Giải bài toán nguồn nhân lực ngành Logistics

GD&TĐ - Ngành Logistics Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 12 - 14%/năm, cao gần gấp đôi so với mức chung của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cung cấp cho ngành này đang khan hiếm.

Học sinh xem thông tin về ngành nghề xét tuyển vào đại học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: INT
Học sinh xem thông tin về ngành nghề xét tuyển vào đại học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: INT

Sức hấp dẫn của ngành Logistics

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu lao động và thông tin thị trường lao động TPHCM, hiện có ít nhất 300.000 doanh nghiệp trong cả nước tham gia vào lĩnh vực Logistics, với khoảng 1,5 triệu người lao động làm nghề, trong đó, TPHCM chiếm khoảng 40%. 

Nhu cầu tuyển dụng của ngành này trong những tháng cuối năm 2020 tăng đột biến tới 46%, đứng đầu về nhu cầu tuyển dụng trong các ngành nghề tại TPHCM. Các doanh nghiệp cần nhiều lao động ở các vị trí như nhân viên chứng từ – thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, thu mua, điều hành – quản lý kho… Đồng thời, cần nhiều công nhân kỹ thuật lành nghề ở vị trí như: Lái xe các phương tiện vận tải nặng, phụ kho, nhân viên giao hàng.

Từ nay đến năm 2025, các nhóm ngành kinh tế trong đó có Logistics ở TPHCM có nhu cầu từ 25.000 - 30.000 lao động. Ngành Logistics vì thế được dự báo sẽ phát triển mạnh và tiếp tục cần nhiều nhân lực trong những năm tới. Mức thu nhập của ngành này cũng cao hơn mặt bằng chung, song nguồn cung cấp lao động mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu.

Theo công bố của Công ty TNHH Robert Walters Việt Nam, mức lương của những người làm trong lĩnh vực Logistics hiện nay khá cao và không ngừng tăng lên, do nguồn nhân lực đang thiếu và nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của Logistics ngày càng cao.

Sinh viên ngành Logistics Trường ĐH Hồng Bàng thiết kế mô hình vận chuyển hàng hóa tự động sau chuyến đi thực tế.
Sinh viên ngành Logistics Trường ĐH Hồng Bàng thiết kế mô hình vận chuyển hàng hóa tự động sau chuyến đi thực tế. 

Còn theo số liệu công bố của First Alliances - Công ty tư vấn nhân sự lớn nhất tại Việt Nam, mức lương trung bình của nhân lực Logistics tại TPHCM ở vị trí nhân viên dao động từ 500 USD - 1.500 USD và cấp quản trị từ 800 - 5.000 USD mỗi tháng.

Đánh giá về ngành Logistics, TS Lê Trung Đạo - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing TPHCM khẳng định: Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển dịch vụ Logistics nhờ trao đổi thương mại toàn cầu gia tăng cùng với hội nhập kinh tế quốc tế thông qua ký kết thành công các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Bên cạnh đó, vị trí địa lý của Việt Nam thích hợp để xây dựng các trung tâm trung chuyển của khu vực Đông Nam Á. 

Đặc biệt, cơ sở hạ tầng Logistics như kho bãi, đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không... sẽ tiếp tục được cải thiện. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), số người được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5 - 7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này. Trong khi đó, dự báo đến năm 2030, nhu cầu nhân lực của ngành Logistics lên đến 2,2 triệu lao động. Đây là một thách thức lớn với các trường đã và đang đào tạo nguồn nhân lực ngành Logistics. 

Một hội thảo về nâng cao chất lượng nhân lực ngành Logistics.
Một hội thảo về nâng cao chất lượng nhân lực ngành Logistics. 

Chuẩn hóa nguồn nhân lực

Theo thống kê sơ bộ, trong số 286 trường đại học trên cả nước  có 32 trường đại học tuyển sinh và đào tạo ngành hoặc chuyên ngành Logistics. Bên cạnh đó, có gần 40 trường cao đẳng và trung cấp đào tạo nghề Logistics... Ngoài ra, một số tổ chức phi chính phủ, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp cũng tham gia cung cấp các khóa học ngắn hạn về Logistics, nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho nhân lực... Tuy nhiên, vấn đề chất lượng nhân lực vẫn là điều đáng bàn. 

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM về chất lượng nguồn nhân lực Logistics, ở Việt Nam, nhân lực ngành này chủ yếu được lấy từ các đại lý vận tải biển. Có 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về Logistics; 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên.

Các số liệu nghiên cứu này cho thấy, nguồn nhân lực Logistics của nước ta không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Điều này rất không hợp lý với một ngành dịch vụ có quy mô lên đến 22 tỷ USD, chiếm 20,9% GDP của cả nước, tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 20 – 25%.

PGS.TS Hà Thị Ngọc Oanh - Trưởng bộ môn Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Hoa Sen TPHCM cho rằng: Thương mại càng phát triển, Logistics cũng phát triển theo. Vì người kinh doanh dịch vụ Logistics có thể cung cấp dịch vụ trọn gói từ cung ứng nguyên vật liệu, phục vụ sản xuất kinh doanh tới lưu kho - lưu bãi cho tới vận tải - giao nhận hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, trong quá trình đào tạo chuyên ngành dịch vụ Logistics và chuỗi cung ứng, sinh viên cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các nội dung này.

Nhìn nhận thực trạng trên, ông Nguyễn Thái Việt - Công ty TNHH CSL Logistics (TPHCM) cho biết: Nhu cầu nhân lực ngành Logistics hiện đang rất khan hiếm. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực thật sự hòa nhập, làm việc và lĩnh hội ngay các đặc tính của ngành nghề chưa nhiều. Sinh viên còn yếu từ ngoại ngữ cho đến kỹ năng nên sau tuyển dụng gần như đơn vị phải mất một thời gian để đào tạo lại.

Để định hình và xây dựng được những kỹ năng thực chiến cho sinh viên ngành Logistics, theo ThS Nguyễn Thị Trúc Phương - Trưởng khoa Quản trị - Kinh doanh, Trường CĐ Kinh tế TPHCM, các trường phải kết nối thật tốt với doanh nghiệp chuyên về Logistics, từ đó “thả” sinh viên của mình vào trải nghiệm thực tế.

Với chuyên ngành Logistics, việc sinh viên được làm quen, thực hành trên thiết bị hiện đại liên quan đến chuyên ngành rất cần thiết. Vì thế, việc đi tham quan, thực hành tại doanh nghiệp và được doanh nghiệp trực tiếp tham gia đánh giá các kỹ năng thực hành của sinh viên là giải pháp cần tiếp tục được đẩy mạnh, để không còn khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng lao động. Quan trọng hơn từ chính môi trường làm việc, các em được trang bị kỹ năng và kinh nghiệm. - ThS Nguyễn Thị Trúc Phương 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ