Rèn kỹ năng cho học sinh, giúp các em tránh sa vào văn mẫu trong kỳ thi TN THPT

GD&TĐ - Để học sinh nắm chắc kiến thức, đạt điểm cao ở kỳ thi Tốt nghiệp THPT, giáo viên đã lên đề cương ôn tập, rèn những kỹ năng cần thiết cho các em.

Học sinh tích cực ôn luyện trước kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Hoàng Quyên.
Học sinh tích cực ôn luyện trước kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Hoàng Quyên.

Định hướng nội dung, kỹ năng cần thiết cho học sinh

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức theo định hướng giữ ổn định như các năm trước. Nội dung nằm trong chương trình quy định, trong đó chủ yếu tập trung kiến thức lớp 12.

Tại TP. Đà Nẵng, trên cơ sở này, các trường THPT có kế hoạch ôn tập cho học sinh một cách khoa học, bài bản. Dựa trên kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm cũng như quan sát, phân tích các đề thi của Bộ GD&ĐT, giáo viên các trường đã định hướng nội dung, kỹ năng cần thiết cho học sinh trước khi thi.

Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, thầy Nguyễn Đình Hòa - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú chia sẻ, ngay từ đầu năm học, tổ Ngữ văn trường THPT đã phân công những giáo viên có kinh nghiệm phụ trách giảng dạy khối 12. Vấn đề ôn tập được triển khai ngay từ đầu trong tiết tự chọn.

“Như vậy, học sinh học xong bài nào “xào” lại liền bài ấy giúp các em nhớ kĩ, nhớ lâu hơn”, thầy Hòa chia sẻ.

Theo thầy Hòa, đề cương ôn tập cả năm của học sinh được tách làm hai phần: học kì 1 – học kì 2 với đầy đủ các kiến thức về đọc hiểu, nghị luận xã hội, nghị luận văn học để các em dễ dàng ôn tập, tránh quá tải. Đề cương và ma trận đề được đưa lên website của nhà trường giúp học sinh nắm bắt được những vấn đề trọng tâm, yêu cầu của đề và kĩ thuật làm bài. Đến cuối năm học, giáo viên tổ Ngữ văn sẽ cho các em làm đề minh họa và các đề ôn tập khác để không bị bỡ ngỡ, đồng thời nắm được sức học của từng em để có biện pháp củng cố kiến thức phù hợp.

Về nghị luận xã hội, thầy Hòa cho rằng, yêu cầu chỉ cần đoạn văn ngắn nên về kĩ thuật làm bài, tổ hướng dẫn học sinh mở đoạn trực tiếp từ chính yêu cầu của đề. Thân đoạn chú ý giải thích vấn đề cần nghị luận, đưa dẫn chứng để chứng minh vấn đề đúng hay sai (tốt hay xấu) rồi bàn luận mở rộng, đưa ra bài học kinh nghiệm hoặc lời khuyên.

“Kết đoạn khẳng định lại vấn đề cần nghị luận. Về nội dung ôn tập thì chúng tôi lưu ý các em quan tâm đến những vấn đề thời sự và có ý kiến về vấn đề đó. Tổ cũng thường ra đề bài bám sát những vấn đề được xã hội quan tâm để giúp các em định hướng”, thầy Hòa cho biết thêm.

Cô giáo Trương Thị Hồng Cúc - Giáo viên môn Ngữ văn (Trường THPT Phan Thành Tài) cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2023 sắp đến, tổ Ngữ văn của trường đã soạn tài liệu ôn tập để định hướng kiến thức và kĩ năng cho học sinh. Nghiên cứu đề minh họa Tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT năm 2023 và hướng dẫn cho học sinh giải.

Bên cạnh đó, sưu tầm các bộ đề chính thức Tốt nghiệp THPT các năm gần đây để học sinh tham khảo. Đồng thời tổ chức dạy tăng cường để luyện kĩ năng và ôn tập kiến thức cho học sinh.

Theo lời cô Cúc, đối với phần nghị luận xã hội, đề yêu cầu viết một đoạn văn với độ dài 200 chữ (khoảng 12 dòng đến 15 dòng), trình bày suy nghĩ về 1 ý kiến nêu trong văn bản Đọc - hiểu. Câu hỏi của phần này không quá phức tạp mà thường chỉ là những khía cạnh đạo đức, tư tưởng, tình cảm gắn liền với đời sống hàng ngày.

“Học sinh cần chú ý đến nội dung vấn đề ở phần Đọc - hiểu như: ý nghĩa của sự trải nghiệm, ý nghĩa của lòng biết ơn, ý nghĩa của việc rèn luyện kĩ năng sống, ý nghĩa của việc trân trọng những điều bình dị trong cuộc sống xung quanh, sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn thử thách, sức mạnh của ý chí, nghị lực...”, cô Cúc lưu ý.

Tránh sa vào văn mẫu, nói và viết theo người khác

Để giúp các em học sinh tự tin vào kỹ năng viết văn, tránh tình trạng phụ thuộc thậm chí sa vào văn mẫu, các giáo viên dạy Ngữ Văn cũng tích cực rèn cho các em các kỹ năng cần thiết trước khi bước vào phần thi này.

Các giáo viên tích cực ôn luyện cho các em học sinh trước khi học sinh bước vào kỳ thi Tốt nghiệp. Ảnh: Hoàng Quyên.

Các giáo viên tích cực ôn luyện cho các em học sinh trước khi học sinh bước vào kỳ thi Tốt nghiệp. Ảnh: Hoàng Quyên.

Cụ thể, về nghị luận văn học, thầy Nguyễn Đình Hòa cho rằng, đối với các học sinh học giỏi, có mong muốn sử dụng điểm môn Văn để xét tuyển, các giáo viên trường khuyến khích các em rèn luyện thường xuyên kĩ năng viết. Đọc nhiều, viết nhiều sẽ cải thiện dần kĩ năng của các em.

“Chúng tôi trân trọng những ý kiến cá nhân của các em để các em mạnh dạn phát huy những năng lực phẩm chất cá nhân vốn có, tránh sa vào văn mẫu, nói và viết theo người khác.

Còn đối với các em có học lực môn ngữ văn hạng trung bình, chúng tôi chỉ yêu cầu các em nắm ý chính về tác giả, tác phẩm, biết cách làm một bài văn nghị luận văn học đầy đủ ba phần: mở – thân – kết. Viết chữ rõ ràng, đúng chính tả, diễn đạt trong sáng. Như vậy vừa giúp các em có đủ điểm số cần thiết cho bài thi, vừa giúp các em thoát khỏi sự lệ thuộc những bài văn mẫu lê thê. Đồng thời khiến các em tự tin hơn về kĩ năng viết của mình”, thầy Hòa nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.