Thoát xa văn mẫu đạt điểm cao

GD&TĐ - Hãy để học trò thoát xác và sáng tạo bằng chính năng lực cảm thụ của mình...

Cô Hoài Thu và học sinh lớp 12C8, Trường THPT Quang Trung.
Cô Hoài Thu và học sinh lớp 12C8, Trường THPT Quang Trung.

“Cái hay của người dạy Văn là khêu gợi, dẫn lối cho những đam mê, sáng tạo của học trò qua mỗi tác phẩm văn chương. Các em chỉ có thể cảm nhận, sáng tạo qua chính lăng kính chủ quan của mình. Hãy để các em ‘thoát xác’ khỏi văn mẫu”, cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Quang Trung, huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) chia sẻ.

Giải phóng tư duy

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, thí sinh Hải Phòng đạt điểm trung bình môn Ngữ văn cao nhất cả nước, với mức 7,688 điểm. Đặc biệt nổi lên thành tích của Trường THPT Quang Trung khi có 44/50 học sinh một lớp đạt điểm 9 môn Văn trở lên. Để học trò đạt được điểm cao bộ môn, theo cô Nguyễn Thị Hoài Thu, Tổ trưởng tổ Văn - Sử, Địa cho rằng: “Hãy để học trò thoát xác và sáng tạo bằng chính năng lực cảm thụ của mình”.

Hoàng Văn Huỳnh, học sinh lớp 12C8, vốn nhút nhát và trước đây em từng có tâm lý sợ môn Văn, bởi phải học thuộc lượng kiến thức khá dài. Nhưng khi vào Trường THPT Quang Trung, học Văn cùng cô Hoài Thu, Huỳnh đã được khơi gợi niềm đam mê với môn học. Trong lần thi thử tốt nghiệp vừa qua em vui mừng khi đạt điểm cao bộ môn này.

Huỳnh chia sẻ: “Khi học Văn cùng cô Hoài Thu em được cô hướng dẫn cách cảm, cách hiểu và định hướng các ý cơ bản, sau đó chúng em được cô khuyến khích viết theo cảm nhận của chính mình. Cô chấm chữa rất tỉ mỉ nên em học được nhiều từ cách sử dụng câu, cách diễn đạt cũng như lập luận chặt chẽ giữa các ý. Từ đó em không sợ môn Văn và đam mê viết nhiều hơn”.

Chọn khối D00 (Văn - Sử - Địa) xét tuyển đại học, đến thời điểm này Đỗ Thu Yến, lớp 12C8 rất tự tin với kiến thức môn Văn của mình. Yến cho rằng, nếu học Văn là học thuộc thì đi thi chỉ diễn đạt lại ý kiến, quan điểm của người khác và như thế học trò rất bị động trong cách làm bài nếu “lệch tủ”. Vì thế, em được cô hướng dẫn các ý, phát triển thành quan điểm cá nhân trong bài làm. Khi học sinh được thể hiện quan điểm của mình thì bài viết sẽ mang màu sắc riêng. Vì thế, đợt thi khảo sát chất lượng ôn thi tốt nghiệp, Yến viết tới 12 trang giấy và đạt điểm cao.

Cô Thu chia sẻ, để tạo được cảm hứng trong các tiết dạy, trước tiên, người giáo viên phải thực sự nghiêm túc, đầu tư thời gian cho chuyên môn. Thầy cô xây dựng cụ thể mục tiêu, nội dung và áp dụng các phương pháp các kĩ thuật dạy học sao cho phù hợp, đạt hiệu quả.

Để khởi động cho một tiết học mới, cô Thu thường đưa ra một câu chuyện, một clip ngắn hay tạo một sân chơi nhỏ cho học sinh như trò chơi “Đuổi hình bắt chữ”. Theo cô, đó là cách để tạo cho không khí lớp học trở nên vui nhộn, tạo năng lượng tích cực cho học trò bước vào bài một cách thoải mái nhất. Vì có thực sự mở não thì các em mới tiếp thu được bài học một cách tốt nhất.

“Khi đi vào nội dung của bài học thì tôi luôn luôn đổi mới phương pháp, sử dụng các kĩ thuật dạy học. Phương pháp đóng vai được tôi sử dụng cũng rất nhiều trong bài học. Tôi thường giao cho các em những vai diễn để các em được hóa thân vào tác giả hoặc nhân vật. Với phương pháp dạy học này tôi vừa tạo cho các em một không khí lớp sôi nổi, cuốn hút vừa giúp cho các em có sự gắn bó đoàn kết khi cùng nhau làm việc theo nhóm” - cô Thu cho biết.

Ngoài ra, cô Thu sử dụng kĩ thuật “Viết tích cực”. Cô nêu một vấn đề và yêu cầu học sinh ghi nội dung mà em tiếp thu được sau tiết học. Để thay đổi không khí của lớp học cô Thu thường xuyên cho các em xem và phân tích một video ở theo chủ đề của bài học. Trước khi cho học sinh xem, cô đặt câu hỏi gợi mở để giúp cho các em chú ý trọng tâm vào nội dung của video.

Những tiết Văn sáng tạo của cô Thu và học trò.

Những tiết Văn sáng tạo của cô Thu và học trò.

Chú trọng phát triển năng lực

Cô Hoài Thu cho rằng, việc đổi mới phương pháp trong giảng dạy của cô phù hợp với yêu cầu của chương trình sách giáo khoa mới. Cô chú trọng đến việc phát triển năng lực cho học sinh ở mỗi bài học. Cô Hoài Thu phân tích: “Chẳng hạn, sau khi dạy xong bài “Sức hấp dẫn của truyện kể” tôi tổ chức một tiết sân khấu hóa cho học sinh, các em tham gia vô cùng sôi nổi và hào hứng.

Với bài “Vẻ đẹp của thơ ca” tôi tổ chức cho học sinh một cuộc thi sáng tác thơ. Các em làm thơ, trang trí cho mình bài thơ của mình bằng những hình, màu sắc rất đẹp và bắt mắt. Khi tôi dạy bài “Tích trò sân khấu dân gian”, học sinh trong lớp tôi được hóa thân vào vai Xúy Vân trong vở chèo “Kim Nham”.

Nếu các thầy cô giáo dành thời gian đầu tư cho các tiết dạy của mình thì sẽ giúp các em có một tiết học vô cùng phong phú, hào hứng, các em sẽ không cảm thấy sợ học bộ môn Văn nữa, cô Thu nhận định. Qua kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm, cô Thu cho rằng thực tế không ít học trò sợ khi học bộ môn Văn.

Các em sợ phải học thuộc vào văn dài. Cứ thế, môn Văn trở thành nỗi ám ảnh của nhiều trò. Khi hiểu tâm lý trò, cô động viên các em, đồng thời dần dần khơi gợi cảm hứng, trao truyền cho trò kỹ năng, phương pháp. Nhiều em khi hiểu đặc trưng của bộ môn Văn thì thấy đam mê vô cùng.

Những câu chuyện, tình huống thú vị trong tác phẩm giúp ích rất nhiều cho các em trong cuộc sống đời thường. Bởi khi thực sự hiểu Văn, các em sẽ nhận ra rằng, tác phẩm văn học được cấu tạo từ chất liệu ngôn từ mà ngôn từ thì rất phong phú và đa dạng. Với nhiều cách hiểu, mỗi từ mỗi chữ đều khơi gợi cho người đọc những cảm xúc, những ý nghĩa mới mẻ. Vì thế, cô Thu rất tôn trọng quan điểm viết, ý kiến riêng của trò khi phân tích một tác phẩm văn học.

Cô Thu luôn động viên học trò bằng cách viết ra những cách hiểu của mình khi đứng trước một câu thơ, một câu văn. Cô dẫn dắt các em từ cách viết câu, viết đoạn, viết bài và trước mỗi bài viết cách xác định dàn ý để nắm trọng tâm vấn đề, tránh thiếu ý. Vì thế, mỗi bài văn của học sinh được cô hướng dẫn rất chắc chắn cả về tư duy và lập luận.

Với giáo viên, chúng ta không nên áp đặt phải hiểu thế này, hiểu thế kia với học sinh bởi như thế là chúng ta đã vô tình bắt các em phải học thuộc theo quan điểm của mình và chúng ta đã triệt tiêu trí tưởng tượng cũng như cảm xúc của học sinh. - Cô Nguyễn Thị Hoài Thu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.