Bây giờ, mở bất cứ một clip nào ghi lại các trận bóng đá đỉnh cao, các trận đấu quyền anh từng tốn nhiều giấy mực một thời, hoặc một chuyện scandal nào đó đang hot…, thế nào bạn cũng gặp những clip quảng cáo chen ngang.
Đang xem “ngon trớn”, bỗng bị cắt giữa chừng để quảng cáo, chẳng khác nào đang nhai cơm thì gặp hạt sạn. Dù khó chịu đến đâu, song bạn vẫn phải chấp nhận vì không còn sự chọn lựa nào khác nếu muốn xem cái clip mình cần xem.
Dù vậy, điều đáng nói ở đây không phải là những clip quảng cáo chen ngang mà là nội dung của nó. Lại nữa, nội dung ấy được chuyển tải bằng những nhân vật nổi tiếng, từ cầu thủ bóng đá, đến người mẫu và cả những MC đang hot hiện nay.
Nếu nội dung quảng cáo về những sản phẩm chất lượng thì không nói gì, hoặc những loại sản phẩm “dành cho nhà giàu” thì cũng mặc, đằng này lại quảng cáo những sản phẩm khá nhạy cảm mà cả những người không phải giàu có, thậm chí nghèo nữa, vẫn phải móc tiền ra mua.
Bạn đang bị bệnh tiểu đường mạn tính là đồng nghĩa với việc đang mang một “án tử” bên mình. Một nhà thuốc hoặc hiệu thuốc ất ơ nào đó sẽ “trấn an” bạn ngay một clip kể lể về tác dụng của thuốc “trị tiểu đường hiệu quả”. Thậm chí, clip còn cho luôn địa chỉ những bệnh nhân từng chữa bớt bệnh để bạn “tham khảo”.
Thuốc chữa bệnh tiểu đường, bệnh hôi nách, bệnh… yếu sinh lý thì còn thể tất, đằng này, có những clip quảng cáo luôn việc điều trị bệnh ung thư bằng thuốc “gia truyền nhiều đời” mới thật sự đáng bàn! Thậm chí, nhiều clip còn nói như đinh đóng cột rằng, nếu thuốc chữa không khỏi căn bệnh mà họ đang quảng cáo, họ sẽ không lấy tiền.
“Chữa không khỏi bệnh sẽ không lấy tiền” lại được gắn vào miệng một nhân vật nổi tiếng, bố có bảo cấm tin, bạn cũng phải gật đầu mà tin thôi. Nhiều nhân vật nổi tiếng cứ nhắm mắt quảng cáo những thứ thuốc mà ngay cả họ cũng không dám tin. Nhưng vì tiền cát-sê quá lớn cho những clip như thế nên nhiều người bất chấp tất cả. Vô hình trung, những nhân vật nổi tiếng này tiếp tay cho cái xấu.
Thật giả lẫn lộn nên người tiêu dùng như lạc vào mê hồn trận của đủ các loại thuốc chữa bệnh cũng như các “thần y”. Thế nên, chỉ cần một nhân vật nổi tiếng nào đó mà “tiếp tay” bằng một clip quảng cáo thì lập tức niềm tin của người tiêu dùng về loại sản phẩm đó sẽ được xác lập.
Tình trạng loạn quảng cáo về thần y, thần dược đang gây hoang mang mọi người. Để trấn an dư luận, Bộ TT&TT đang trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để tạo công cụ quản lý mạnh mẽ hơn, trong đó có đề xuất bổ sung quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung quảng cáo vi phạm.
Trong khi chờ đợi các quy định bổ sung nói trên, việc cần làm lúc này là người tiêu dùng cần tẩy chay những clip quảng cáo tào lao, kể cả tẩy chay luôn những người nổi tiếng xuất hiện trong đó nữa vì họ đang thiếu trách nhiệm với cộng đồng và cả những người hâm mộ mình nữa.