Thi tuyển cán bộ quản lý: Chất lượng ra sao?

GD&TĐ - Năm 2007, Đà Nẵng tổ chức thi tuyển chức danh Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh được xem là “sự kiện” của ngành Giáo dục...

Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn đạt nhiều giải cao ở cuộc thi Robothon các cấp.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn đạt nhiều giải cao ở cuộc thi Robothon các cấp.

Việc tổ chức thi tuyển mở đầu cho cách làm mới trong công tác tổ chức cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Việc bổ nhiệm cán bộ quản lý thông qua thi tuyển đã tạo ra những thay đổi nhất định ở các nhà trường khi người đứng đầu đơn vị đã trải qua một kỳ thi gắt gao.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ quản lý

Khi đang là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), cô Ngô Thị Lệ tham gia thi tuyển chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường Tiểu học và Mầm non do UBND quận tổ chức. Đỗ thủ khoa trong kỳ thi này, cô Lệ được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn. Ngày tiếp nhận nhiệm sở, cô Ngô Thị Lệ xác định phải thực hiện song song hai nhiệm vụ: Nâng cao chất lượng dạy học và đầu tư cơ sở vật chất cho ngôi trường còn quá nhiều khó khăn này.

Trong một lần lãnh đạo thành phố tiếp xúc cử tri tại địa phương, cô Ngô Thị Lệ đã tham gia phát biểu ý kiến và mời đoàn lãnh đạo đến thăm trường. Chứng kiến ngôi trường xuống cấp nghiêm trọng, lãnh đạo thành phố quyết định đầu tư xây dựng mới dãy nhà 3 tầng để cải thiện điều kiện dạy – học. Đến cuối năm 2018, nhà trường được đầu tư xây dựng thêm một dãy nhà 4 tầng với kinh phí 21 tỷ đồng.

Chất lượng giáo dục mũi nhọn của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cũng được cô Ngô Thị Lệ xác định là đòn bẩy để nâng cao chất lượng đại trà. Kể từ năm 2016, học sinh nhà trường đạt nhiều giải cao ở cuộc thi Robothon các cấp. Trước đó, học sinh và giáo viên nhà trường gần như không có khái niệm gì về Robothon.

Từ 8 học sinh giỏi Toán được lựa chọn, cô Lệ mời chuyên gia Robothon về bồi dưỡng thêm cho học sinh. Có định hướng tốt, đầu tư trọng điểm, 3 đội tuyển của trường đã đoạt 2 giải vô địch quốc tế, 1 giải Nhì thi Robothon quốc tế được tổ chức tại Philippines năm 2016.

Với cách “đầu tư” mũi nhọn như vậy, cô Ngô Thị Lệ tự nhận xét rằng, kể từ khi học sinh nhà trường đạt giải cao ở cuộc thi Robothon, Tin học trẻ các cấp, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn mới được “định vị” trên bản đồ giáo dục của thành phố.

Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đều là cán bộ trẻ và được bổ nhiệm qua thi tuyển. Theo nhận xét của cô Nguyễn Thị Việt Hà, trong công tác chuyên môn, gần như mọi chủ trương liên quan đến đổi mới giáo dục đều được ban giám hiệu triển khai sớm, có nhiều biện pháp gỡ khó và hỗ trợ cho các tổ chuyên môn cũng như giáo viên nhà trường. Nhờ chủ động triển khai đổi mới hoạt động dạy học nên khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, giáo viên bớt đi những lúng túng ban đầu trong phương pháp giảng dạy, tổ chức hoạt động giáo dục.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ tham gia triển lãm lưu động Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ tham gia triển lãm lưu động Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, việc thi tuyển chức danh lãnh đạo trường học là đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản trong phát triển đội ngũ cán bộ quản lý. Thực tế, các những giải pháp mà các ứng viên đưa ra trong đề án dự thi tuyển đều áp dụng tốt sau khi được bổ nhiệm. Phương án này cũng khắc phục tình trạng đề bạt, bổ nhiệm cán bộ khép kín trong từng đơn vị trường học.

Qua những lần thi tuyển chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đã chọn được những cán bộ quản lý trẻ, có năng lực, tâm huyết, được đào tạo bài bản để bổ nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý. Đơn cử như trường hợp ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng hiện nay là một trong những hiệu trưởng đắc tuyển của Trường THPT Thái Phiên. Từ vị trí quản lý của một trường THPT, ông Lê Trung Chinh được bổ nhiệm chức danh Phó Giám đốc rồi Giám đốc Sở GD&ĐT.

Tạo đà cho cán bộ trẻ

Phòng GD&ĐT Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) vừa tổ chức thi tuyển chức danh Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên. Có 5 ứng viên tham gia dự thi, đều là giáo viên đang dạy học tại các trường Tiểu học trên địa bàn.

Ngoài bài thi lý thuyết gồm những nội dung có liên quan đến Luật Giáo dục, Luật Công chức viên chức, Điều lệ nhà trường, chuẩn phó hiệu trưởng, các thông tư, quyết định liên quan đến chương trình giáo dục của bậc học… thí sinh còn phải xây dựng Đề án liên quan đến vị trí thi tuyển. Cô Trương Thị Cẩm Châu, giáo viên tại Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên có kết quả cao nhất trong kỳ thi tuyển này. Trong số 5 ứng viên dự thi, cô Châu có tuổi đời ít hơn so với 3 ứng viên khác.

Ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT Liên Chiểu nhận xét: “Cơ hội để các ứng viên thể hiện cách thức tiếp cận công việc, năng lực quản lý là ngang nhau nên sự cạnh tranh rất lành mạnh. Ứng viên ngoài trình bày Đề án liên quan đến vị trí thi tuyển còn phải trả lời chất vấn của Hội đồng xét tuyển gồm 11 người”.

Thông qua xây dựng đề án, Hội đồng xét tuyển cũng tìm thấy được những mô hình sáng tạo, nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục hay và được ứng dụng ngay sau khi thí sinh được trao quyền lãnh đạo. Như Đề án của cô Trương Thị Cẩm Châu đưa ra giải pháp xây dựng Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên theo mô hình Trường học hạnh phúc và phát triển chất lượng mũi nhọn.

Trước khi được bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Vân (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), cô Trần Thị Như Lai trải qua kỳ thi tuyển công khai. “Lúc đó tôi vừa mới nghỉ thai sản, đi làm trở lại chưa đầy 6 tháng, thời gian làm Phó Hiệu trưởng tại Trường 20.10 cũng chưa dài, ý thức rằng bản thân mình chưa tích lũy đủ kinh nghiệm cho vị trí quản lý cao hơn nên cũng không có ý định tham gia”, cô Lai chia sẻ.

Nhưng rồi được sự động viên của các cấp, cô Như Lai nộp hồ sơ và sau đó được điều chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Cẩm Vân. Nếu chỉ tính theo thâm niên công tác, thời gian cống hiến… thì những giáo viên trẻ cả tuổi đời, tuổi nghề như cô Trần Thị Như Lai, cô Trương Thị Cẩm Châu khó có cơ hội được bổ nhiệm sớm, dù cũng nằm trong quy hoạch cán bộ.

Ông Nguyễn Thanh Lịch – Trưởng phòng GD&ĐT Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) cho rằng, với những ứng viên tham gia dự thi chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, ngoài trách nhiệm của một viên chức giáo dục thì có nhu cầu, động lực, hoài bão làm công tác quản lý. Đây là yếu tố quan trọng trong thực hiện đổi mới giáo dục. Chính vì vậy, những ứng viên dự thi nhưng không trúng tuyển sẽ có cơ hội nếu trường sở tại có nhu cầu bổ sung cán bộ quản lý. Sau bổ nhiệm, trong khoảng 1 - 2 năm đầu tiên, các cấp quản lý cần có sự hỗ trợ, chia sẻ, hướng dẫn và bồi dưỡng năng lực quản lý của người trúng tuyển dựa trên những công việc thực tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ