Thờ ơ với mũi thứ 4?

GD&TĐ - Trong một phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đưa ra nhận định rằng, dịch Covid-19 đã chuyển sang giai đoạn thoái trào.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo ông, có 3 chỉ số cần theo sát là: Biến chủng mới, sự lây lan đột ngột của dịch bệnh trong cộng đồng, tình hình bệnh nhân chuyển nặng.

Theo dõi 3 chỉ số đó qua thống kê trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19, thì thấy: Trong vòng một ngày (từ 16 giờ ngày 14/6 đến 16 giờ ngày 15/6), cả nước có thêm 866 ca nhiễm mới, không có trường hợp nào tử vong và cũng không ghi nhận biến chủng mới.

Điều này chứng tỏ nhận định của người đứng đầu một trong những bệnh viện hàng đầu của cả nước là hoàn toàn xác đáng. Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, đã đến lúc trở lại “bình thường cũ” để hướng đến 2 mục tiêu là phục vụ lộ trình mở cửa phục hồi kinh tế và tránh quá tải hệ thống y tế.

Trong bối cảnh ấy, thay vì thông điệp 5K, Bộ Y tế đã đề xuất V2K (vắc-xin - khẩu trang - khử khuẩn). Ngay cả với tiêu chí đeo khẩu trang cũng có nhiều ý kiến khác nhau.

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, không còn phù hợp nếu khuyến cáo tất cả mọi người đều phải mang khẩu trang mọi nơi, mọi lúc “vì không hiệu quả, tốn kém và gây ô nhiễm môi trường.

Với một số người (trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp mãn tính…), mang khẩu trang liên tục còn có hại cho sức khoẻ”. Ông cho rằng, Bộ Y tế nên sớm có khuyến cáo phù hợp.

Nếu loại trừ dần có thể thấy, vắc-xin vẫn được coi là trụ cột quan trọng nhất trong nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 hiện nay.

Tuy nhiên, bất chấp khuyến cáo của ngành y tế và các chuyên gia, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, cho rằng dịch thoái trào, trong khi bản thân đã có miễn dịch nên không cần thiết phải tiêm mũi thứ 4 cho dù ngành y tế ở các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiêm phòng.

Theo PGS Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế Công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM), miễn dịch cộng đồng sẽ giảm theo thời gian, do đó vẫn cần tiêm vắc-xin mũi nhắc lại.

Việc này không chỉ tạo miễn dịch bền vững, mà quan trọng là bảo vệ người tiêm. Nghiên cứu cho thấy, tiêm mũi 4 giúp người lớn tuổi giảm 50% nguy cơ bệnh nặng so với người chỉ tiêm 3 mũi.

Ở người trẻ tuổi, tiêm mũi 4 cũng giúp giảm 40% nguy cơ nhiễm Covid-19 có triệu chứng, từ đó giúp hạn chế nguy cơ gián đoạn công việc, học tập cũng như giảm nguy cơ bị hậu Covid.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, cần tiếp tục tiêm mũi 3, mũi 4 vắc-xin Covid-19 cho người dân một cách thần tốc, quyết liệt, đảm bảo an toàn, khoa học.

Tiêm hết cho các nhóm nguy cơ, người cao tuổi, công nhân lao động, học sinh, sinh viên… Thứ trưởng Hương cũng lưu ý, các tỉnh tiếp nhận vắc-xin do Bộ Y tế cung cấp phải tiêm đúng, tiêm đủ, không được bỏ sót, lãng phí.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải tuyên truyền, hướng dẫn làm sao để người dân nhận thức đúng tầm quan trọng, sự cần thiết và lợi ích của mũi tiêm thứ tư; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả những ai muốn tiêm… Có như vậy, cuộc chiến chống Covid-19 mới bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.