ĐBQH nêu lý do Luật Giáo dục (sửa đổi) được đại đa số thông qua

Đại biểu quốc hội Hồ Thị MInh
Đại biểu quốc hội Hồ Thị MInh

So với lần đầu, Luật đã được điều chỉnh và sửa đổi trên tinh thần xây dựng cho nền giáo dục của chúng ta rất tốt. Cùng với đó, các ĐBQH bấm nút thông qua Luật không phải vì cá nhân mà vì nền giáo dục.

Đánh giá tích cực về tác động của Luật Giáo dục (sửa đổi), bà Hồ Thị Minh cho rằng, những điểm mới của Luật sẽ khắc phục được hạn chế lâu nay của giáo dục Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn; nên kỳ vọng Luật sẽ được mọi người đón nhận, tạo hiệu ứng tốt cho giáo dục Việt Nam trong xu thế hội nhập.

Quan tâm nhất đến vấn đề liên thông, cũng là nội dung bà Hồ Thị Minh đánh giá rất cao trong Luật Giáo dục (sửa đổi), ĐBQH của tỉnh Quảng Trị nhận định: Quy định này rất hay ở chỗ sẽ mở ra phân luồng ngay từ THCS; tốt nghiệp THCS có định hướng học nghề, giải quyết được vấn đề hiện nay như thừa thầy thiếu thợ; đáp ứng được nhu cầu là tạo nguồn việc làm ngay từ trên ghế nhà trường. Trong quá trình học nghề, học sinh vẫn được học tiếp văn hóa. “Tôi kỳ vọng điểm mới này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề trong giáo dục trong thời gian tới” – bà Hồ Thị Minh chia sẻ.

Nội dung khác được bà Hồ Thị Minh tâm đắc là vấn đề chương trình, sách giáo khoa. Tuy nhiên, đại biểu này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội đồng thẩm định quốc gia, hướng dẫn cụ thể của Bộ GD&ĐT để địa phương chọn được bộ sách giáo khoa phù hợp.

Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được thông qua, nhưng điều quan trọng là làm sao để Luật thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tích cực trong thực tiễn.

Với vấn đề này, theo bà Hồ Thị Minh, công tác truyền thông vô cùng quan trọng vì có rất nhiều đối tượng, cả trực tiếp và gián tiếp bị tác động bởi Luật này. Đặc biệt, những người trong ngành Giáo dục phải nắm được Luật một cách chắc chắn nhất. Đây cũng chính là đối tượng giúp Luật đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất.

Nhấn mạnh quan điểm: Luật đã được thông qua thì phải thực thi theo Luật, bà Hồ Thị Minh cũng mong mỏi, ngay khi Quốc hội ấn nút thông qua Luật, Chính phủ và Bộ GD&ĐT phải triển khai ngay để sớm có các văn bản dưới luật; không để tình trạng Luật được thông qua rồi mà văn bản dưới luật lại quá chậm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ