Đặc thù nghề nghiệp đòi hỏi điều chỉnh quy định pháp lý với nhà giáo

GD&TĐ - Yêu cầu đặc thù nghề nghiệp đòi hỏi phải có những điều chỉnh phù hợp hơn về pháp lý trong quy định đối với nhà giáo.

Giáo viên Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp).
Giáo viên Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp).

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội chia sẻ điều này khi góp ý cho dự thảo Luật Nhà giáo.

Bức thiết xây dựng hành lang pháp lý để phát triển nhà giáo

- Theo PGS, hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có đặc thù như thế nào so với ngành/lĩnh vực khác?

Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có những đặc trưng riêng biệt so với viên chức ở các ngành, lĩnh vực khác; vì sản phẩm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo là phẩm chất, năng lực của người học.

Nhà giáo giúp người học phát triển toàn diện thông qua dạy học, tổ chức, hướng dẫn, tư vấn việc tìm kiếm tri thức, sản sinh tri thức, rèn luyện phẩm chất, năng lực và làm gương cho người học.

Nhà giáo có sứ mệnh cao cả là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, góp phần vào khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sự khác biệt này khiến nhà giáo được xã hội đòi hỏi cao về đạo đức và nhân cách, về tính sáng tạo, tính chuyên nghiệp.

Với mục tiêu tôn trọng sự khác biệt để phát triển con người toàn diện, nhà giáo còn đòi hỏi phải tích lũy và cập nhật tri thức mới liên tục; linh hoạt trong vận dụng những phương pháp dạy học hiện đại phù hợp với độ tuổi, khả năng, nhu cầu, phong cách học tập của người học.

Trong bối cảnh hiện nay, người thầy không chỉ là một người dạy mà phải trở thành một nhà giáo dục, một nhà tâm lý, một huấn luyện viên, một người dẫn dắt có khả năng tạo động lực và truyền cảm hứng cho mọi đối tượng.

Yêu cầu đặc thù nghề nghiệp như vậy đòi hỏi phải có những điều chỉnh phù hợp hơn về pháp lý trong quy định áp dụng đối với nhà giáo. Bức thiết cần xây dựng một môi trường làm việc và hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, nhằm giúp nhà giáo yên tâm công tác, phát huy sáng tạo và cống hiến trong một không gian văn hóa được tôn vinh, trân trọng và nhận được sự phối hợp hỗ trợ từ toàn xã hội.

- Với đặc điểm đặc thù này, sẽ dẫn đến hạn chế, bất cập gì nếu quản lý nhà giáo theo Luật viên chức (với nhà giáo công lập), Luật Lao động (với nhà giáo ngoài công lập)?

Đến thời điểm hiện tại, nhà giáo công lập là người Việt Nam được tuyển vào viên chức thực hiện các quy định của Luật viên chức (tuyển dụng, sử dụng, quản lý, hệ thống thang bảng lương…) và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời chịu sự điều chỉnh của các quy định đặc thù đối với nhà giáo tại Luật này.

Còn khoảng 10% đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở giáo dục ngoài công lập, bao gồm cả nhà giáo là người nước ngoài được áp dụng theo quy định của Bộ luật Lao động.

Như vậy, vẫn có rất nhiều sự phân biệt giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập từ khâu tuyển dụng, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng, quản lý nguồn lực.

Luật Nhà giáo khi ra đời sẽ thống nhất các quy định chung cho nhà giáo. Nhà giáo ngoài công lập sẽ được ứng xử công bằng chứ không chỉ là một người lao động làm theo cơ chế hợp đồng lao động nữa. Nhà giáo trên cả nước sẽ được chuẩn hóa thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp.

Trên cơ sở đồng thuận với Luật Viên chức và Luật Lao Động, Luật Nhà giáo cũng sẽ kiến tạo thêm các chính sách mới đột phá để thu hút người tài, bảo vệ nhà giáo, nâng cao đãi ngộ, đào tạo bồi dưỡng phát triển đội ngũ, quản lý nguồn nhân lực theo hướng chuẩn hóa hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.

pgs-tran-thanh-nam.jpg
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội.

Quan tâm chính sách tôn vinh, đãi ngộ

- Cũng từ đặc thù nghề nghiệp, cần có quy định như thế nào về chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng đối với nhà giáo?

Với vai trò, vị thế nghề nghiệp đặc thù, cần thiết phải luật hóa việc “ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp” đối với nhà giáo như tinh thần Nghị quyết số 29.

Ngoài ra, cần có chế độ ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác đối với nhà giáo cấp học mầm non; công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; thực hiện giáo dục hòa nhập; là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù…

Luật đang đề nghị nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở vùng khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy trẻ khuyết tật, nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số, nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật.

Chính sách hỗ trợ nhà giáo gồm: nhà ở, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo.

Ngoài ra, cần có chính sách thu hút đối với người có tài năng để trở thành nhà giáo. Nhà nước có chính sách thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ. Các chính sách thu hút nhà giáo gồm: chính sách ưu tiên tuyển dụng, vay mua nhà ở, chế độ phụ cấp và trợ cấp thu hút, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và các chế độ khác cho nhà giáo.

Về việc tôn vinh nhà giáo, cần đúng người, đúng việc, đúng thành tích, tập trung cho nhà giáo trực tiếp đứng lớp, người lao động trực tiếp có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp công tác đem lại hiệu quả cao, các tập thể, cá nhân ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên trên thực tế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa được thụ hưởng đúng với những quyền lợi mà các nhà giáo có quyền được thụ hưởng vì việc xét duyệt thi đua các địa phương chủ yếu xem xét tới đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Trong những năm qua, mặc dầu khối lượng công việc của ngành Giáo dục tăng lên gấp nhiều lần nhưng tỷ lệ nhà giáo được tặng bằng khen của Bộ, Chính phủ hay phong tặng các danh hiệu cao quý chưa tăng tương xứng.

Điều kiện xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT chưa thực sự phù hợp với giảng viên dạy thực hành (ví dụ trong ngành Khoa học sức khỏe). Quy định tỷ lệ chiến sỹ thi đua cấp cơ sở không quá 15% trên tổng số cá nhân đạt danh hiệu tiên tiến khiến nhiều nhà giáo không thực sự nỗ lực thi đua.

Cũng sẽ cần nghĩ đến việc thành lập quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của nhà giáo không lấy nguồn từ kinh phí nhà nước, hoạt động không vì lợi nhuận dùng để hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; hỗ trợ nhà giáo và thân nhân nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn; khen thưởng, tôn vinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.