ChatGPT có thể 'cách mạng hóa' giáo dục

GD&TĐ - Nhiều chuyên gia bày tỏ tin tưởng siêu trí tuệ nhân tạo ChatGPT có thể mang lại 'cách mạng hóa' giáo dục.

ChatGPT được kỳ vọng có thể cá nhân hóa giáo dục.
ChatGPT được kỳ vọng có thể cá nhân hóa giáo dục.

Trái ngược với mối lo ngày càng tăng về tính gian lận của siêu trí tuệ nhân tạo ChatGPT trong giáo dục, nhiều chuyên gia bày tỏ tin tưởng công nghệ này có thể mang lại “cách mạng hóa” giáo dục.

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Time, bà Mira Murati, Giám đốc Công nghệ của OpenAI, “cha đẻ” của siêu trí tuệ nhân tạo ChatGPT, nhận định các cơ sở giáo dục không nên vội vàng cấm công nghệ này do lo ngại về gian lận. Thay vào đó, bà Mira tin rằng ChatGPT có khả năng “cách mạng hóa” giáo dục, đặc biệt khích lệ đam mê và khả năng học tập của từng cá nhân.

“Với các công cụ như ChatGPT, người học có thể trò chuyện không ngừng với mô hình trí tuệ nhân tạo để học và hiểu một khái niệm dựa trên trình độ của bản thân. Nó có tiềm năng to lớn trong việc giáo dục cá nhân hóa”, bà Mira Murati bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman, tin rằng ChatGPT sẽ có một vị trí trong trường học và giúp việc dạy và học trở nên hấp dẫn hơn. Ông đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục thích ứng với sự tồn tại của ChatGPT.

Trước đó, nhiều cơ sở giáo dục trên thế giới thông báo cấm sử dụng ChatGPT trong khuôn viên trường học nhằm hạn chế khả năng học sinh, sinh viên gian lận. Xu hướng này trải rộng từ Mỹ, Australia đến nhiều nước châu Âu như Pháp.

Tuy nhiên, bà Nancy Gleason, Giám đốc Trung tâm Giảng dạy và Học tập Hilary Ballon, Đại học New York tại UAE, cho rằng, thay vì cấm trí tuệ nhân tạo, giáo viên nên hướng dẫn học sinh cách sử dụng các công cụ này phục vụ việc học và hạn chế khả năng gian lận.

Theo bà Nancy, đầu tiên, giáo viên và học sinh nên làm quen với công cụ hỗ trợ viết AI để có thể bước đầu phân biệt được các tác phẩm do học sinh, sinh viên thực hiện và tác phẩm do AI triển khai. Họ có thể sử dụng những dữ liệu chính xác mà AI cung cấp để mở rộng bài giảng.

Tiếp đó, cần nói chuyện với học sinh về các hướng dẫn, quy tắc và thậm chí là kỳ vọng của giáo viên về việc sử dụng AI. Hiện nay, một số giảng viên đã yêu cầu sinh viên trích dẫn nguồn nếu lấy thông tin từ ChatGPT, dù việc này chưa phổ biến như việc trích nguồn các bài báo, nghiên cứu khoa học.

Đồng thời, bà Nancy cho rằng nhà trường cần đẩy mạnh giáo dục học sinh, sinh viên về tính liêm chính trong học tập, nhận thức rõ những hành vi sai trái khi sử dụng AI nói chung và ChatGPT nói riêng.

Còn ông Alain Goudey, Phó Trưởng khoa Kỹ thuật số, Trường Kinh doanh NEOMA, Pháp, cho rằng thay vì cấm đoán, giáo viên nên giải thích cho học sinh hiểu về những công cụ này. Song song là điều chỉnh các phương pháp kiểm tra, đánh giá như tập trung hơn vào thuyết trình, làm bài kiểm tra tại lớp, làm việc nhóm...

“Nếu ChatGPT có thể vượt qua các kỳ thi, vậy chúng ta cần thay đổi các kỳ thi”, ông Goudey nhận định.

Vị chuyên gia này tin rằng, ChatGPT có thể trở thành gia sư riêng cho từng học sinh. Với một lớp học có sĩ số khá lớn, việc giáo viên có thể quan tâm đến từng em là điều khó khăn. Thay vào đó, ChatGPT cùng nhiều phần mềm công nghệ khác có thể thúc đẩy khả năng tự học, tự trau dồi của học sinh; từ đó, rút ngắn khoảng cách giáo dục và cơ hội tiếp cận giáo dục.

Theo Euronews, BI

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.