Xây dựng Luật nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo

GD&TĐ - Chiều 29/10, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT lấy ý kiến về dự thảo Luật Nhà giáo.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các đơn vị, cục, vụ của Bộ GD&ĐT và lãnh đạo các sở GD&ĐT.

Tập trung tối đa nguồn lực nghiên cứu, soạn thảo, góp ý dự thảo Luật Nhà giáo

Nhấn mạnh Luật Nhà giáo là luật mới, khó, đối tượng rộng, tác động lớn, có nhiều chính sách quan trọng, liên quan đến nhiều luật, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tập trung tối đa lực lượng, khẩn trương, nghiêm túc triển khai các bước trong quy trình soạn thảo Luật Nhà giáo theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chia sẻ về quá trình xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo với những thay đổi về dung lượng, nội dung cho phù hợp với chỉ đạo, quan điểm mới về xây dựng luật của Quốc hội, Thứ trưởng thông tin, để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo, tọa đàm, các cuộc họp tham vấn chuyên gia trong và ngoài ngành; lấy ý kiến các Bộ, cơ quan, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ GD&ĐT và các Bộ, cơ quan, các sở GD&ĐT...

Quan điểm xuyên suốt là ban hành Luật Nhà giáo để thúc đấy phát triển đội ngũ nhà giáo, thu hút người có trình độ, tâm huyết vào nghề và “giữ chân” được đội ngũ nhà giáo cống hiến tâm huyết…

Cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV còn 9 chương, 50 điều so với bản lấy ý kiến trước đó là 9 chương, 71 điều, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: Nội dung của Luật không chỉ liên quan đến 1,6 triệu nhà giáo mà còn tác động tới sự phát triển đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

nth-1457.jpg
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị.

Báo cáo tổng quan tình hình xây dựng Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết: Sau khi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự án Luật Nhà giáo, Chính phủ đã có Tờ trình Quốc hội về dự án Luật Nhà giáo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Nhà giáo tại 2 phiên họp (phiên thứ 37 ngày 25/9/2024 và phiên thứ 38 ngày 8/10/2024).

Ngày 17/10/2024, được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hồ sơ dự án Luật Nhà giáo đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV.

Như vậy, với thời gian 15 tháng kể từ khi Chính phủ chính thức thông qua đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, 4 tháng kể từ khi Quốc hội có Nghị quyết chính thức bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ GD&ĐT (cơ quan thường trực Ban soạn thảo) đã tập trung tối đa các nguồn lực để nghiên cứu, soạn thảo, góp ý đối với dự thảo Luật Nhà giáo.

nth-1398.jpg
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục báo cáo tổng quan tình hình xây dựng Luật Nhà giáo.

Chính sách mới, đột phá để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo

Theo ông Vũ Minh Đức, tại các phiên họp cho ý kiến đối với dự án Luật Nhà giáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặt ra yêu cầu xây dựng Luật trong bối cảnh hiện nay: Đảm bảo “ngắn gọn”; không quy định lại các vấn đề đã được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành; chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, giao Chính phủ, các bộ, ngành theo thẩm quyền quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Đối với đội ngũ nhà giáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định: nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức đặc biệt. Theo đó nhà giáo công lập vẫn là viên chức, thực hiện các quy định của Luật viên chức (tuyển dụng, sử dụng, quản lý, hệ thống thang bảng lương…) và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời chịu sự điều chỉnh của các quy định đặc thù đối với nhà giáo tại Luật này.

Nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài là người lao động đặc biệt, áp dụng theo quy định của Bộ luật Lao động và thêm những quy định đặc thù của nhà giáo tại luật này. Các quy định đặc thù đối với nhà giáo được tính toán, thiết kế tại dự thảo Luật Nhà giáo theo định hướng “điều gì tốt hơn cho nhà giáo thì ủng hộ”.

nth-1441.jpg
Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại hội nghị.

Từ các quan điểm chỉ đạo nêu trên, dự thảo Luật Nhà giáo qua các phiên bản đã có sự điều chỉnh theo hướng ngắn gọn, thống nhất với Luật Viên chức và Bộ Luật Lao động trong một số quy định, đồng thời thiết kế các nội dung chính sách riêng cho nhà giáo.

Luật Nhà giáo kiến tạo một số chính sách mới, chính sách đột phá để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo, giúp nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến với nghề; đảm bảo sự thống nhất trong quản lý nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo, lấy đó làm yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.

Một số điểm mới về chính sách đối với nhà giáo tại dự thảo Luật Nhà giáo được ông Vũ Minh Đức chia sẻ bao gồm: Lần đầu tiên xác lập các quy định đối với nhà giáo ngoài công lập; nhà giáo được chuẩn hóa thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp; chính sách tuyển dụng, sử dụng gắn với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Cùng với đó là điểm mới về chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo; về chính sách tiền lương và đãi ngộ.

Với nội dung quản lý nhà nước về nhà giáo, giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao. Các cơ quan quản lý giáo dục dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo.

nth-1483.jpg
Bà Lê Thị Thanh Xuân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, Phó Trưởng Đoàn đại biểu chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk.

Xây dựng Luật để phát triển lực lượng nhà giáo

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở GD&ĐT đã có những ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Nhà giáo; trong đó đặc biệt quan tâm đến một số nội dung chính sách lớn như tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo…

Khẳng định Luật Nhà giáo là công cụ quan trọng, căn cứ pháp lý để phát triển lực lượng nhà giáo, “bệ đỡ” về luật pháp để lo cho lực lượng đông đảo này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ quan điểm, nguyên tắc trụ cột được Ban soạn thảo, Lãnh đạo Bộ GD&ĐT thống nhất: xây dựng Luật để phát triển lực lượng nhà giáo.

Quá trình đổi mới giáo dục đại học và giáo dục phổ thông cho thấy vai trò quan trọng có tính quyết định của lực lượng nhà giáo. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng cho biết, đổi mới giáo dục chuyển mạnh từ quản lý hành chính sang quản lý về mặt chuyên môn. Do đó, câu chuyện quản lý nguồn lực quan trọng nhất của ngành là quản lý nhà giáo cũng phải chuyển tư duy từ quản lý hành chính sang quản lý bằng chuyên môn và bằng chất lượng.

Cách ứng xử của các luật như hiện nay là một điểm nghẽn vì loại đi gần hết các yếu tố đặc thù về chuyên môn của ngành. Nên phải cố gắng có được sự thay đổi mô thức, cách quản lý, làm sao phát huy được cao nhất lực lượng nhà giáo, nhờ thế nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới giáo dục theo chiều sâu.

nth-1536.jpg
Ông Trần Văn Thức, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị.

Đặc biệt nhấn mạnh đến nội dung quản lý nhà nước về nhà giáo, trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong quản lý nhà giáo, Bộ trưởng dẫn lại nội dung trong Kết luận số 91- KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW: “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo trong việc quyết định biên chế, tổ chức bộ máy, chính sách đối với nhà giáo và phân bổ ngân sách nhà nước cho ngành Giáo dục”.

Đánh giá cao tinh thần vào cuộc của Lãnh đạo các sở GD&ĐT trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời mong mỏi Lãnh đạo các sở GD&ĐT phải là người nghiên cứu, hiểu rất sâu về Luật Nhà giáo; cùng thống nhất ở tinh thần, định hướng, triết lý; lan tỏa tinh thần của Luật; tiếp tục có những góp ý thật cụ thể, chi tiết cho Luật Nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.