Thiếu giáo dục phản biện: Không biết "cãi" đúng

GD&TĐ - Tình trạng bạo lực tinh thần, thể chất giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh vẫn xảy ra trong môi trường học đường.

Cô trò Trường THCS Khương Thượng (Hà Nội). Ảnh: Thế Đại
Cô trò Trường THCS Khương Thượng (Hà Nội). Ảnh: Thế Đại

Đằng sau sự bất bình của xã hội là nỗi lo lắng bởi vẫn còn học sinh thiếu kiến thức, kĩ năng phòng vệ, không biết cách phản biện hoặc thoát khỏi sự việc đáng tiếc.

Chỉ biết “vâng, dạ”

Thực tế cho thấy, còn không ít học sinh rơi vào tình huống bị bạo hành, hiểu sai, ứng xử chưa đúng mực… nhưng vẫn âm thầm chịu đựng, không biết cách phản vệ. Điển hình từng có giáo viên buộc nhiều học sinh trong lớp tát phạt một học sinh 230 cái. Đây là hành động bạo lực, vi phạm pháp luật nhưng từ học sinh buộc phải thực hiện hành vi đến học sinh phải hứng chịu đều không dám lên tiếng, hoặc có phản ứng cần thiết thoát ra khỏi tình huống.

Mới đây, Phó Hiệu trưởng một trường THPT phát hiện 6 học sinh lớp 12 cầm thức ăn vào lớp nên đã yêu cầu các em mang ra ngoài sân ăn. 2 học sinh quẳng thức ăn vào thùng rác vẫn bị yêu cầu nhặt lại ăn. Cả 2 em đã ăn lại đồ ăn vừa vứt theo ý người thầy.

Từ những sự việc điển hình như trên, xã hội đặt câu hỏi: Liệu học sinh đang quá “hiền”, thụ động hay thiếu kĩ năng phản biện? Không còn biết tới quyền công dân, không có bản năng phản kháng bảo vệ bản thân dù đúng và chấp nhận rơi vào tình thế có hại cho tinh thần, sức khỏe. Và hơn thế, vấn đề giáo dục kĩ năng phản biện, thoát hiểm trong các trường học vẫn bị xem nhẹ, cần được quan tâm nhiều hơn nữa bên cạnh kiến thức.

Tại Trường TH Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội), tất cả các lớp học đều được đặt hộp thư riêng để giúp học sinh dám bày tỏ suy nghĩ, mong muốn. Điều đó không chỉ giúp trường sàng lọc thông tin chuẩn xác mà còn được lắng nghe ý kiến học trò với những vấn đề mà các em quan tâm. Hòm thư dân chủ còn là phương tiện để học sinh thể hiện sự phản biện với sự việc mà các em cần lên tiếng, phản ánh. Trên cơ sở đó, nhà trường rút ra những nội dung cần điều chỉnh trong giáo dục để phù hợp với học trò, nâng cao hiệu quả giáo dục phản biện.

Không chỉ thế, trong các giờ sinh hoạt ngoại khóa hàng tuần, trường luôn khuyến khích, tạo điều kiện để học sinh nói lên suy nghĩ mình, mong muốn về các vấn đề trường lớp với ban giám hiệu. Ví như học sinh có thể phản ánh về chất lượng bữa ăn bán trú, ứng xử của thầy cô với học trò; bạn bè với nhau; việc làm lời nói của cô nuôi, bảo vệ, vệ sinh trường lớp…

Thầy Phùng Thế Tùng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai) chia sẻ: Những sự việc vi phạm tinh thần, thể chất từ thầy cô với học trò, học trò với học trò là những hiện tượng cá biệt trong giáo dục. Song cũng chỉ ra “lỗ hổng” trong việc giáo phản biện, ứng xử linh hoạt các tình huống liên quan tới bản thân học sinh mà nhà trường, thầy cô cần quan tâm, lồng ghép vào các tiết học để giáo dục hiệu quả hơn.

Đặc biệt, với học sinh dân tộc vùng cao, các em rất ngoan, lành tính, thậm chí có phần thụ động, nhẫn nhịn thì giáo dục phản biện càng cần thiết. Theo thầy Tùng, sau những sự việc bạo lực tinh thần, thể chất học đường, Ban giám hiệu, phụ trách Đội… thường lấy lại tình huống để lồng ghép vào giờ sinh hoạt toàn trường hoặc trên lớp để giáo dục các em. Các thầy cô đặt học sinh vào trường hợp cụ thể để biết được cách phản ứng, xử lý, sự hiểu biết của học sinh ra sao… từ đó tăng cường kiến thức, kĩ năng phản biện đúng và trúng.

Cô giáo Nguyễn Hồng Hải, Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, việc bắt học sinh nhặt và ăn lại đồ đã vứt vào thùng rác (nếu đúng) là đáng quan ngại bởi những học sinh này đã ở lứa tuổi THPT, không còn nhỏ, lẽ ra các em phải có ít nhiều kĩ năng phản biện, biết giải thích phản ứng phù hợp để bản thân thoát khỏi tình huống đáng tiếc.

Ở lứa tuổi này, các em cũng không còn nhút nhát, rụt rè đến nỗi chỉ biết chấp hành mệnh lệnh. Có chăng là các em đang “trống” kĩ năng phản biện, ứng xử phù hợp trước các tình huống phát sinh tại trường lớp. Cô Hải cũng cho rằng giáo dục phản biện ở lứa tuổi nào đối với học sinh cũng luôn cần thiết, quan trọng bởi các tình huống bất ngờ trong môi trường học đường không chỉ có một hay vài, cũng không khi nào dừng lại.

Và đáng quan tâm, giáo dục tư duy phản biện cho học trò đã được nhiều nhà trường, giáo viên có ý thức triển khai song hiệu quả còn hạn chế bởi kĩ năng, kiến thức của đội ngũ nhà giáo đôi khi chưa đầy đủ. Thậm chí, nhiều giáo viên là sản phẩm của giáo dục một chiều, thiếu sự đầu tư, tu dưỡng làm mới kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp. 

Giáo dục toàn diện

TS chuyên ngành Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh (Giám đốc Học viện Thành Công) khẳng định, giáo dục tư duy, kĩ năng phản biện cho học sinh trong bối cảnh đổi mới giáo dục vô cùng cần thiết. Đó sẽ là điều kiện tiên quyết giúp các em có lối sống đúng đắn, không bị ảnh hưởng, lệch lạc trước những biến động cuộc sống. Đặc biệt, khi rơi vào những tình huống đáng tiếc, bị xâm phạm về tinh thần, sức khỏe các em có kĩ năng và biết cách thoát hiểm.

TS Vũ Việt Anh cho rằng, một số vụ việc phi giáo dục trong trường học thời gian qua cũng cảnh báo hậu quả của việc giáo dục áp đặt, giáo điều từ gia đình và nhà trường. Cha mẹ luôn đúng, thầy cô luôn đúng, giáo dục chỉ tập trung vào kiến thức, thành tích mà quên đi sự phát triển toàn diện về tự do, về quyền con người, nhân cách, đạo đức và tinh thần… Tất cả những điều đó đã dẫn tới việc học sinh bị biến thành “cỗ máy”, chỉ biết học tập, nghe lời và phục tùng, “trống” hoàn toàn kĩ năng, tư duy phản biện, thoát hiểm…

NGƯT Nguyễn Hoàng Vân, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình) khẳng định, trong giáo dục hiện đại, thầy cô cần biết và nên khuyến khích phản biện từ học trò. Bởi không phải thầy cô luôn đúng, luôn giỏi hơn học trò. Biết chấp nhận phản biện từ học trò, thầy cô cũng học hỏi được nhiều điều từ kiến thức tới những kĩ năng trong cuộc sống của các em. Phản biện trong giáo dục cũng giúp thầy trò gần gũi, và tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả nhất...

Theo cô Vân, trang bị kỹ năng phản biện không hề phức tạp và không nên chỉ là nhiệm vụ của nhà trường, thầy cô. Phụ huynh hoàn toàn có thể giáo dục, hướng dẫn tư duy phản biện cho con mình từ gia đình. Để làm được điều đó,bố mẹ không được áp đặt tư duy của mình lên trẻ, hoặc đáp ứng nhu cầu của con một cách dễ dàng. Thay vào đó hãy đặt ra cho con những tình huống con hoàn toàn có thể gặp phải như: Bị xâm hại tinh thần, sức khỏe, gặp nguy hiểm, bị hiểu nhầm… khi ra ngoài xã hội, nhà trường để xem con xử lý ra sao?

Hãy dạy con biết “cãi” một cách đúng đắn, có kĩ năng phản biện trước những tình huống của cuộc sống thay vì biến con thành những đứa trẻ thụ động, chỉ biết vâng lời, bảo sao làm vậy...

“Đổi mới giáo dục đòi hỏi học sinh phải được giáo dục toàn diện trong đó có tư duy phản biện. Những hoạt động, việc làm như vậy tại trường chỉ là bước đầu để hình thành trong học trò kĩ năng, kiến thức phản biện nhưng lại vô cùng quan trọng để giúp các em biết phản biện đúng cách, có kĩ năng thoát khỏi tình huống không mong muốn. Vấn đề giáo dục này cần cả quá trình dài và nhất định không thể thiếu phối hợp của gia đình…”. - Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc (Hiệu trưởng Trường TH Phan Đình Giót - Thanh Xuân, Hà Nội) 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ