Gia đình anh Nguyễn Thái Hùng (Thái Bình) chính là tấm gương về việc vận dụng những gì được hưởng từ Nhà nước dành cho hộ nghèo để thoát nghèo.
Nhiều ưu đãi dành cho hộ nghèo
Có lẽ, chẳng ai muốn mình nghèo mãi. Và cũng không phải ai cũng mong muốn mình luôn được nằm trong cái danh sách hộ nghèo và cận nghèo từ tháng này qua năm khác.
Hỏi về việc hộ gia đình anh được hưởng những gì trong danh sách hộ nghèo, anh Hùng nói: “Nhà nước thực sự quan tâm tới các gia đình nghèo gặp khó khăn. Các hộ nghèo được hỗ trợ 100% chi phí khám, chữa bệnh. Bên cạnh việc cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí cho người thuộc hộ nghèo, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 quy định, người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 100% chi phí khám, chữa bệnh đúng tuyến.
Ngoài ra, hộ nghèo sẽ được hỗ trợ chi phí ăn uống, đi lại, chuyên chở… Thêm nữa, các hộ nghèo có con đi học được miễn học phí cho học sinh, sinh viên; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo; Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo; Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn….”.
Anh Hùng cũng cho biết thêm, điều anh quan tâm nhất ở chính sách dành cho các hộ nghèo chính là hỗ trợ vay vốn xây nhà ở. Hộ nghèo có nhu cầu vay vốn, được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở.
Theo đó, gia đình anh đã nhiều năm ở trong căn nhà tạm bợ, dột nát. Khi con cái ngày một trưởng thành, anh đã mạnh dạn đi vay vốn để làm nhà. Được hỗ trợ tiền điện sinh hoạt, tiền học của các con, anh Hùng đã không ỷ lại mà quyết tâm giảm bớt gánh nặng cho nhà nước.
Biết được nhiều chương trình hỗ trợ vốn cho gia đình thuộc hộ nghèo làm kinh tế, anh Hùng đã nghĩ ngay đến việc phát huy các vốn vay này để thoát nghèo.
Nhờ vào ưu đãi để cùng nhau thoát nghèo
Ý định nuôi cá lồng trên sông của anh Hùng đã thành hiện thực khi anh được hỗ trợ vay vốn. Nhen nhóm ý định này, anh đánh liều rủ các hộ nghèo khác cùng tham gia, nhưng hầu hết đều nhận được cái lắc đầu từ chối. Không ngần ngại, anh Hùng bàn với vợ con tự làm trước xem hiệu quả đến đâu.
Biết được điểm yếu của mình là vốn đi vay nên không dám tùy tiện sử dụng khi không am hiểu về nuôi cá lồng, anh Hùng mất nhiều ngày tháng trăn trở để nghiên cứu.
Theo đó, anh lặn lội sang các tỉnh bạn để tham quan, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng trên sông rồi về áp dụng. Tuy nhiên, chưa dám làm ngay, anh Hùng còn tìm hiểu cặn kẽ về dịch bệnh, thiên tai, để có sẵn những phương án xử lý các tính huống xấu.
Sau đó, được bạn bè động viên, anh đã tìm địa điểm phù hợp và vay vốn bắt tay vào đầu tư làm 10 lồng nuôi cá với tổng diện tích 360m2 (bình quân 36m2/lồng). Sau một thời gian tìm tòi và chịu khó học hỏi, anh Hùng quyết định đưa giống cá lăng vào nuôi kết hợp với một số giống cá bản địa như trắm, chép, rô phi.
Anh Hùng cho biết: Nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu khá lớn, đặc biệt là phải đối diện với những rủi ro trong mùa mưa bão. Nếu thời tiết thuận lợi, dòng nước ổn định, không có dịch bệnh và người nuôi nắm vững kỹ thuật cũng như chuẩn bị tốt các biện pháp phòng, chống thiên tai để bảo vệ các lồng nuôi cá thì đạt hiệu quả kinh tế cao.
May mắn và cũng là cả tâm huyết vào mỗi lồng cá, cộng với những gì học được, lần thu hoạch đầu tiên, anh Hùng đã có lãi. Tuy lãi không cao nhưng cũng là động lực để anh quyết tâm xoay vòng vốn, mở rộng quy mô to lớn.
Nhìn thấy nhiệt huyết của anh, một số người dân trong thôn đã bạo dạn đến học hỏi cách nuôi. Chẳng giấu nghề, anh Hùng chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá lồng trên sông: Khác với cách nuôi cá trong ao, nuôi cá lồng trên sông tận dụng được nhiều lợi thế về mặt nước do dòng chảy liên tục nên nước ít bị ô nhiễm.
Nuôi cá lồng quan trọng nhất là khâu chủ động các biện pháp phòng bệnh cho cá, người nuôi nên thường xuyên vệ sinh lồng, bè, lưới sạch sẽ, tạo thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng, giúp cá không bị thiếu ôxy; dùng vôi bột cho vào túi vải, treo ở các góc lồng, chủ yếu treo ở góc lồng phía đầu nguồn nước chảy để vôi tỏa ra khử trùng môi trường nước, hạn chế phát sinh mầm bệnh.
Từ mô hình nuôi cá lồng trên sông, mỗi năm gia đình anh thu hoạch và xuất bán ra thị trường với số lượng lớn, trừ chi phí, lãi trên 200 triệu đồng. Mô hình của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với thu nhập 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Vậy là, tận dụng được những lợi thế từ chính sách của nhà nước dành cho hộ nghèo, anh Nguyễn Thái Hùng không chỉ thoát nghèo mà còn giúp cho nhiều người dân địa phương cùng ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Thời gian tới, anh Hùng dự định mở rộng quy mô nuôi cá lồng và tìm hiểu thêm về thị trường xuất khẩu cá lồng trên sông. Anh nghĩ, công việc này sẽ khiến nhiều hộ nghèo có thu nhập ổn định hơn để vươn lên làm giàu.
“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.