Với khả năng “hỏi - đáp”, ChatGPT đã khiến nhiều người quan ngại khi mà người học có thể sẽ sử dụng nó để làm bài tập, thậm chí là luận văn tốt nghiệp. Đây thực sự là thách thức với ngành Giáo dục.
Sau hơn hai tháng ra mắt, ChatGPT đã cán mốc trên 100 triệu người dùng và trở thành phần mềm phát triển nhanh nhất mọi thời đại. Con số này dự kiến sẽ còn tăng lên theo “cấp số nhân”.
Cũng như trước đây, với sự xuất hiện của “ông lớn” Google, nhiều người lo ngại vai trò của người thầy sẽ bị lấn lướt. Song, từ đó đến nay chúng ta đã thích ứng và sống chung hòa thuận với “thầy giáo Google”; thậm chí còn làm chủ và sử dụng Google để phục vụ cho dạy - học, nâng cao chất lượng giáo dục.
Với ChatGPT, dù được ví như “cơn sóng thần” tác động đến nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành Giáo dục, nhưng không vì thế mà chúng ta cấm người học sử dụng. Thay vào đó, cần thích ứng và sống chung hòa thuận với ChatGPT. Muốn vậy, cần tìm hiểu, phân tích thấu đáo về những ưu, nhược điểm của ứng dụng này. Từ đó, hướng dẫn người học sử dụng một cách thông minh.
Thẳng thắn mà nói, chúng ta không thể ngăn chặn trí tuệ nhân tạo. Còn nếu sợ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật để kìm hãm, nghĩa là chúng ta có xu hướng lạc hậu. Tất nhiên, không có công cụ nào là vạn năng và mọi hệ thống đều có lỗ hổng.
ChatGPT có thể trả lời rất nhanh và rất đa dạng mọi câu hỏi nhưng không phải là thứ biết sáng tạo. Các câu trả lời của nó chỉ dừng ở mức đạt, có xu hướng an toàn.
Thực tiễn trên cũng cho thấy rằng, không phần mềm ứng dụng nào có thể thay thế người thầy. Vì thế, chúng ta không nên quan ngại. Thay vào đó, chúng ta có thể khuyến khích mọi người sử dụng một cách thông minh và nhân văn. Đó mới là điều cần thiết, chứ không thể yêu cầu cấm dùng, hay cấm sử dụng phần mềm này, ứng dụng kia trên nền tảng Internet.
Nếu giáo viên và người học cùng được dùng vì mục đích giảng dạy, học tập để nâng cao chất lượng giáo dục thì sẽ tốt hơn nhiều so với việc chúng ta cấm sử dụng ChatGPT hay các nền tảng tương tự.
Nhưng để có thể sống chung, cách tốt nhất là các thầy, cô giáo và các nhà trường nên bắt tay vào xây dựng nguồn lực nhất định để đón đầu xu hướng phát triển này. Cần hướng đến một hệ sinh thái sử dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục. Lẽ tất nhiên, phần mềm ứng dụng là do con người tạo ra thì con người có thể điều khiển được nó. Chẳng hạn, việc chúng ta lo ngại người học “đạo văn” thì đã có các hàng rào về kỹ thuật mà đã là kỹ thuật thì có thể can thiệp được. Vậy nên, vấn đề đặt ra là, phải giáo dục tính tự trọng trong mỗi con người.
Bên cạnh đó, giáo dục cần tập trung vào phát triển người học một cách có hệ thống, liên ngành. Cần đặc biệt quan tâm đến hạnh phúc và phát triển nhận thức của người học đối với các vấn đề xung quanh. Đồng thời, giáo dục người học biết đánh giá và nhận thức được chính bản thân mình để thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ, trong đó có ChatGPT.