Hiểu sâu hơn về thiết kế đồ họa
Công việc của một chuyên viên thiết kế đồ họa (graphic designer) là sử dụng máy tính để thực hiện những sản phẩm liên quan đến đồ họa, hình ảnh, mang tính ứng dụng mỹ thuật… Ngày nay, ngành này ứng dụng rất rộng rãi. Bất cứ lĩnh vực nào trong cuộc sống cũng có bàn tay của thiết kế đồ họa.
Từ bao bì sản phẩm, báo, tạp chí, poster, biểu ngữ, tờ bướm, tập san, đến các giao diện website, phim ảnh, tất cả đều cầu đến bàn tay khéo léo và khối óc tinh tế của chuyên viên. Vì vậy, nhiều người ví von bàn tay của chuyên viên thiết kế đồ họa là bàn tay “phù thủy”, có khả năng biến hóa mọi thứ. Đặc biệt, trước sự phát triển với tốc độ vũ bão của các thiết bị di động cá nhân như máy tính bảng, điện thoại thông minh và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự bùng nổ của quảng cáo, truyền thông đã tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp đầy hấp dẫn cho những bạn trẻ chọn nghề này.
Hiện nay, một chuyên viên thiết kế đồ họa với kiến thức và kỹ năng chuyên môn có thể tìm được việc làm đúng ngành ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ thường làm những công việc như thiết kế website, thiết kế nhận diện thương hiệu, thiết kế phim ảnh - báo chí… Nếu bạn là người đam mê sáng tạo và có nhiều ý tưởng đột phá, yêu thích truyền thông đa phương tiện, thích chụp ảnh, xem truyện tranh, phim hoạt hình và công nghệ mới, thì nghề thiết kế đồ họa là sự lựa chọn lý tưởng dành cho bạn.
Bạn được gì khi theo ngành thiết kế đồ họa
- Không sợ thất nghiệp: Bất cứ sản phẩm in ấn quảng cáo nào đều cần thiết kế, các sản phẩm giải trí, sự kiện lại càng đòi hỏi thiết kế đẹp để thu hút khách hàng, kinh tế càng khó khăn, cạnh tranh càng khốc liệt lại càng cần quảng cáo ấn tượng…
Do vậy, designer không thiếu việc để làm. Các yêu cầu thiết kế ngày càng tăng cao và có sự phân cấp, mức thấp chỉ đòi hỏi đảm bảo nội dung, ưa nhìn, ở mức cao đòi hỏi sự sáng tạo và ấn tượng. Tùy thuộc trình độ, kinh nghiệm, thời điểm làm việc mà các bạn trẻ có thể lựa chọn công việc cho bản thân mình.
Làm cộng tác viên chỉnh sửa ảnh, học việc thiết kế tại các công ty, nhà in, vừa đi làm học hỏi, vừa bổ sung kinh nghiệm, đến lúc hoàn thành chương trình học cũng là lúc đi làm fulltime, làm tại các công ty chuyên sâu về thiết kế. Đó là con đường khá phổ biến của các bạn trẻ theo học ngành thiết kế đồ họa. Sau một thời gian tạo dựng được uy tín, các yêu cầu thiết kế, các đối tác làm việc sẽ tăng rất nhanh.
- Thu nhập tốt: Thu nhập trong ngành thiết kế đồ họa rơi vào khoảng 6 triệu đồng/tháng. So với các ngành nghề khác, mức thu nhập này thuộc mức tốt và nằm trong tầm tay. Chỉ cần có năng khiếu, sáng tạo và sự cần cù, cầu tiến là bạn có thể tự kiếm được việc làm. Một designer ngoài công việc tại công ty thường nhận thêm các công việc, dự án ngoài làm thêm tại nhà như thiết kế website, thiết kế logo, nhận diện thương hiệu… Những công việc này mang lại nguồn thu nhập đáng kể so với lương “cứng”. Đối với những người có khả năng sáng tạo thì mức thu nhập càng cao, thậm chí không có giới hạn.
- Công việc không nhàm chán: Thuộc ngành công nghiệp sáng tạo, ngành thiết kế đồ họa đòi hỏi chất xám, đầu tư trí tuệ. Mỗi yêu cầu thiết kế đòi hỏi một cách thức thể hiện, nội dung khác nhau, không có chuyện lặp đi lặp lại một thiết kế cho các sản phẩm. Điều này đồng nghĩa với designer luôn phải tìm tòi, tạo ra những hình ảnh mới bắt mắt, ý nghĩa. Mỗi một sản phẩm thiết kế được hoàn thành, được công chúng đón nhận là chính là niềm vui của designer.
- Thời gian làm việc linh hoạt: Điều quan trọng nhất đối với designer là sản phẩm thiết kế chứ không phải thời gian chôn chân tại văn phòng, vậy nên bạn có thể chơi dài cả tuần, đi sớm về muộn, làm việc tại quán cafe…miễn là giao thiết kế đúng deadline và đảm bảo chất lượng.
- Khả năng thăng tiến cao: Trong ngành Thiết kế đồ họa, năng lực mới là yếu tố quyết định vị trí chứ không phải tuổi tác. Nếu bạn là người năng động, cầu tiến, sáng tạo, có khả năng quản lý và làm việc nhóm, có rất nhiều cơ hội để bạn thăng tiến. Bắt đầu có thể là người thiết kế tự do hay trợ lý thiết kế, nhưng trong quá trình làm việc bạn có thể trở thành trưởng nhóm dự án rồi giám đốc nghệ thuật, giám đốc sáng tạo hay cao hơn nữa.
- Dễ nổi tiếng: Với lợi thế sẵn có về công cụ, cách thể hiện sinh động, những nội dung mang vấn đề xã hội đều được các designer thể hiện thành các sản phẩm xem, nghe, nhìn độc đáo, được công chúng hưởng ứng và lan truyền nhanh chóng trên mạng. Đó có thể là mẩu truyện tranh, phim ngắn, phim hoạt hình hay các hình vẽ ngộ nghĩnh.
Nghề không cần năng khiếu?
Để trả lời cho câu hỏi này của rất nhiều bạn học sinh- sinh viên muốn và đang theo học ngành nghề thiết kế đồ họa, người trong ngành nhận định, trước hết chúng ta cần đồng ý với những chuyên gia đi trước rằng, năng khiếu và tài năng là một lợi thế của mỗi cá nhân, nhưng không phải là điểm quyết định. Điều quyết định chính là sự nhiệt huyết, sự quyết tâm và niềm đam mê lao động.