(GD&ĐT)-Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT vừa ban hành thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc, chính sách đối với giảng viên tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, thời gian làm việc của giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp theo chế độ tuần làm việc 40 giờ; tổng quỹ thời gian làm việc hàng năm là 1.760 giờ.
Khung định mức giờ chuẩn giảng dạy được quy đổi từ quỹ thời gian giảng dạy đối với giảng viên là 280 giờ chuẩn; đối với giảng viên chính là 300 giờ chuẩn; với giảng viên cao cấp là 320 giờ chuẩn.
Thủ trưởng cơ sở đào tạo, bồi dưỡng quy định cụ thể định mức giờ chuẩn cho từng giảng viên phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình nhưng không cao hơn hoặc thấp hơn 15% so với khung định mức giờ chuẩn được quy định trên.
Những nhiệm vụ như hướng dẫn thực tập, hướng dẫn học viên làm khóa luận tốt nghiệp, hướng dẫn học viên đi thực tế, soạn đề kiểm tra, đề thi; coi kiểm tra, coi thi; chấm kiểm tra, chấm thi … đều được quy đổi ra giờ chuẩn.
Những giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thì số giờ dành cho việc nghiên cứu khoa học theo quy định được quy đổi thành giờ chuẩn để giảm trừ vào số giờ giảng dạy, thực hiện một số nhiệm vụ chuyên môn khác vượt định mức giờ chuẩn khi thanh toán tiền lương dạy thêm giờ.
Giảng viên trong thời gian hợp đồng làm việc lần đầu hoặc trong thời gian tập sự ở cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chỉ thực hiện tối đa 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy của chức danh giảng viên.
Giảng viên giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hoạt động chuyên môn khác vượt định mức giờ chuẩn được hưởng chế độ dạy thêm giờ đối với thời gian vượt định mức, nhưng không quá 200 giờ chuẩn trong 1 năm.
Giảng viên làm nhiệm vụ chủ nhiệm lớp thì cứ chủ nhiệm một lớp được giảm 5% định mức giờ chuẩn quy định. Giảng viên nữ có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được giảm 10% định mức giờ chuẩn.
Giảng viên được bổ nhiệm giữ chức danh Giám đốc, Hiệu trưởng thực hiện 15% - 20% định mức giờ chuẩn của ngạch giảng viên đang giữ. Tỷ lệ này đối với Phó Giám đốc, Phó Hiệu trưởng là 20% - 25%; Trưởng phòng: 25% - 30%; Phó Trưởng phòng: 30% - 35%; Trưởng khoa: 75% - 80%; Phó Trưởng khoa, Trưởng bộ môn: 80% - 85%; Phó Trưởng bộ môn, Chủ nhiệm lớp: 85% - 90%; Bí thư đảng ủy, Chủ tịch công đoàn: 55% - 60%; Phó Bí thư đảng ủy, Phó Chủ tịch công đoàn, Bí thư chi bộ (nơi chưa thành lập đảng bộ), Bí thư Đoàn TNCS HCM: 60% - 65%.
Thông tư này cũng quy định tiêu chuẩn của giảng viên. Trong đó, có có quy định phải đạt chuẩn về trình độ đào tạo chuyên môn từ đại học trở lên quy định theo chức danh, phù hợp với chuyên môn, chuyên ngành giảng dạy; có trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao…
Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giảng viên cần thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ; tham gia công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, công tác đảng, đoàn thể và các hoạt động khác; đồng thời, học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 8 năm 2011.
Lập Phương