Hãng Reuters ngày 29-7 cho hay, kể từ sau hôm 15-7, Thổ Nhĩ Kỳ đã năm lần bảy lượt gửi yêu cầu chính thức với Mỹ về việc dẫn độ nhân vật lưu vong này. Thế nhưng cho đến nay, các cuộc nói chuyện giữa Washington và Ankara về vấn đề này dường như vẫn bế tắc.
Mỹ đã thể hiện thái độ do dự bằng những tuyên bố rằng nước này cần “chứng cứ xác đáng đáp ứng các tiêu chuẩn về giám sát hiện có tại nhiều quốc gia” chứ không phải là những lời cáo buộc suông. Lời qua tiếng lại khiến quan hệ ngoại giao hai nước có vẻ xấu đi và đỉnh điểm của nó là việc Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã hỗ trợ, đào tạo các thành viên phong trào của Giáo sĩ Fethullah Gulen và “chống lưng” cho âm mưu đảo chính bất thành vừa qua.
Chiến dịch truy quét những người ủng hộ Gulen vẫn đang được tiến hành trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ. ảnh: AP
Hãng thông tấn nhà nước của Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đã đăng tải cáo buộc này hôm 28-7 theo thông tin do Văn phòng trưởng công tố Edirne cung cấp. Thậm chí, Anadolu còn chỉ rõ rằng, những kẻ chỉ huy nhóm đảo chính đều là các đối tượng được 2 cơ quan này đào tạo.
Chưa hết, ngoài những cáo buộc về việc Mỹ có liên quan đến đảo chính, Thổ Nhĩ Kỳ còn chĩa mũi dùi chỉ trích vào Đức khi cho rằng chính quyền Berlin đã không nỗ lực hết mình trong việc giúp đỡ Ankara dẫn độ những đối tượng đang sống tại Đức bị tình nghi liên quan đến Giáo sĩ Fethullah Gulen. Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag còn cho rằng, nhiều khả năng Giáo sĩ Fethullah Gulen đang lên kế hoạch lẩn trốn khỏi nơi ẩn náu tại bang Pennyslvania của Mỹ và xin tị nạn ở một số nước có cảm tình với ông như Australia, Mexico, Canada, Nam Phi hoặc Ai Cập.