Thời gian ngủ ảnh hưởng tới não thế nào?

GD&TĐ - Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí JAMA Neurology, giấc ngủ bị gián đoạn rất phổ biến ở người cao tuổi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nó liên quan đến dấu hiệu ban đầu của bệnh Alzheimer, những thay đổi trong chức năng nhận thức, năng lực tinh thần để học tập, suy nghĩ, lý luận, giải quyết vấn đề, ra quyết định, ghi nhớ và chú ý.

Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Joe Winer của Đại học Stanford (Mỹ), cho biết, những người tham gia báo cáo thời gian ngủ ngắn (6 giờ trở xuống) có nồng độ amyloid (amyloid-β) cao.

Nồng độ này làm tăng “đáng kể” nguy cơ mất trí nhớ so với những người báo cáo thời lượng ngủ bình thường mà các tác giả nghiên cứu xác định là ngủ từ 7 đến 8 giờ mỗi đêm.

Người lớn tuổi ngủ không đủ giấc chỉ đạt mức độ từ trung bình đến kém trong bài kiểm tra khả năng nhận thức. Bài kiểm tra này bao gồm kỹ năng về định hướng, chú ý, trí nhớ, ngôn ngữ và thị giác, không gian và xác định chứng mất trí nhớ nhẹ.

Ngủ quá nhiều cũng liên quan đến chức năng điều hành kém hơn, nhưng người ngủ quá nhiều không có nồng độ amyloid-β cao. Người tham gia báo cáo thời gian ngủ dài (9 tiếng trở lên) đạt điểm kém hơn một chút so với người báo cáo thời lượng ngủ bình thường trong bài kiểm tra đánh giá các kỹ năng học tập.

Tìm nguyên nhân gây bệnh Alzheimer

Theo ông Winer, amyloid-β là một loại protein được tạo ra trong quá trình hoạt động bình thường của tế bào não, mặc dù chức năng của nó chưa được khẳng định chắc chắn.

“Amyloid-β là một trong những dấu hiệu có thể được phát hiện đầu tiên trong quá trình tiến triển của bệnh Alzheimer. Ở bệnh Alzheimer, protein amyloid-β bắt đầu tích tụ trong não, dính với nhau thành mảng.

Những mảng amyloid có xu hướng xuất hiện nhiều hơn khi chúng ta già đi và nhiều người có amyloid tích tụ trong não vẫn khỏe mạnh. Khoảng 30% số người 70 tuổi đang khỏe mạnh sẽ có một lượng đáng kể các mảng amyloid trong não họ”, ông Winer cho hay.

Theo Hiệp hội Alzheimer, khi ai đó mắc bệnh này, các tế bào não có chức năng thu nhận, xử lý và lưu trữ thông tin sẽ bị thoái hóa và chết đi. Một trong những giả thuyết hàng đầu về thủ phạm của sự phá hủy này là “giả thuyết amyloid”. Nó cho thấy sự tích tụ của protein amyloid có thể làm gián đoạn giao tiếp giữa các tế bào não và điều này sẽ giết chết chúng.

Người đứng đầu bộ phận truyền thông Laura Phipps tại tổ chức Nghiên cứu bệnh Alzheimer Anh không tham gia vào nghiên cứu trên. Bà cho biết, “nghiên cứu trước đây đã gợi ý rằng giấc ngủ có thể giúp hạn chế sản xuất amyloid trong não và hỗ trợ việc làm sạch nó”.

Bà Phipps cho biết thêm, amyloid-β có thể bắt đầu hình thành trong nhiều năm trước khi các triệu chứng của bệnh Alzheimer xuất hiện. “Điều này gây khó khăn cho việc phân biệt nguyên nhân và kết quả khi nghiên cứu các vấn đề về giấc ngủ và nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, đặc biệt nếu bạn chỉ xem xét dữ liệu từ một thời điểm” – bà Phipps nói.

Thời gian ngủ ảnh hưởng tới não thế nào? ảnh 1

Liên quan đến trầm cảm

Bài học rút ra là việc duy trì sức ngủ lành mạnh ở người cao tuổi rất quan trọng. Ngoài ra, những người ngủ quá ít và ngủ quá nhiều có chỉ số khối cơ  thể (body mass index) cao hơn và nhiều triệu chứng trầm cảm hơn. Các giấc ngủ ngắn và dài có thể liên quan đến các quá trình bệnh tiềm ẩn khác nhau - Tiến sĩ JOE WINER.

Nghiên cứu hiện tại đã phân tích 4.417 người tham gia với độ tuổi trung bình là 71,3 tuổi, chủ yếu là người da trắng và đến từ Mỹ, Canada, Australia và Nhật Bản. Nhóm có thời gian ngủ ngắn và dài đều báo cáo nhiều triệu chứng trầm cảm hơn so với nhóm ngủ bình thường.

Lượng caffeine tự báo cáo không liên quan đến thời gian ngủ. Tuy nhiên, những người tham gia uống càng nhiều đồ uống có cồn hàng ngày, họ càng có khả năng ngủ lâu hơn.

Cũng có sự khác biệt giữa giới tính, chủng tộc và dân tộc. Người tham gia là nữ giới và có nhiều năm học tập hơn đều có xu hướng ngủ lâu hơn mỗi đêm. Bên cạnh đó, chủng người có màu da khác nhau có thời lượng ngủ trung bình khác nhau.

Những phát hiện này cho thấy sự chênh lệch về giấc ngủ có thể liên quan đến sự chênh lệch trong các khía cạnh khác của cuộc sống, chẳng hạn như sức khỏe tim mạch và chuyển hóa, các yếu tố kinh tế xã hội và chủng tộc.

Bà Phipps cho biết, để hiểu rõ hơn về trật tự và hướng nguyên nhân – kết quả trong các mối quan hệ này, nghiên cứu trong tương lai cần xây dựng bức tranh về cách thức giấc ngủ, quá trình sinh học và kỹ năng nhận thức thay đổi trong thời gian dài.

Nghiên cứu trên dựa vào người tham gia báo cáo thời gian ngủ chứ không được đo trực tiếp. Các nhà nghiên cứu không thể đánh giá chất lượng giấc ngủ, thời gian dành cho các giai đoạn khác nhau của chu kỳ ngủ. Mỗi giai đoạn này có thể là một yếu tố quan trọng trong mối liên hệ giữa giấc ngủ và sức khỏe nhận thức.

Theo các tác giả, liệu một số lĩnh vực nhận thức có bị ảnh hưởng nhiều hơn do thời lượng ngủ quá cao so với các lĩnh vực khác hay không vẫn còn là điều gây tranh cãi. Những người lớn tuổi này nên coi giấc ngủ quan trọng như chế độ ăn uống và tập thể dục đối với sức khỏe của họ.

Bằng chứng tốt nhất cho thấy ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi ngày là tối ưu đối với hầu hết người lớn. Nếu bất kỳ ai nghĩ rằng thói quen ngủ của họ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài nên đi gặp bác sĩ.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Theo đuổi ước mơ

GD&TĐ - Một hôm, trong làng xuất hiện ông lão kỳ lạ, từng lang thang khắp nơi. Hu Wa cùng nhóm bạn nhỏ giống như lũ chim sẻ tíu tít vây quanh ông...

Cha con NSƯT Quyền Văn Minh sẽ chơi cùng các nghệ sĩ band Bình Minh Jazz Club.

NSƯT Quyền Văn Minh tái ngộ khán giả

GD&TĐ - NSƯT Quyền Văn Minh và con là nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc sẽ tái ngộ khán giả tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) trong liveshow 'Cha, con và nhạc Jazz'.