở và trong đám tang không đưa người chết vào quan tài; thường chọn ngày chôn cất, kỵ các ngày: Thìn; Dần; Mùi; Ngọ, nên thời gian tổ chức đám tang bị kéo dài. Các thủ tục thăm viếng, tiếp nhận, cảm ơn các lễ vật của người đến viếng không có địa điểm, thời gian, thường diễn ra lộn xộn, rườm rà trong suốt thời gian tang lễ.

Hay như chai rượu của người đến viếng phải rót cho từng người trong họ hàng gia đình có tang uống. Các nghi thức trong thời gian tổ chức đám tang thường diễn ra từ ba đến bốn ngày; bắt buộc gia đình mổ nhiều trâu bò, nếu gia đình không có phải đi vay, mượn.

Tất cả các con vật mổ trong đám tang như: Trâu, bò, lợn đều phải chia các phần thịt cho Ban tang lễ và người đại diện bên nội, bên ngoại. Tại một số địa phương không quy hoạch nghĩa trang, nghĩa địa, tập quán thói quen tùy tiện chôn cất vào những khu vực tùy thích, dù là đất đã giao quyền sử dụng đất cho hộ khác, đất đã và đang qui hoạch xây dựng các công trình công cộng hoặc đất thuộc địa phận của địa phương khác.

Trong cưới hỏi, từ xưa, do cha, mẹ thích gia đình nào, cô nào thì bố trí thanh niên cùng với con trai mình kéo người cô gái về nhà làm dâu. Nếu lấy cô em trước khi cô chị chưa đi lấy chồng thì nhà gái phạt nhà trai thịt, rượu, tiền để bồi thường danh dự cho cô chị. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; không đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật... vẫn tiếp tục diễn ra.

Đồng bào Mông ở Điện Biên Đông đã và đang dần xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh
 Đồng bào Mông ở Điện Biên Đông đã và đang dần xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh

Xây dựng nếp sống mới

Mặc dù vậy, Điện Biên Đông đã và đang vận động đồng bào Mông xây dựng nếp sống văn hóa mới. “Theo quan điểm của Ban Chấp hành Huyện ủy Điện Biên Đông, việc thực hiện Đề án “Vận động đồng bào dân tộc Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, việc cưới” là cuộc vận động của toàn dân.

Do đó, Huyện ủy chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của huyện, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các xã, thị trấn quán triệt tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền, giáo dục, vận động các hộ gia đình giác ngộ, phát huy tự lực là chính, tránh tình trạng trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước”, ông Vừ A Bằng hồ hởi nói.

Ông Sùng Gà Lầu, một già làng ở xã Phì Nhừ, nói: “Thời gian đầu khi đi vận động thì bà con không nghe. Nhưng về sau, cán bộ, đảng viên, những người uy tín của bản đã xung phong thực hiện trước nên dần dần bà con đã tin và nghe theo cán bộ. Giờ thì phần lớn các gia đình đã thực hiện tốt đời sống văn hóa mới rồi”.

Theo ông Hạng Giống Chứ, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi xã Phì Nhừ cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, xã Phì Nhừ đã lồng ghép việc thực hiện Đề án “Vận động đồng bào dân tộc Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang” với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và Chương trình mục tiêu quốc gia về “Xây dựng nông thôn mới”.

Xã đã lấy tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang gắn với việc đánh giá, công nhận các danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu dân cư tiên tiến, xã văn hóa... gắn việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

“Chúng tôi coi việc thực hiện đề án là một trong các tiêu chí đánh giá, phân loại, xếp loại danh hiệu thi đua hàng năm của tập thể các tổ chức trong hệ thống chính trị, cá nhân cán bộ đảng viên, công chức, hội viên, đoàn viên.

Ngoài ra còn gắn việc thực hiện Đề án với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, văn hóa, tinh thần của nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng, đảm bảo giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn”, ông Hạng Giống Chứ nói.

Với sự tham gia vào cuộc của toàn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông, Điện Biên Đông xác định sẽ hoàn thành mục tiêu: Bảo tồn và phát huy có chọn lọc những nghi thức trong phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Mông nói riêng.

Bên cạnh đó, cải tiến, đổi mới và loại bỏ dần trong cuộc sống những quan niệm lệch lạc và nghi thức, thủ tục lỗi thời, lạc hậu, thiếu văn hóa, không lành mạnh, không phù hợp với nếp sống văn minh. Nghiên cứu, xây dựng quy ước, hương ước của xã, bản để gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Tục giã bánh giầy trong ngày Tết của đồng bào Mông
 Tục giã bánh giầy trong ngày Tết của đồng bào Mông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.