Thiếu quy định bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp

GD&TĐ - Cũng như thu nhập, quyền của nhà giáo hiện khá hạn chế; đồng thời thiếu các quy định để bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.

Cô trò Phenikaa School trong giờ Tin học.
Cô trò Phenikaa School trong giờ Tin học.

Cần luật hóa quyền, nghĩa vụ của nhà giáo

Hiện nay, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo được quy định khá đầy đủ trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật (Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Viên chức,…). Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội, những quy định này chưa đồng bộ, chưa thực sự tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo.

“Cũng như thu nhập, quyền của nhà giáo hiện khá hạn chế. Bên cạnh đó, còn thiếu các quy định để bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp; thiếu chính sách để xây dựng một môi trường làm việc an toàn, giúp nhà giáo an tâm công tác, cống hiến và hoạt động nghề nghiệp hiệu quả”.

Đưa đánh giá trên, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, không hiếm những trường hợp nhà giáo bị hành hung, xúc phạm, xâm hại, cản trở hoạt động giảng dạy. Chính vì vậy, cần luật hóa quyền của nhà giáo để khẳng định sứ mệnh, vai trò, vị thế pháp lý - xã hội của nhà giáo trong xã hội và sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình.

PGS.TS Trần Thành Nam đồng thời ủng hộ quan điểm “không công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo”.

Lý do đưa ra là, trong thời đại kỹ thuật số, mọi thứ công khai đều lên mạng và chúng ta có thể truy cập nó vĩnh viễn bao gồm rất nhiều thông tin riêng tư cá nhân. Việc đề xuất không công khai thông tin khi chưa có kết luận chính thức là một cách để bảo vệ danh xưng “nhà giáo”, không phải đặc quyền đặc lợi.

Tất nhiên, cần phải hiểu, không công khai thông tin sai phạm không đồng nghĩa với việc thay đổi bản chất của dữ liệu hay sự kiện. Không công khai trên mạng nhưng thông tin vẫn được lưu trữ và được chia sẻ cho những người có trách nhiệm để xử lý một cách phù hợp, tránh vô tình làm tổn hại hình ảnh người thầy trong xã hội.

Tuy nhiên, đi kèm với những quyền lợi tương xứng với vị thế, sự tôn vinh của xã hội đối với nghề dạy học, cũng cần luật hóa nghĩa vụ của nhà giáo để thể hiện trách nhiệm với danh xưng nghề nghiệp, trách nhiệm với sự phát triển của người học, trách nhiệm với đất nước và xã hội của những người làm thầy.

Nhấn mạnh điều này, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, người thầy dạy trò bằng nhân cách của chính mình nên phải là tấm gương mẫu mực thực hiện các đường lối chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước cũng như các nội quy quy chế của tổ chức cơ sở giáo dục.

Nhà giáo phải tự giác thực hiện các quy tắc đạo đức; tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao; luôn giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự, đạo đức nghề nghiệp; phải từ tâm, tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người học; tạo động lực, phát huy phẩm chất và năng lực của từng người học; phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu đối với người học…

pgs-tran-thanh-nam.jpg
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội.

Quản lý nhà nước về nhà giáo còn chồng chéo

PGS.TS Trần Thành Nam nhận định, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhà giáo đã được ban hành tương đối đầy đủ (khoảng 200 văn bản); nhưng lại thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau, đan xen giữa quản lý ngành, lĩnh vực và quản lý theo địa bàn, lãnh thổ, có sự phân chia cấp quản lý ở trung ương và địa phương. Điều này dẫn đến một số khó khăn nhất định khi tiếp cận hệ thống chính sách (đối với nhà giáo) cũng như trong sử dụng, quản lý nhà giáo.

Ví dụ, về chuyên ngành có Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức và phải đồng thời chịu sự chi phối của Luật Viên chức. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập thì áp dụng Bộ luật Lao động như những người lao động khác. Tùy từng cấp học, nhà giáo sẽ chịu sự tác động của Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo địa bàn, lãnh thổ nơi nhà giáo công tác.

Cùng với đó, một số hoạt động của nhà giáo lại chịu sự quản lý sâu bởi luật chuyên ngành, ví dụ: Luật Thi đua, khen thưởng; Bộ luật Lao động; Luật Bảo hiểm xã hội...

“Có thể nói, quản lý nhà nước về nhà giáo còn có sự chồng chéo, phân cấp, uỷ quyền trong quản lý nhà giáo còn dàn trải, thiếu tập trung vào một đầu mối. Vì không có quy định chung nên công tác quản lý còn tình trạng bỏ sót đối tượng nhà giáo, không phân biệt được nhà giáo với những người “tự xưng” là nhà giáo”.

Đưa nhận định trên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục cho rằng, những quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo đã xác lập được các quy định đối với nhà giáo ngoài công lập với đầy đủ tư cách, quyền, nghĩa vụ nhà giáo chứ không phải chỉ là người lao động theo cơ chế hợp đồng lao động.

Luật cũng giúp chuẩn hóa nhà giáo qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp. Các chính sách điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được quy định đầy đủ, làm căn cứ để bố trí, phân công nhà giáo phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp và các yêu cầu của ngành Giáo dục.

Nhà giáo được bảo vệ thông qua quyền và những điều không được làm đối với nhà giáo. Luật hóa chính sách về tiền lương và đãi ngộ nhà giáo. Thiết lập quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Thành Nam bày tỏ đáng tiếc khi không còn quy định về giấy phép hành nghề trong dự thảo Luật và cho rằng, để hành nghề dạy học thì phải có giấy phép hành nghề (dành cho cả những người hành nghề dạy học tự do không làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục), phù hợp với tiếp cận quản trị nguồn nhân lực giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.