Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Mỏ trí tuệ” cần phát huy hết tiềm năng

GD&TĐ - Chiều 22/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi thăm và làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên và các ban, ngành của tỉnh.

Đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thăm và làm việc tại Thái Nguyên
Đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thăm và làm việc tại Thái Nguyên

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo khái quát tình hình phát triển kinh – xã hội, phát triển giáo dục và đào tạo, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tỉnh Thái Nguyên sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và 8 tháng đầu năm 2020.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 12,1%, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra (tăng 10%/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ.

Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người năm 2019 đạt 83,5 triệu đồng tương đương 3.583 USD/người/năm, dự ước đến năm 2020 đạt 90 triệu đồng, vượt 4 triệu đồng/người/năm so với mục tiêu Nghị quyết.

Trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thu hút đầu tư, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới đều được tỉnh quan tâm chú trọng đầu tư, có bước phát triển vượt bậc.

Thu ngân sách Nhà nước năm sau luôn cao hơn năm trước đạt từ 15.077 tỷ đồng , năm 2018 và đến năm 2019 con số tăng lên trên 15.631 tỷ đồng.

Thái Nguyên hiện có trên 7.248 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt trên 91 nghìn tỷ đồng; 156 dự án FDI có số vốn gần 8,25 tỷ USD tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động với mức thu nhập trung bình và khá so với khu vực, góp phần ổn định an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Với lợi thế là trung tâm giáo dục và đào tào, nghiên cứu khoa học của khu vực Trung du, miền núi Bắc bộ,  Đại học Thái Nguyên là một trong 3 Đại học vùng lớn của cả nước “là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”.

Quy mô đào tạo của Đại học Thái Nguyên đang có gần 55.000 sinh viên trình độ đại học, trên 4.500 học viên sau đại học và hơn 1000 lưu học sinh quốc tế của 16 quốc gia và vùng lãnh thổ...

Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm, đầu tư của Bộ GD&ĐT dành cho tỉnh thời gian qua.
Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm, đầu tư của Bộ GD&ĐT dành cho tỉnh thời gian qua.

Cũng tại buổi làm việc, Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT những kết quả của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong những năm qua như hệ thống mạng lưới trường lớp, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ, tuyển sinh; chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên, chất lượng giáo dục và cơ sở vật chất.

Qua đây, tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung biên chế giáo dục cho tỉnh Thái Nguyên để đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm chỉ đạo, định hướng và đầu tư phát triển Đại học Thái Nguyên trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học công nghệ và tư vấn chính sách của vùng.

Sớm hoàn thiện các modul trên hệ thống phần mềm học trực tuyến phục vụ bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên và cán bộ quản lý thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông. Có phương án về lộ trình áp dụng thực hiện các Thông tư: 13/2020/TT-BGDĐT; 14/2020/TT-BGDĐT. Nếu không có lộ trình thì việc áp dụng các Thông tư này các trường đã đạt chuẩn ở giai đoạn trước sẽ không đáp ứng đủ điều kiện công nhận trường chuẩn quốc gia.

Sau khi nghe báo cáo, thảo luận của các thành viên tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao kết quả của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong cả nhiệm kỳ, trong đó các chỉ số cơ bản đều đạt và vượt ở các cấp học từ mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên mức trung bình của cả nước.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Thái Nguyên vừa làm tốt công tác tổ chức kỳ thi, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, an toàn.

Tuy nhiên, ngành giáo dục và đạo tạo tỉnh Thái Nguyên cũng cần nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng chuẩn giáo dục, phấn đấu có học sinh thi đoạt giải quốc tế; cần chú trọng tới phát triển giáo dục lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên và giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh ngay từ đầu các cấp học.

Bên cạnh đó, cần rà soát lại Đề án quy hoạch trường lớp giai đoạn 2021 – 2025, tính toán nguồn trung ương, địa phương và các nguồn lực khác để đảm bảo cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị giáo dục thật cụ thể, chi tiết cho từng năm học. Cần tập trung chú trọng hơn nữa trong việc tuyên truyền, lan tỏa những giá trị cao đẹp, nhân văn mà ngành giáo dục đang đóng góp cho xã hội để góp phần định hướng dư luận tốt hơn trong thời gian tới.

Đối với Đại học Thái Nguyên, Bộ trưởng yêu cầu Đại học cần phải căn cứ vào nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, chủ động hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng theo đơn đặt hàng với UBND tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh trong khu vực để từ đó quy hoạch lại các ngành nghề, tăng tính chủ động, tự chủ trong các cơ sở giáo dục.

Đặc biệt, trong năm 2020 trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên đã “nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện nhanh SARS-CoV-2 virus bằng kỹ thuật Realtime” thành công theo đơn đặt hàng của UBND tỉnh Thái Nguyên, đến nay đã được nghiệm thu và đang hoàn tất các thủ tục để đưa vào sản xuất phục vụ cộng đồng, đây chính là những điểm sáng của Đại học vùng - “mỏ trí tuệ” chưa khai thác hết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ