Ngày 30/3, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 2154 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về thông tin “thần y” trên mạng xã hội.
Trước đó, rất nhiều quảng cáo đeo mác “thần y” tràn ngập trên mạng xã hội, đặc biệt là kênh YouTube. Các chương trình liên tục bị cắt ngang bởi những quảng cáo lừa bịp, thô thiển.
“Thần y” này khẳng định thuốc nhà mình ai uống cũng khỏi, “thần y” khác dứt khoát chữa khỏi 100%. Thậm chí, những chương trình dành cho trẻ em cũng “gán” các quảng cáo dành cho người lớn. Nào là thuốc tăng cường sinh lý, hỗ trợ sinh dục với những lời lẽ tục tĩu.
Điều đáng nói, rất nhiều quảng cáo có sự góp mặt tiếp tay của các nghệ sĩ. Diễn viên A khẳng định thuốc có hiệu quả “uống phát đỡ ngay”; ca sĩ B cười tươi khen sản phẩm tốt nhất thế giới; người mẫu C sau vài giây uốn éo thì quả quyết thực phẩm rất tốt hỗ trợ giảm cân…
Lợi dụng hình ảnh của người nổi tiếng để quảng cáo, là một chuyện đáng bàn. Nghệ sĩ muốn người khác lợi dụng hình ảnh của mình để quảng cáo, tôn thêm sự nổi tiếng còn đáng bàn hơn. Nhưng, nghệ sĩ trực tiếp tham gia quảng cáo cho sản phẩm trái pháp luật – lại là chuyện hoàn toàn khác, rất đáng buồn.
Năm 2019, thị trường chăm sóc sắc đẹp “dậy sóng” khi xuất hiện một loại thuốc có tên FOY, được quảng cáo như “tiên dược” giúp trắng da. Từ lời quảng cáo có cánh và sự tiếp tay của nhiều nghệ sĩ mà sản phẩm bán chạy như tôm tươi. Đến khi khách hàng dị ứng sưng tấy, cơ quan chức năng vào cuộc thì lộ ra sản phẩm không được cấp phép.
Năm 2017, hàng loạt diễn viên, người mẫu nổi tiếng liên quan đến vụ “11 tỉ đồng mỹ phẩm giả” từ một công ty phân phối. Các nghệ sĩ bị cư dân mạng lên án vì đã tiếp tay cho lừa đảo, lợi dụng lòng tin yêu của người hâm mộ. Sau đó, nghệ sĩ phải xin lỗi nhưng không quên thừa nhận mình là nạn nhân.
Thừa nhận mình là nạn nhân và gửi lời xin lỗi – đó chẳng qua là “bổn cũ soạn lại”, là chiêu bài dập tắt ngọn lửa dư luận, “đánh” vào lòng khoan dung độ lượng của công chúng mà thôi. Bởi thực tế, đa số nghệ sĩ là người có hiểu biết, hiểu luật thì làm sao không biết nhãn hàng này, sản phẩm kia chưa được cấp phép.
Đúng là nhiều nghệ sĩ bị lợi dụng hình ảnh như bị chụp trộm, bị “gán” quảng cáo. Hoặc có người vì cả nể do mối quan hệ mà nói vài câu tốt về sản phẩm, nhưng bị đưa lên mạng làm “mồi nhử” khách hàng. Tuy nhiên, trong cơn bão quảng cáo thì trường hợp như thế chỉ là thiểu số.
Nếu như nghệ sĩ quyết liệt, thẳng tay tố cáo các cá nhân, đơn vị lợi dụng hình ảnh của mình để lừa đảo, thì hỏi còn nghệ sĩ nào là “nạn nhân” nữa hay không?
Nghệ sĩ, trong chừng mực nào đó là hình ảnh mẫu mực của xã hội, có vai trò tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách con người.
Bởi vậy, khi thấy cái sai mà không đấu tranh thì chẳng khác nào đồng loã. Khi thấy hình ảnh của mình thành “mồi nhử” mà không lên tiếng tố cáo, thì nghệ sĩ chẳng khác nào đang thỏa hiệp với bọn lừa đảo.
Nghệ sĩ – đừng chờ khi mọi chuyện vỡ lở mới thanh minh mình là nạn nhân! Vì lúc này, nạn nhân đáng thương chính là người hâm mộ - vì tin yêu nghệ sĩ mà tiền mất tật mang.