Chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu lao động
Logistics trên thế giới được xác định là một ngành công nghiệp dịch vụ. Tại Việt Nam, các chuyên gia tính toán, hàng năm các doanh nghiệp phải tiêu tốn chi phí tương đương 25% GDP cho dịch vụ logistics.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM về chất lượng nguồn nhân lực logistics, hiện ở Việt Nam, nhân lực ngành này chủ yếu được lấy từ các đại lý vận tải biển. Có 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics, 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên.
Hiện có tới 80,26% nhân viên trong các doanh nghiệp logistics được đào tạo thông qua các công việc hàng ngày, 23,6% nhân viên tham gia các khóa đào tạo trong nước, 6,9% nhân viên được các chuyên gia nước ngoài đào tạo, chỉ có 3,9% được tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài.
Các số liệu nghiên cứu này đã cho thấy, nguồn nhân lực logistics của nước ta không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng, điều này rất không hợp lý với một ngành dịch vụ có quy mô lên đến 22 tỷ USD, chiếm 20,9% GDP của cả nước, tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 20 - 25%.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu lao động và thông tin thị trường lao động TP HCM, hiện có ít nhất 300.000 doanh nghiệp trong cả nước tham gia vào lĩnh vực logistics, với khoảng 1,5 triệu người lao động làm nghề logistics. Trong đó, TPHCM chiếm khoảng 40%. Nhu cầu tuyển dụng của ngành này, trong những tháng cuối năm 2015, tăng đột biến tới 66%, đứng đầu về nhu cầu tuyển dụng trong các ngành nghề tại TPHCM. Các doanh nghiệp cần nhiều lao động ở các vị trí như nhân viên chứng từ - thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, thu mua, điều hành - quản lý kho… Đồng thời, cần nhiều công nhân kỹ thuật lành nghề ở các vị trí như: Lái xe các phương tiện vận tải nặng, phụ kho, nhân viên giao hàng.
Từ nay đến năm 2020, các nhóm ngành kinh tế trong đó có logistics ở TPHCM có nhu cầu đến 25.000 lao động. Ngành logistics là xu hướng phát triển, tiếp tục cần nhiều nhân lực trong những năm tới. Mức thu nhập của ngành này cũng cao hơn mặt bằng chung song nguồn cung cấp lao động mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu.
Cơ hội cho lao động trẻ
Do nguồn nhân lực logistics cung cấp cho thị trường lao động đang thiếu trầm trọng, cùng với sự thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về vai trò logistics, nên những người được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp. Thu nhập của họ cũng luôn ở nhóm cao trong xã hội, các nhân viên logistics thường có mức lương khởi điểm từ 6 - 7 triệu/tháng, các vị trí quản lý, lãnh đạo có thể đạt đến mức lương vài nghìn USD/tháng.
Trước thực trạng khan hiếm, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics đang trở nên hết sức cấp thiết. Hiện nay, chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề trong ngành này được thực hiện ở ba cấp độ: Đào tạo tại các cơ sở đào tạo chính qui; đào tạo theo chương trình của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics (VLA) hoặc các trung tâm nghiên cứu, đào tạo về logistics hoặc các chương trình phối hợp giữa Chính phủ Việt Nam với các chính phủ, tổ chức tư vấn; đào tạo trong nội bộ doanh nghiệp...
Với mục tiêu phát triển mạnh nguồn nhân lực ngành logistics ở Việt Nam trong thời gian tới, cơ hội và khả năng thành công đối với các sinh viên ngành logistics cũng được đánh giá là sẽ cao hơn, đặc biệt đối với các sinh viên được đào tạo bài bản, có ý thức chuyên nghiệp, được làm việc thực tế trong các doanh nghiệp.