Thoát ly văn mẫu để khơi dậy sáng tạo trong học trò

GD&TĐ - Dạy và học theo văn mẫu đã và đang để lại những hậu quả trong việc học và thi môn Ngữ văn.

Với học sinh tiểu học, giáo viên cần khuyến khích làm văn theo suy nghĩ, cảm nhận… và chữa bài để các em mau tiến bộ. Ảnh: Đức Trí
Với học sinh tiểu học, giáo viên cần khuyến khích làm văn theo suy nghĩ, cảm nhận… và chữa bài để các em mau tiến bộ. Ảnh: Đức Trí

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này không thể thiếu vai trò của người thầy từ đổi mới phương pháp giảng dạy tới kiểm tra đánh giá… 

Thầy, trò cùng ảnh hưởng

Cô Nguyễn Thị Thanh Loan, Tổ trưởng khối 3, Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội), bày tỏ: Nếu giáo viên dạy học kiểu đọc chép, học sinh làm bài theo văn mẫu sẽ để lại tác hại dễ nhìn thấy như vốn từ kém, không biết cách đặt và dùng câu, học sinh không hình dung được đoạn văn viết thế nào…

Từ sự hạn chế ngôn ngữ, tư duy sáng tạo trong học tập sẽ ảnh hưởng tới giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày. Thậm chí, nhiều học sinh thu mình, bị động trong cả học tập và vui chơi…

Cô Nguyễn Thị Thúy - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) - cũng cho rằng: “Tác hại lớn nhất của dạy và học theo văn mẫu là triệt tiêu sự sáng tạo của cả thầy và trò trong dạy và học môn Ngữ văn. Học sinh ngại sáng tạo, cảm thấy học văn nhàm chán, chấp nhận học tủ, học vẹt. Giáo viên không đổi mới sáng tạo trong dạy học, chấm bài kiểm tra là lại chấm bài của chính mình…”, cô Thúy trao đổi.

Cho rằng, tham khảo văn mẫu có thể giúp học sinh rèn được cách diễn đạt hay, sự bay bổng, sáng tạo trong diễn đạt của người khác mà bản thân không có, tuy nhiên, cô Bùi Thị Tuyết Nhung - giáo viên Ngữ văn Trường THPT số 1 Văn Bàn (Văn Bàn, Lào Cai) cũng thừa nhận: Nếu học và phụ thuộc văn mẫu hoàn toàn, học sinh sẽ bị cuốn theo tư duy người khác, không phát triển được tư duy, phương pháp, cách làm bài của riêng mình.

Đặc biệt, văn mẫu có thể là những “điều” chưa chuẩn, không được kiểm duyệt, chỉ là những kiến thức đơn giản không giúp ích cho học sinh phát triển trong việc học, thi cử, mà còn có thể dẫn tới sai lệch kiến thức. Do đó, học sinh cần hết sức cảnh giác, tham khảo chừng mực và cần tinh chọn…

Học sinh Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội). Ảnh: NVCC
Học sinh Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Giúp học trò thoát ly văn mẫu

Kinh nghiệm gần 20 giảng dạy môn Ngữ văn, cô Nguyễn Hồng Hải, Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: Để học sinh thoát ly văn mẫu, trước hết giáo viên cần tôn trọng sự sáng tạo của học trò. Dù học sinh có cách hiểu và diễn đạt khác, thậm chí phản biện ý kiến của giáo viên… thì cần được tôn trọng để phát huy khả năng sáng tạo, nhìn nhận vấn đề được hay chưa được của các em trong quá trình dạy và học.

Theo cô Hải, học sinh có thể chưa có kiến thức, kĩ năng, điều đó không đáng lo ngại. Quan trọng là giáo viên phải dạy thật chắc kiến thức, kĩ năng, phương pháp “nền”, sau đó mới hướng dẫn học sinh cách vận dụng, làm bài, nâng dần kiến thức. Khơi gợi trong học sinh những kiến giải mới trước vấn đề mà giáo viên đặt ra...

Với phương châm dạy học như vậy, các tiết văn của cô Hải luôn có sự tương tác, thảo luận sôi nổi giữa thầy và trò. Thậm chí, có ý kiến phát biểu xây dựng bài tốt của học sinh còn được giáo viên lấy làm kết luận cho một vấn đề đưa ra trước đó.

Theo đánh giá của cô Loan, đổi mới trong dạy học văn thì tình trạng học sinh làm bài theo văn mẫu được loại bỏ. Các bài viết của học sinh có thể chưa hay, chưa xuất sắc nhưng đều xuất phát từ kiến thức, suy nghĩ, cách hành văn của chính mình.

Còn cô Nguyễn Thị Thanh Loan lại có cách làm riêng để giúp học sinh thoát ly văn mẫu: Thường xuyên khuyến khích các em đọc tác phẩm văn chương dưới dạng truyện tranh, truyện ngắn, thơ ca, tục ngữ. Từ đó hình thành văn hóa đọc trong học trò, mặt khác, các em sẽ “ngấm” một cách tự nhiên những kiến thức văn học, cách hành văn khác nhau. Và hơn hết, đọc nhiều sẽ giúp học sinh được cung cấp vốn từ, câu, cách diễn đạt.

Với những học sinh không thích đọc sách, truyện… giáo viên cũng có thể sử dụng sơ đồ tư duy để dạy, giúp học sinh nhớ dàn ý, nội dung nhanh… từ đó phát triển thành câu văn, đoạn văn bằng chính suy nghĩ, kiến thức của mình.

Một trong những giải pháp mà cô Nguyễn Thị Thúy áp dụng để loại bỏ tình trạng học tủ, học văn mẫu của học sinh trong nhiều năm qua là trang bị cho học sinh công cụ, phương pháp học, giúp các em tự làm bài. Mặt khác, cô Thúy chú trọng khâu ra đề kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, cuối năm và cách đặt câu hỏi bài cũ để học sinh không thể học thuộc văn mẫu vẫn có thể trả lời và làm được bài. Buộc học sinh phải học hiểu, sáng tạo đi kèm với chính kiến, suy nghĩ cá nhân và biết cách liên hệ thực tế... để giải quyết vấn đề.

Cô Thúy cũng cho rằng từ thực tế dạy học văn, chấm thi, những học sinh thi đạt điểm cao, học giỏi môn Văn thường không học theo mẫu. Do đó, cô càng tập trung rèn và hướng học trò tới việc thoát ly văn mẫu để đáp ứng yêu cầu học và thi thông thường cũng như trong các cuộc thi học sinh giỏi, chuyển cấp, thi tốt nghiệp. Điều đó cũng giúp loại bỏ dần lối học tủ, học thuộc văn mẫu của  học sinh.

Em Nguyễn Hà Linh, lớp 11B Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) cho biết: “Khi học THCS em thường bị lệ thuộc vào văn mẫu, bài hướng dẫn của cô giáo trên lớp khi làm kiểm tra hay bài thi. Vì em nghĩ, làm bài giống cô mới đúng và đạt điểm cao. Do đó, em hay học thuộc từng câu và thậm chí thuộc cả dấu chấm, dấu phẩy khi làm bài. Vì vậy, em thấy không hào hứng khi học môn này.

Khi em chuyển cấp THPT, cô Nguyễn Hồng Hải dạy cho em phương pháp làm bài. Cô thường gợi ý “sườn” bài và dựa trên đó học sinh đưa cảm nhận, kiến giải... để hoàn thiện bài văn. Thoát ly văn mẫu em thấy việc học và thi văn nhẹ nhàng hơn. Hơn thế, khi được cô trân trọng, khuyến khích, ghi nhận sự sáng tạo của học trò dù nhỏ (miễn kiến thức không sai) cũng giúp học sinh tự tin bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, sáng tạo cá nhân…”.

Quá trình giảng dạy, cô Bùi Thị Tuyết Nhung (Trường THPT số 1 Văn Bàn) không khuyến khích học sinh học văn mẫu mà chỉ dạy phương pháp học, làm bài. Trong giờ thực hành, cô dạy học sinh cách cảm nhận ý nghĩa, nội dung bài học rồi áp dụng vào làm bài. Khi chấm, những bài mà học sinh thể hiện được sự sáng tạo, quan điểm riêng dù còn vụng về, chưa toàn diện nhưng vẫn được cô Nhung ghi nhận và đánh giá tốt hơn về điểm số…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ