(GD&TĐ) - “Trước đây, thơ tôi khắc hoạ nỗi đau chiến tranh với cái nhìn của nhà thơ yêu nước muốn được chia sẻ với những mất mát, đau thương của dân tộc mình. Sau này, thơ tôi nghiêng về phía khắc họa nỗi buồn của con người thời hậu chiến trong đời sống đô thị công nghiệp hóa đang làm tổn hại thiên nhiên và nghiền vụn thời gian - văn hóa của con người. Nói tóm lại, số phận con người cùng với những khát khao dằn vặt, yêu thương, đau đớn và mơ ước, hi vọng của họ chính là mối quan tâm lớn nhất của thơ tôi..”
Những ý kiến tự nhận định của tác giả về nội dung thơ mình đã được chứng minh qua thơ của tác giả từ Mưa lúc không giờ (1992), Ngọn sóng thời gian (1968), Cỏ trên đất (2000), Những con ngựa đêm (2003), Trăng và thơ đọc chậm (2012).
Là người lính chiến trở về, dĩ nhiên thơ về đề tài chiến tranh đã in dấu đậm trong thơ anh không phải bằng số lượng mà bằng chất lượng, chất lượng thơ cũng là chất lượng của máu và nước mắt. “Thưa mẹ/ 30 năm trước/ Tiễn con đi từ ga Hàng Cỏ/... Con của mẹ/ Vẫn mãi 18 tuổi/ Như chuyến tàu ngày ấy không về... / Thưa mẹ/ Hôm nay bàn chuyện thơ đi về đâu/ Trong con vẫn còn một chuyến tàu/ 30 năm trước chưa trở về/ Phải chăng vì thế những câu thơ bây giờ/ Vẫn phải lên đường làm một cuộc ra đi”.
Cuộc ra đi thứ nhất là phải nhớ quá khứ để biết làm gì trong hiện tại và cho tương lai. Nguyễn Việt Chiến đã viết một bài thơ dài, được giải nhì toàn quốc cuộc thi thơ ở báo Văn nghệ Quân đội, kết tinh những cảm nghĩ đau đáu của tác giả về những đau thương, những hi sinh vô cùng lớn của dân tộc trong cuộc chiến tranh giải phóng lâu dài, gian khổ trong đó người đau đớn nhất, mất mát lớn nhất là người mẹ, con với các mẹ “Hoà bình dưới mưa phùn/ Được đắp bằng cỏ non/ Và nước mắt”/Cuối trời/ Mẹ ở lại, với sông Hồng/ Tần tảo, áo phù sa/ Lam lũ tháng ngày/ Câu quan họ, cất trong bồ thóc cũ/ Sông Cầu trôi / như một tiếng thở dài... (Đất nước thời gian lao).
Xưa nhà thơ Tố Hữu đã có lần nhắn nhủ: “Việt Nam ơi, máu và hoa ấy/ Có đủ mai sau thắm những ngày”. Hôm nay, Nguyễn Việt Chiến nhắc chúng ta cụ thể hơn, quyết liệt hơn: “Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển, mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không”. Nhưng những gì cản con đường của dân tộc bước tới không phải chỉ là những con sóng đảng “đè lên thềm lục địa kia” mà còn là nhiều thứ, mà tác giả đã nói đến bằng những ẩn dụ cụ thể mà khái quát “thay dần cho tiếng gà sớm bình yên/ Là tiếng tru lên đục ngầu của bầy chó dữ/ Biến ban mai thành chiếc giẻ lau nhầu nát/ Trên các mặt bàn ướt đẫm mồ hôi của những mưu toan”. Đây là phút cô đơn đến mức nghẹn ngào: Ngày trăng đi/ Ta hỏi quê trăng ở đâu/ Sao trăng không trả lời/ Hình như ta/ Và trăng lâu rồi/ Đều đã mất quê” (Quê Trăng và thơ đọc chậm).. Và mất cả thơ “Khi làm xiếc/ Trên sợi dây ngôn ngữ/ Chúng tôi bắt chước thiên nhiên/ Gieo một tiếng thở dài/ Trên cái cây bóng tối nhưng chúng tôi lại quên lãng, rời xa tiếng thở dài trên các câu chuyện. Nhưng Nguyễn Việt Chiến không quên. Nguyễn Việt Chiến không bao giờ quên Mẹ - Tổ quốc (Trăng và thơ đọc chậm)/ Không bao giờ quên “Thăng Long sử thi”.
Trăng và thơ đọc chậm, không quên “Có một người bị ướt thức trong ta” (Trăng và thơ đọc chậm), không quên “Thế giới đang lạnh dần” (tập thơ trên). Không quên những “Trẻ em mặt đất” (Những con ngựa đêm) Những người đàn bà chân đất (Ngọn sóng thời gian) ở châu lục Đen và nỗi cô đơn con người (Những con ngựa đêm).
Không quên người bạn chỉ còn thơ vì thế mà anh tin “Bởi nếu không tin con người/ Chúng ta còn gì để mơ ước”. Nhưng cũng không phải chỉ là mơ ước: “Nhưng anh biết cái thời anh phải sống sẽ đi qua tất cả dẫu nhọc nhằn/ Rồi sỏi cát sẽ nảy mầm trổ lá/ Đau khổ sẽ xanh tươi cởi mở” (Những con ngựa đêm)
Nhưng chính anh đã vượt qua những cơn mưa lớn của đời mình những hoạn nạn tai bay. Thơ anh luôn hướng về đời sống thiên nhiên và những vầng sáng của cuộc đời. Ngay trong những ngày đau khổ nhất, anh vẫn luôn được che chở bởi người mẹ thân yêu bên hình ảnh một ngôi chùa trong đêm trong những câu thơ như chắt từ trái tim và nước mắt “Mẹ ơi! Đám mây lành kia là con trai của mẹ/ Dẫu ánh ngày đã tắt/ Mẹ vẫn nhận ra con dưới nhà này/ Mẹ vẫn nhận ra con” và một linh vật nữa của nơi anh là ánh trăng, ở nơi tận cùng, ở nơi tận cùng của đáy sâu, anh vẫn cảm nhận được vị mằn mặn của ánh trăng, thứ ánh sáng không bị huỷ hoại bởi bùn tốt của những đáy sâu. Chính chất muối của ánh sáng này ở nơi đáy sâu kia đã cứu thoát anh. Trăng và mưa là hai hình ảnh hơn một lần trở lại thơ anh như một tượng trưng ám ảnh, một mã nghệ thuật...
Nguyễn Việt Chiến là người cổ vũ nhiệt thành cho tìm tòi và cách tân trong thơ. Anh đã viết cả một cuốn sách về điều này (Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân 1975 - 2005 - NXB Hội Nhà văn). Và chính anh đã góp vào trào lưu đó, chỉ bằng lí luận mà bằng cả thực tế sáng tác. Ngay cả với thơ truyền thống, anh cũng biến đổi nhịp điệu của nó: “Đêm mưa. Gặp Nguyễn. Trên sông/ Đầu đội nón lá - chân không mang giày/ Ông ra câu cá. Sông này/ Một chiếc cần trúc/ Phất đầy mưa đêm/ Ông dốc bầu rượu - Tưới lên/ Dòng sông mặt sách - Còn thiêm thiếp nằm” (Gặp Nguyễn Du trên sông đêm). Với Nguyễn Việt Chiến, cái mới làm xúc động bạn đọc đông đảo chính là cái nhìn mới thông qua những hình tượng sâu sắc và những suy tưởng khái quát hơn.
Những câu thơ không chịu bằng phẳng và sự chuyển tải của những nỗi niềm, những ẩn ức còn khuất lấp trong tâm hồn thi sĩ đã tự tìm cho mình một hình thế mới, một nhịp vận động riêng trong cách tổ chức câu chữ”... (Thơ VN 30 năm cách tân). Có ba loại thơ: thơ mới nhưng không hay, thơ hay nhưng không mới, thơ vừa mới, vừa hay, thơ Nguyễn Việt Chiến thuộc loại thứ ba này.
Đặng Hiển