Đề xuất này phù hợp với thực tiễn khách quan và không lãng phí tài nguyên chất xám.
Không lãng phí tài nguyên chất xám
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học. Trong đó, có nội dung đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu. Cụ thể, dự thảo quy định: Giảng viên có chức danh GS, PGS và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định trong điều kiện lao động bình thường để giảng dạy, nghiên cứu khoa học nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện xin kéo dài thời gian làm việc và được cơ sở giáo dục đại học chấp nhận.
Tán thành với đề xuất trên, GS.TSKH Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định: Đây là chủ trương đúng đắn, hợp tình, hợp lý, quan trọng là không để lãng phí tài nguyên chất xám của các giảng viên có trình độ và các nhà khoa học - khi mà họ vẫn còn năng lượng để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói riêng và xã hội nói chung.
GS.TSKH Phạm Tất Dong cho rằng, kho tàng chất xám của chúng ta không nhiều và càng không phải là vô hạn, nên cần trân trọng những người có tài năng, trí tuệ đã được đào tạo bài bản, chất lượng. Vì thế, chúng ta nên tạo điều kiện tối đa cho những nhà khoa học, nhà giáo dục để họ tiếp tục giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Thẳng thắn mà nói, những lớp tiến sĩ, nhà khoa học trẻ - họ rất tài năng, năng động và có nhiều đóng góp cho nền giáo dục, đào tạo của nước nhà. Nhưng đâu đó, họ vẫn còn thiếu kinh nghiệm; do đó rất cần những “cây đa, cây đề” để cùng chung tay, góp sức.
“Tuy nhiên, làm thế nào để họ có môi trường, làm việc, để họ được cống hiến sức lực, trí tuệ cho giáo dục, đào tạo và khoa học của nước nhà” - GS.TSKH Phạm Tất Dong đặt vấn đề, đồng thời mong muốn: Nghị định mới sau khi được ban hành sẽ là sợi dây kết nối để những giảng viên có trình độ, học hàm, học vị đủ tuổi nghỉ hưu nhưng tái ký hợp đồng làm việc.
Tạo ra cộng đồng những nhà khoa học. “Nhiều người họ làm không phải vì thu nhập, mà vì đam mê, tâm huyết và trách nhiệm cộng đồng. Do vậy, việc chúng ta cần làm là, chiêu mộ và trọng dụng hiền tài. Cùng với đó là điều kiện và cơ chế làm việc để họ được cống hiến hết mình” - GS.TSKH Phạm Tất Dong nói.
Trọng dụng người giỏi
Viện dẫn dự thảo quy định, thời gian kéo dài đối với những giảng viên có chức danh GS, PGS và giảng viên có trình độ tiến sĩ do cơ sở giáo dục đại học quyết định căn cứ quy định của Luật Lao động, Nghị định hướng dẫn Luật Lao động và các văn bản pháp luật có liên quan; GS.TSKH Phạm Tất Dong cho rằng:
Đây là quy định mở và hợp lý. Chúng ta không nên quy định cứng là kéo dài thời gian làm việc 6 tháng hay một vài năm. Thực tế, có những nhà khoa học ngoài 70 tuổi, thậm chí hơn 80 tuổi họ vẫn đứng lớp giảng bài, tham gia nghiên cứu khoa học… Vì thế, quy định về thời gian kéo dài làm việc nên để ở “chế độ mở”, nhằm tận dụng được chất xám của các nhà khoa học.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh – Giảng viên Học viện Quản lý giáo dục khẳng định: Các đề xuất của dự thảo không những đáp ứng yêu cầu của luật định, mà còn phù hợp với thực tiễn khách quan. Hiện, các cơ sở giáo dục đại học đang áp dụng chính sách kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ.
Nghị định này quy định về thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; đối với giảng viên có chức danh PGS là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh GS không quá 10 năm. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định của Chính phủ mà Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến không còn “quy định cứng” về thời gian kéo dài làm việc mà sẽ do cơ sở giáo dục đại học quyết định trên cơ sở các quy định hiện hành.
“Theo tôi hiểu, đề xuất này có hàm ý, giảng viên nhà khoa học nếu còn sức khoẻ, trí tuệ thì vẫn có thể làm việc, cống hiến cho đơn vị” – TS Hạnh trao đổi, đồng thời đề xuất, việc thực thi chính sách phải khách quan, thực chất, bảo đảm trọng dụng người có trình độ thực sự; đặc biệt không nên “lách luật”. Nên chăng, có thêm quy định: Cơ sở giáo dục đại học cần tham khảo ý kiến từ người học để làm một trong những căn cứ trước khi quyết định có tái ký làm việc hay không.
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng ĐH Huế - cho rằng, nên có mức trần về khung thời gian được kéo dài làm việc. Chẳng hạn, TS, PGS có thể làm việc tối đa đến 68 tuổi; GS làm việc tối đa đến 70 hoặc 72 tuổi. Ngoài ra, nên có những điều kiện ràng buộc khi kéo dài và không nhất thiết phải tất cả TS, PGS, GS đều được kéo dài.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, nếu kéo dài chỉ để giảng dạy và đứng tên cơ hữu để giữ ngành học, mở ngành thì chưa thật sự cần thiết, mà nhà trường có thể có cách khác là mời giảng viên. Việc kéo dài nên ưu tiên cho những giảng viên thật sự còn nhiều cơ hội và năng lực để tham gia hoặc đủ điều kiện chủ trì các nhóm nghiên cứu mạnh, chủ trì và triển khai được các đề tài lớn.
“Việc các cơ sở đào tạo đại học tự quyết định các điều kiện và thời gian kéo dài làm việc thể hiện được tính tự chủ đại học của cơ sở đào tạo và phụ thuộc vào năng lực tài chính của cơ sở đó. Nhưng Nghị định cũng cần có những quy định khung để có sự đồng bộ “một sàn chung” cho cả nước” - PGS.TS Huỳnh Văn Chương đề xuất.