Trường vùng cao Lai Châu: Xóa bỏ tư duy văn mẫu theo hướng mở

GD&TĐ - Đổi mới cách ra đề, khâu kiểm tra, đánh giá và phương pháp dạy học là những giải pháp các trường học vùng cao Lai Châu đang triển khai để xóa bỏ tình trạng sử dụng văn mẫu trong dạy và học môn Ngữ văn.

Tiết học Văn của cô trò trường phổ thông DTBT THCS Ka Lăng, Mường Tè.
Tiết học Văn của cô trò trường phổ thông DTBT THCS Ka Lăng, Mường Tè.

Học sinh vùng cao... ít tiếp cận văn mẫu

Trước đây, để có đủ sách giáo khoa cho học sinh, các trường học vùng cao Lai Châu thường dựa vào hỗ trợ của nhà nước, cấp miễn phí. Vài năm trở lại đây, khi không còn được hưởng hỗ trợ, nhiều địa phương đã chủ động xã hội hóa, vận động phụ huynh đóng tiền mua sách cho con.

Việc vận động gặp trở ngại khi điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Mua sách giáo khoa đã khó, bởi vậy sách hướng dẫn, sách tham khảo gần như khó tiếp cận.

Thầy Nguyễn Đắc Thuấn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Ka Lăng, huyện Mường Tè cho biết: Việc sử dụng văn mẫu trong nhà trường gần như không có. Phần vì nhu cầu nghiên cứu sâu bài dạy không nhiều, phần vì điều kiện gia đình khó khăn. Thông thường, một số ít học sinh tham gia ôn thi học sinh giỏi hay con em phụ huynh có điều kiện mới mua văn mẫu về tham khảo.

Cô Lò Thị Thủy, giáo viên môn Văn thì bài văn mẫu cũng có những điểm mạnh cần thiếp thu. Nhưng không vì thế mà dập khuôn máy móc, bởi sẽ không phát huy được phẩm chất năng lực của học sinh. Đặc biệt, chương trình phổ thông mới chuyển trục hình thành, nuôi dưỡng và phát triển các phẩm chất và năng lực cho người học.

“Các em đa phần là học sinh dân tộc thiểu số nên kĩ năng nghe, nói, đọc, viết còn nhiều hạn chế. Câu văn cũng chưa chặt chẽ, cấu trúc ngữ pháp trong viết văn đôi khi còn chưa chuẩn. Chính vì vậy, nếu người giáo viên không có định hướng và phương pháp giảng dạy tốt thì học sinh cũng rất dễ phụ thuộc vào văn mẫu”, cô Thủy cho hay.

Chang Lệ Thanh, học sinh lớp 8A chia sẻ: “Bên cạnh kiến thức thầy cô đã truyền đạt, thỉnh thoảng em cũng xem các bài văn mẫu để biết được cách sử dụng từ trong bài văn cũng như cấu trúc bài văn. Tuy nhiên, em không sao chép văn mẫu vào bài văn của mình, và cũng không có nhiều điều kiện để sử dụng văn mẫu thường xuyên”.

Đổi mới theo hướng mở

Học sinh vùng cao
Vì điều kiện khó khăn, học sinh vùng cao Lai Châu khó tiếp cận với văn mẫu.

Theo ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè, để từng bước loại bỏ văn mẫu thì cần thay đổi cách ra đề kiểm tra đánh giá theo hướng mở, bám sát đề tài xã hội.

“Ngành cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục yêu cầu và tạo điều kiện cho giáo viên sáng tạo, có những thay đổi tích cực trong việc định hướng dạy học và đánh giá học sinh như thế giúp các em suy nghĩ không bị dập khuôn mà sẽ sáng tạo hơn”, ông Sơn cho hay.

Về phía nhà trường, thầy Nguyễn Đắc Thuấn cho rằng, trước yêu cầu đổi mới, đơn vị đã chỉ đạo đối với mỗi giáo viên hạn chế cho học sinh sử dụng văn mẫu và sáng tạo cách học môn Ngữ văn.

“Ngoài việc đưa ra các đề mở để tạo không gian thật rộng cho người học thể hiện khả năng nghệ thuật của mình, thì đồng thời cũng phải thay đổi cách chấm, đánh giá để giáo viên có thể nghe, thấu hiểu, trân trọng cảm nhận của học sinh”, thầy Thuấn chia sẻ.

Bám sát chỉ đạo này, theo cô giáo Thủy, phương pháp mà cô đang áp dụng đó là tăng cường các hoạt động rèn luyện nghe, nói và thực hành, góp phần giúp học sinh phát triển các năng lực chung, như: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

“Thay vì cho các em sử dụng văn mẫu, tôi thường cùng với học sinh định hướng dàn bài cho bài viết. Bên cạnh đấy, tại các tiết thực hành, tôi cho học sinh thoải mái viết những gì nghĩ ra, với yêu cầu không được theo văn mẫu. Trên cơ sở đó chỉnh sửa, góp ý cho các em hoàn thiện bài”, cô Thủy chia sẻ.

Giáo dục TP Lai Châu từng bước loại bỏ văn mẫu
Giáo dục TP Lai Châu từng bước loại bỏ văn mẫu.

Còn tại TP Lai Châu, học sinh có điều kiện thuận lợi để tiếp cận với văn mẫu. Tuy nhiên, ngành GD&ĐT địa phường này đã chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp, từng bước loại bỏ văn mẫu trong học môn Ngữ văn.

Cô giáo Trần Thị Màu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 cho biết: Nhà trường luôn xác định học sinh chính là trung tâm của mỗi tiết học. Mặc dù cách dạy này tương đối vất vả, vì đòi hỏi thời gian, công sức rất lớn từ người dạy.

“Không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức, mà chính giáo viên phải biết khơi gợi sự sáng tạo trong mỗi người học. Chúng tôi đã quán triệt tới giáo viên đổi mới phương pháp dạy học môn Tiếng Việt. Từ đó phát huy khả năng sáng tạo và năng lực sử dụng ngôn từ của học sinh”, cô Màu nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ