Thông tin trên báo chí, thầy thuốc nhân dân, bác sĩ cao cấp Trần Văn Bản - nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, nội dung các video quảng cáo này chưa được công nhận hợp chuẩn theo quy định của pháp luật.
Phạm vi quảng cáo cũng chưa được xác minh có đúng với giấy phép hành nghề của lương y hay không?
Các bài thuốc gia truyền cũng chưa được kiểm chứng có đúng sự thật là bài thuốc gia truyền nhiều đời hay không?
Bà con không nên mua thuốc và sử dụng các loại thuốc rao bán trên YouTube để rồi “tiền mất tật mang”.
Cũng theo đánh giá của ông Bản, lâu nay, người Việt vẫn sử dụng các kinh nghiệm dân gian để chữa các bệnh thông thường như: Xông cảm, đau bụng lấy gừng nướng ăn, cảm cúm, kiết lỵ, tiêu chảy...
Tuy nhiên, đây chỉ là các vị thuốc dân gian chứ không phải bài thuốc gia truyền và người lấy các cây thuốc này cho người ốm uống cũng không phải lương y.
Nhiều người thường ngộ nhận, nhầm lẫn giữa kinh nghiệm dùng vị thuốc dân gian với bài thuốc gia truyền.
Theo ông Bản, kinh nghiệm chữa bệnh dân gian và bài thuốc gia truyền chữa bệnh là rất khác biệt.
Đã là bài thuốc gia truyền thì phải có tác dụng chữa bệnh thật sự và được trải nghiệm qua nhiều đời. Bộ Y tế đã có quy định về việc công nhận bài thuốc gia truyền.
"Việc có nhiều người tự xưng là lương y, có bài thuốc gia truyền nhiều năm, 3 đời, 7 đời, thậm chí là mười mấy đời... là điều không đúng vì các bài thuốc này chưa được kiểm chứng, công nhận của các cơ quan chức năng” - ông Bản nhận định.
Việc công nhận bài thuốc gia truyền, theo Quyết định số 039/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành quy chế xét duyệt cấp “Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền”.
Theo đó, người có bài thuốc gia truyền sẽ được Sở Y tế tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương cấp cho người có đủ các điều kiện được công nhận là bài thuốc gia truyền.
“Bài thuốc gia truyền” là bài thuốc kinh nghiệm lâu đời của dòng tộc, gia đình truyền lại, có hiệu quả điều trị với một bệnh nhất định, có tiếng trong vùng, được nhân dân tín nhiệm, được Hội Đông y và y tế xã/phường/thị trấn sở tại và Sở Y tế công nhận.
Không phải hội viên nào của Hội Đông y cũng được phép hành nghề.
Các lương y muốn hành nghề phải có giấy phép hành nghề được sự công nhận của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế địa phương mà lương y đó hoạt động.
Người có bài thuốc gia truyền và người được khám chữa bệnh bằng phương pháp Đông y cũng phải cấp phép thì mới được thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh hoặc bán thuốc.
Tự xưng thần y và lương y đang là hiện tượng nở rộ thời gian gần đây
Thông qua mạng xã hội và kênh YouTube, nhiều người ngang nhiên thực hiện hoạt động khám chữa bệnh và tung ra thị trường các sản phẩm không rõ nguồn gốc, mập mờ về chất lượng.
Đặc biệt, nhan nhản các mẩu quảng cáo về một số lương y, thần y, ba đời gia truyền, với những thông tin sai sự thật, phản khoa học, qua nhiều hình thức như viết bài, dựng video ngang nhiên cho mình là “thần y” có thể “chữa bách bệnh”… đang lan truyền trên mạng xã hội gây bất bình trong dư luận.
Các chuyên gia cho rằng, sự bùng nổ quảng cáo trên mạng xã hội, nhất là các quảng cáo liên quan đến vấn đề y tế sức khoẻ đang đặt ra nhiều thách thức với các nhà quản lý trong việc kiểm soát những thông tin sai phạm.
Google thông tin trên báo chí cho hay, cơ quan này đã có các chính sách hạn chế quảng cáo thuốc theo toa, thuốc không kê đơn, thuật ngữ thuốc và chất không được chấp thuận cùng các hạn chế khác. Và tại Việt Nam, thuốc là mặt hàng cấm chạy quảng cáo.
Tuy nhiên, hiện tại các quảng cáo đang gây khó chịu cho người dùng Việt lại hướng đến các bài thuốc gia truyền, đông y... khiến thuật toán của Google khó phát hiện.
Vì thế, suốt nhiều tháng, nội dung quảng cáo thuốc đông y vẫn tồn tại nhan nhản trên ứng dụng YouTube từ tivi, máy tính đến cả smartphone của người dùng Việt.
Theo ông Ngô Huy Toàn - Trưởng phòng Thanh tra Báo chí và Thông tin trên mạng, Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT): Dù đã có nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về quảng cáo đối với các cơ quan báo chí, các tổ chức cá nhân thực hiện quảng cáo trên môi trường mạng, tuy nhiên, những vi phạm quảng cáo trên môi trường mạng đặc biệt là quảng cáo sản phẩm, dịch vụ thuộc lĩnh vực y tế trên các nền tảng công nghệ của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam vẫn chưa được ngăn chặn, xử lý rốt ráo, quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới đang đặt ra nhiều thách thức với cơ quan quản lý.
Chúng ta có thể nhận thấy, vì lợi nhuận, một số công ty nước ngoài bất chấp chuẩn mực chung, không tuân thủ nghiêm túc pháp luật Việt Nam, thả nổi, dung túng cho các quảng cáo vi phạm.
Bên cạnh đó, lợi dụng tiện ích của môi trường mở, bản thân người quảng cáo cũng sử dụng nhiều thủ đoạn để đối phó với cơ quan quản lý như ẩn danh tính, sử dụng tên miền quốc tế, đặt hosting ở nước ngoài, thiết lập tài khoản để thực hiện hành vi vi phạm trong thời gian ngắn sau đó xóa tài khoản và tiếp tục lập tài khoản khác để thực hiện hành vi vi phạm… do đó việc truy tìm khó khăn, mất nhiều thời gian hơn.
Mạng xã hội với những ưu thế nổi trội, tiếp cận người tiêu dùng nhanh, hiệu quả, là ưu tiên trong lựa chọn của nhiều doanh nghiệp, những năm gần đây dòng tiền quảng cáo chuyển dịch mạnh từ báo chí sang loại hình này, trong đó các mạng nước ngoài facebook, google chiếm khoảng 70% thị phần quảng cáo trực tuyến.