Thói quen trì hoãn

GD&TĐ - Trì hoãn là thuật ngữ chỉ những hành vi, thói quen của con người theo hướng: Hoãn lại, tạm hoãn lại, tạm ngưng lại một hoạt động hoặc một công việc nào đó.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngoài thời gian dành cho công việc, anh có khoảng 1 - 2 giờ mỗi ngày để lướt Facebook, Zalo, xem phim, đọc báo, tán gẫu với bạn bè… Vậy mà, có mỗi việc vệ sinh cái máy giặt đã mua cách đây một năm thì anh lại nấn ná hết ngày này qua tháng khác.

Thi thoảng, chợt nhớ, anh lại cười trừ: “Định vệ sinh cái máy giặt mà mãi chưa làm được”. Anh tự trách và nhận ra hình như mình đã mắc thói quen trì hoãn tự bao giờ.

Trì hoãn là thuật ngữ chỉ những hành vi, thói quen của con người theo hướng: Hoãn lại, tạm hoãn lại, tạm ngưng lại một hoạt động hoặc một công việc nào đó.

Nói cách khác, trì hoãn là lảng tránh những việc lẽ ra cần được tập trung giải quyết; là chờ đợi, để một thời gian sau đó mới thực hiện; là thay thế bằng công việc khác quan trọng, yêu thích hơn… Chính sự trì hoãn đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả công việc của bản thân, của mọi người cũng như cuộc sống.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thói quen trì hoãn. Có người chủ quan, tự cao tự đại về chính mình nên chùng chình, lãng phí thời gian. Có người chưa tập trung hết mình cho công việc.

Người lười biếng, nuông chiều bản thân quá mức, dễ phân tâm bởi nhiều thứ khác. Người vì mệt mỏi, chán nản nên không biết bắt đầu công việc từ đâu và làm như thế nào… Ai cũng nhận ra sự trì hoãn là không tốt nhưng lại ngại thay đổi, ngại sửa chữa, dần dà, nó trở thành thói quen khó thay đổi.

Trì hoãn bao gồm: Trì hoãn mang tính xây dựng và trì hoãn mang tính phá hoại. Ở nét nghĩa thứ hai, nó sẽ làm cho con người trở nên lười biếng, thui chột đi ý chí, nỗ lực, sự nhanh nhẹn, hoạt bát vốn có.

Trì hoãn dễ sinh ra thói quen bê trễ; thiếu kỉ luật, trách nhiệm đối với bản thân cũng như cuộc sống. Có câu “Thói quen ban đầu giống như là sợi tơ của mạng nhện, sau nó sẽ là sợi dây cáp”. Trì hoãn, nếu càng kéo dài thì hệ quả của nó sẽ càng nghiêm trọng.

Câu chuyện “Con ếch” là một ví dụ. Khi ta đặt con ếch vào xô nước nóng, tức thì nó sẽ nhảy ra. Nhưng khi đặt nó vào xô nước lạnh rồi đặt xô nước lên bếp, đun sôi từ từ… con ếch sẽ cảm thấy thoải mái và dễ chịu… cho đến khi nước trong xô nóng dần lên, lúc nó cảm thấy không còn thoải mái nữa thì đã quá muộn.

Điều này cho thấy rằng, cuộc sống luôn có nhiều điều bất thường xảy ra ngoài ý muốn của chúng ta. Thế nên, thay vì trì hoãn để phải chấp nhận và gánh lấy những hệ quả tiêu cực, hãy chủ động giải quyết công việc khi chưa quá muộn.

Bạn của anh là người nhiệt tình trong công việc, bất cứ công việc nào được giao phó, anh cũng đều nhận nhiệm vụ. Chỉ có điều, tiến độ thực hiện công việc của anh thường rất chậm.

Lãnh đạo nhiều lần định cân nhắc anh lên vị trí cao hơn trong công ty nhưng vì thói quen trì hoãn trong công việc của anh, lại thôi. Rõ ràng, “Sự trì hoãn là kẻ thù của thành công và cảm giác tội lỗi khi không làm được điều gì đó luôn đánh cắp năng lượng của bạn” (Barbara Corcoran).

Trì hoãn không chỉ gây khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chung, mà còn khiến chúng ta bỏ lỡ đi nhiều cơ hội tốt để khẳng định giá trị bản thân mình. Quan trọng hơn, chính thói quen trì hoãn đã khiến chúng ta tự đánh mất đi uy tín, niềm tin, sự tôn trọng từ người khác.

Không ai khác ngoài chính bản thân bạn mới là người chủ động nắm bắt cơ hội và quyết định thành công. Vì thế, khi đã xác định được mục tiêu, mỗi người hãy bắt tay ngay vào việc thực hiện thay vì trì hoãn. Từ bỏ được thói quen trì hoãn, tôi tin cuộc sống của bạn sẽ giống như một chiếc hộp chứa đựng nhiều món quà giá trị!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ