Thiếu úy quân đội dũng cảm cứu người giữa dòng sông Đà

Thiếu úy QNCN Nguyễn Hồng Cương công tác tại Phòng Tham mưu-Hậu cần, Trường Sĩ quan Đặc công (Binh chủng Đặc công) đã dũng cảm, không sợ hy sinh, lao xuống dòng nước xiết để cứu người dân gặp nạn.

Thiếu úy QNCN Nguyễn Hồng Cương. Ảnh: Văn Hoành.
Thiếu úy QNCN Nguyễn Hồng Cương. Ảnh: Văn Hoành.

Mới đây, đồng chí Nguyễn Hồng Cương được đơn vị cho nghỉ phép để đưa con nhỏ đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Trên đường về nhà, anh đi trên chuyến phà từ xã Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội) qua xã Đồng Luận (Thanh Thủy, Phú Thọ). 

Khi phà đến giữa sông, do dòng nước lớn, chảy xiết, sóng to khiến phà bị tròng trành, lắc mạnh. Anh Đinh Văn Chung, 27 tuổi, ở xã Phượng Mao (Thanh Thủy, Phú Thọ) đứng cạnh lan can phà, do bất cẩn nên đã bị ngã, rơi xuống sông. 

Không biết bơi, anh Chung lập tức bị cuốn ra xa và chìm dần. Các nhân viên trên phà đã cố gắng điều khiển phà đuổi theo, buộc dây, ném phao nhưng anh Chung không còn đủ sức để bám vào. 

Con sông Đà vốn đã hung dữ, lúc đó càng hung dữ hơn như muốn nuốt chửng con người, tính mạng anh Chung như "ngàn cân treo sợi tóc".

Trước tình huống đó, không một phút đắn đo, Thiếu úy QNCN Nguyễn Hồng Cương chỉ kịp trao con nhỏ cho vợ bế, rồi lao thẳng xuống dòng nước, bơi theo hướng anh Chung đang chới với, chỉ còn cánh tay vẫn đập trên mặt nước.

Tới nơi, anh lặn xuống đẩy anh Chung lên mặt nước và hướng về phía phà. Sau ít phút vật lộn với "thủy thần", Nguyễn Hồng Cương đã đưa được anh Chung lên phà, nhưng đến lúc đó, do bị kiệt sức nên Nguyễn Hồng Cương bị trôi dạt về phía cuối phà. Rất may, được sự trợ giúp của những người đi cùng và nhân viên trên phà, anh đã may mắn thoát khỏi nguy hiểm.

“Dòng nước đục ngầu, chảy xiết. Tất cả chúng tôi đều nghĩ không thể cứu được anh Chung. Ai cũng lo lắng, nhưng không dám nhảy xuống dòng nước cuộn chảy như thế”-chị Lê Thị Thương, ở xã Trung Thịnh (Thanh Thủy, Phú Thọ) đi cùng trên chuyến phà cho biết.

Được đưa lên phà, nhưng lúc này anh Chung đã rơi vào tình trạng nguy kịch, tim không còn đập. Mọi người trên phà đều lo lắng, nhưng không ai biết cách sơ cứu. 

Thiếu úy QNCN Nguyễn Hồng Cương dù đang rất mệt, nhưng anh đã nhanh chóng tiến hành các động tác sơ cứu, ép tim, hà hơi thổi ngạt một cách tích cực. Ít phút sau, Nguyễn Hồng Cương đã kéo được anh Chung trở về từ tay thần chết.

Khi được hỏi về hành động dũng cảm không quản hy sinh tính mạng để cứu người, Nguyễn Hồng Cương chỉ khiêm tốn trả lời: "Là người chiến sĩ, chắc ai ở vào hoàn cảnh đó cũng sẽ làm như tôi. Đó là tình cảm, trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ đối với nhân dân".

Tại Trường Sĩ quan Đặc công nơi Thiếu úy QNCN Nguyễn Hồng Cương đang công tác, thủ trưởng và đồng đội của anh cho biết: Nguyễn Hồng Cương luôn có tinh thần trách nhiệm cao, tích cực phấn đấu học tập, rèn luyện, luôn quan tâm giúp đỡ đồng chí, đồng đội. Sau khi nắm được sự việc, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã đề nghị trên khen thưởng Thiếu úy QNCN Nguyễn Hồng Cương.

Hành động dũng cảm quên mình cứu dân trong lúc gian nguy của Thiếu úy QNCN Nguyễn Hồng Cương là minh chứng sống động, thể hiện phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, là tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo.

Theo qdnd

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.