Thoát nghèo nhờ nuôi dúi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Nhờ ý chí vươn lên, anh Ma Văn Dựng đã không chỉ thoát nghèo mà còn chia sẻ kinh nghiệm nuôi dúi cho nhiều thanh niên khác cùng vươn lên làm giầu.


Khó khăn chồng chất

Anh Ma Văn Dựng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông anh chị em ở thôn Chiến Thắng, xã Hữu Sản, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, vất vả nhưng gia đình vẫn quyết tâm chăm lo cho 5 chị em ăn học tới nơi tới chốn.

Năm 2013, biến cố đã đến với anh khi đang học năm thứ 2 của trường Cao đẳng giao thông vận tải, anh bị gãy xương cột sống do tai nạn giao thông. Vụ tai nạn đã cướp đi đôi chân lành lặn và từ đó cuộc sống của anh gắn liền với chiếc xe lăn. 22 tuổi, đang tuổi ăn tuổi học, tuổi đẹp nhất của cuộc đời bỗng chốc phải ngồi trên chiếc xe lăn để di chuyển, tinh thần lúc đó thật khó diễn tả được, bất lực suy sụp. Nhiều lúc anh nghĩ quẩn và muốn tìm đến cái chết để không phải chịu đựng những cơn đau về thể xác lẫn tinh thần hàng ngày và để bớt đi gánh nặng về kinh tế, bớt đi sự lo lắng cho gia đình đang thuộc diện hộ nghèo, rất khó khăn.

Trong lúc tuyệt vọng nhất, anh may mắn nhận được tình cảm của một cô gái mang lòng yêu thương, luôn chăm sóc và luôn đồng hành cùng anh đi đến các bệnh viện. Vì thương anh, cô gái lớp 12 đã gác lại việc học lên cao để ở nhà chăm sóc anh cho đến khi sức khỏe anh ổn định và được xuất viện về nhà.

Nằm trên giường bất động gần 1 năm, chịu những cơn đau đớn hành hạ, anh đã mắc phải bệnh trầm cảm, không muốn tiếp xúc với ai. Sau đó được các anh chị khuyên bảo, động viên mở quán bán hàng cho đỡ buồn. Vốn khởi nghiệp vẻn vẹn 1.800.000 đồng do các anh, chị em góp lại và túp lều tranh do bố mẹ dựng tạm ven đường. Với số vốn ít ỏi đó, anh bắt đầu nhập ít hàng tạp hóa: mắm, muối, mì chính … về bán cho khuây khỏa và có thu nhập lo cho bản thân.

Anh Ma Văn Dựng và vợ.
Anh Ma Văn Dựng và vợ.

Thời gian cứ thế trôi qua, sau hơn 2 năm, cô gái ngày xưa đã học xong lớp trung cấp và quyết định gắn bó lâu dài với anh. Vượt qua mọi rào cản, 2 anh chị quyết tâm đến với nhau. Đám cưới diễn ra rất đơn giản, không ảnh cưới, không váy cưới, chú rể phải nhờ bạn thân đi đón dâu, gia đình chỉ làm mấy mâm cơm mời anh em trong gia đình, thân thiết.

Vươn lên làm kinh tế

Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hai anh chị có một cuộc sống hạnh phúc bên gia đình cùng 2 bé một trai, một gái, được mọi người yêu mến. Vợ anh chịu trách nhiệm chăm lo công việc đồng áng và chăm sóc con cái, còn anh ở nhà bán hàng tạp hóa. Anh luôn cảm ơn người vợ đã không ngại gian khổ, luôn chăm sóc cho anh và cả gia đình luôn được hạnh phúc và cũng nhờ có tình yêu thương của vợ con, gia đình và cùng khát vọng sống, anh đã vượt qua mặc cảm, tự ti cho đến ngày hôm nay.

Năm 2018, được lãnh đạo Hội người khuyết tật huyện Bắc Quang tuyên truyền, vận động, anh đã tham gia vào Ban vận động thành lập Hội Người khuyết tật xã Hữu Sản huyện Bắc Quang và chính thức trở thành hội viên của hội. Với sự cố gắng của bản thân, sự tín nhiệm của tập thể, anh được bầu làm Phó Ban vận động thành lập hội thôn Chiến Thắng, xã Hữu Sản, huyện Bắc Quang, Hà Giang.Từ đó anh có cơ hội học hỏi được nhiều người khuyết tật khác về kinh nghiệm sống và tham gia đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho công tác hội của xã. Bên cạnh đó, anh cũng tích cực tham gia công tác Hội ở cơ sở và tham gia vào Câu lạc bộ chấn thương cột sống Việt Nam.

Nhận thấy cần phải tích cực trong sản xuất kinh tế và vươn lên thoát nghèo, hiện nay ngoài việc mở một cửa hàng kinh doanh, buôn bán nhỏ và chăn nuôi gà, vịt, anh đã mạnh dạn chăn nuôi thêm con dúi để phát triển kinh tế gia đình. Tích cực học hỏi kinh nghiệm và tìm hiểu thêm ở trên mạng, khó khăn bước đầu dần được cải thiện.

Chuồng nuôi dúi của anh Dựng.

Chuồng nuôi dúi của anh Dựng.

Việc sinh lời từ con dúi khá ổn định, hàng năm số lượng dúi thương phẩm xuất bán ra thị trường tăng lên, thu nhập bình quân đạt từ 20 đến 25 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, anh có cuộc sống ổn định, đủ chăm lo cho gia đình và thoát nghèo.

Nghĩ đến nhiều hộ gia đình nghèo khác, anh không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm để cùng mong “xoá sổ” hộ nghèo ở địa phương. Bên cạnh đó là để các gia đình có điều kiện lo cho con cái ăn học. Với anh, chỉ có như vậy thì việc giảm nghèo mới hiệu quả lâu dài.

Hiện, tại địa phương đã có nhiều hộ gia đình mạnh dạn trong việc nuôi dúi cũng như phát triển kinh tế từ lợi thế của địa phương. Nhiều thanh niên cũng bỏ qua mặc cảm, tự ti để học hỏi kinh nghiệm làm ăn.

Bắc Quang giờ đã đổi mới hơn và tỉ lệ hộ nghèo cũng giảm dần đi. Đối với anh Ma Văn Dựng nói riêng và những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn ở đây nói chung đã thay đổi nhận thức về việc phát triển kinh tế, có thêm thu nhập và đặc biệt là có điều kiện hơn để nuôi dạy con cái học tập vươn lên thoát nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ