Có nên tiêm mũi 4 vắc-xin Covid-19?

GD&TĐ - Mũi 4 giúp bảo vệ tử vong tốt ở người cao tuổi, nhưng lợi ích không nhiều. Bởi, tỉ lệ tử vong ở người tiêm 3 mũi đã rất thấp.

Khoảng cách tiêm mũi 4 ít nhất là 4 tháng sau mũi 3.
Khoảng cách tiêm mũi 4 ít nhất là 4 tháng sau mũi 3.

Kháng thể tự nhiên

Văn bản của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 cho biết, Hội đồng tư vấn sử dụng vắc-xin Bộ Y tế đã họp để xem xét các nội dung về việc triển khai tiêm vắc-xin. Trong đó, bao gồm việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4).

Hội đồng đã thống nhất kết luận tiêm vắc-xin mũi 4 cho 3 nhóm gồm: Người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 (cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp).

Vắc-xin sử dụng tiêm là: Vắc-xin mRNA do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất; vắc-xin do Astra Zeneca sản xuất; vắc-xin cùng loại với mũi 3. Khoảng cách tiêm ít nhất là 4 tháng sau mũi 3. Người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3 sẽ hoãn tiêm 3 tháng sau khi mắc Covid-19.

Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Trần Nam Trung - chuyên gia dịch tễ tại Maryland (Mỹ) dẫn chứng, các bằng chứng khoa học tới nay cho thấy, hiệu lực bảo vệ ca nhiễm của mũi 3 giảm sau vài tháng. Hiệu lực cũng đặc biệt thấp với Omicron. Tuy nhiên, hiệu lực bảo vệ ca nặng/ tử vong vẫn rất tốt.

“Việt Nam đang chứng kiến điều này trong thời gian qua khi mỗi ngày có hàng chục nghìn ca nhiễm, nhưng số tử vong giảm dần tới rất thấp. Mục tiêu chính của vắc-xin là giảm ca nặng và tử vong, không phải giảm ca nhiễm.

Với đa số, 3 mũi vắc-xin đang có tác dụng rất tốt, chưa cần thiết phải tiêm mũi 4 vào lúc này. Chưa kể, đợt Omicron vừa qua, rất nhiều người đã tiêm 2, 3 mũi vẫn nhiễm Covid-19 như một liều tăng cường tự nhiên, giúp kéo dài thời gian bảo vệ của mũi 2 và mũi 3”, TS Trung nhận định. 

Hiệu lực giảm nhanh

Theo chuyên gia này, lý do cần tiêm mũi 4 là vì kháng thể sau mũi 3 giảm qua thời gian. Điều đó nguy hiểm hơn với nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi và người suy giảm miễn dịch). TS Trung dẫn chứng, một nghiên cứu trong nhóm nhân viên y tế trẻ tuổi ở Israel được đăng trên tạp chí Y học New England cho thấy, mũi 4 giúp tăng kháng thể, đưa lượng kháng thể về như đỉnh sau mũi 3.

Tuy nhiên, hiệu lực bảo vệ nhiễm Omicron của mũi 4 rất kém (30% với Pfizer và 11% với Moderna). Trong khi đó, một nghiên cứu khác của Israel thực hiện ở người trên 60 tuổi cho thấy, mũi 4 có hiệu lực giảm tử vong 78%. Tuy nhiên, chưa có số liệu thuyết phục về hiệu lực bảo vệ ca nặng ở người trẻ cũng như thời gian bảo vệ của mũi 4.

“Một nghiên cứu khác của Israel trên người 60+, đăng trên tạp chí Y khoa New England cho thấy, hiệu lực bảo vệ ca nhiễm của mũi 4 suy giảm rất nhanh, trong vòng 8 tuần nghiên cứu”, chuyên gia dẫn chứng.

Dựa trên những số liệu này, TS.BS Trần Nam Trung nhận định, mũi 4 ít có tác dụng giảm nhiễm Covid-19. Ngoài ra, hiệu lực bảo vệ nhiễm của mũi 4 giảm nhanh, kể cả ở người cao tuổi. Mũi 4 giúp bảo vệ tử vong tốt ở người cao tuổi, nhưng lợi ích không nhiều vì tỉ lệ tử vong ở người tiêm 3 mũi đã rất thấp.

“Với các vắc-xin Covid-19, có vẻ như khả năng tạo kháng thể và bảo vệ tốt nhất là với 3 mũi. Lợi ích của các mũi tăng cường sau mũi 3 ngày càng ít. Do nguy cơ bệnh nặng/tử vong ở nhóm trẻ tuổi thấp, khả năng bảo vệ nhiễm của mũi 4 thấp, tiêm mũi 4 cho nhóm công nhân khu công nghiệp, nhóm chống dịch, nhân viên y tế đa số là trẻ tuổi để giảm nhiễm và giảm ca nặng/tử vong thì sẽ ít hiệu quả”, chuyên gia chia sẻ.

Do đó, theo TS Trung, chỉ nên cân nhắc tiêm mũi 4 cho 2 nhóm là người cao tuổi và người có suy giảm miễn dịch. Bởi, đây là 2 nhóm có nguy cơ cao bệnh nặng/tử vong. Đây cũng là 2 nhóm được tiêm mũi 4 ở nhiều quốc gia. Trong khi đó, chuyên gia này cho rằng, việc tiêm mũi 4 cho nhóm nguy cơ phơi nhiễm cao và công nhân sẽ ít hiệu quả. Đặc biệt, việc mở rộng tiêm đại trà mũi 4 cần được suy xét kĩ.

“Thời điểm tiêm mũi 4 nên dựa vào dự đoán tình hình dịch, theo dõi đà tăng giảm của ca nhiễm, mùa (ví dụ mùa đông xuân có nguy cơ cao hơn), hoặc chuẩn bị cho sự xuất hiện của các biến chủng mới nguy hiểm.

4 tháng là khoảng cách tối thiểu giữa mũi 3 và 4, nhưng không có nghĩa chúng ta phải gấp rút tiêm mũi 4 ngay khi vừa đủ 4 tháng. Thông thường, thời gian giữa 2 mũi càng dài thì bảo vệ của vắc-xin càng tốt và lâu. Vậy nên, càng không vội khi dịch đang đi xuống như hiện nay”, TS Trung nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ