Ngày 14/6, Quốc hội dự kiến thông qua Dự án Luật giáo dục (Sửa đổi)

GD&TĐ - Theo dự kiến chương trình nghị sự, sáng nay 14/6, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Dự thảo Luật GD (sửa đổi).

Ảnh: Quang Khánh
Ảnh: Quang Khánh

Dự thảo Luật Luật giáo dục (Sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 10 chương, 119 điều, trong đó một số nội dung cơ bản đã được tiếp thu chỉnh lý, như: về triết lý giáo dục; quy định hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; về các loại cơ sở giáo dục; chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thi tốt nghiệp trung học phổ thông; các quy định liên quan đến nhà giáo, người học; vấn đề đầu tư, tài chính trong giáo dục; quản trị của cơ sở giáo dục; quản lý nhà nước về giáo dục.

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến lần thứ hai về Dự án Luật này. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật.

Tại các phiên họp lần thứ 31 và 32 (tháng 2, 3/2019), UBTVQH đã cho ý kiến Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân về Dự án Luật của Chính phủ; xem xét, thảo luận về Dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu và Dự thảo Luật Giáo dục (Sửa đổi) đã được chỉnh lý.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội đã tổ chức lấy ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (tháng 4/2019); gửi, tiếp thu ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về Dự án Luật.

Ngày 21/5 vừa qua, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật này. Phát biểu kết luật phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết: Đã có 24 đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường. 15 đại biểu chưa được phát biểu, gửi lại ý kiến bằng văn bản để Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra ghi nhận, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Theo tinh thần cầu thị, với chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội là, tiếp tục lắng nghe ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, trân trọng tiếp thu và cố gắng chỉnh sửa cho sát với tình hình thực tế. Tuy nhiên, cố gắng cao nhất là Kỳ họp này phải thông qua được dự án Luật này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ