Thi tuyển cán bộ quản lý: Chuyển động tích cực

GD&TĐ - Nhiều năm nay, việc bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng, hiệu phó ở nhiều địa phương trong cả nước được tổ chức theo hình thức thi tuyển công khai.

Ứng viên tham dự vòng 1 kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành GD&ĐT TPHCM năm học 2022 - 2023.
Ứng viên tham dự vòng 1 kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành GD&ĐT TPHCM năm học 2022 - 2023.

Cách làm trên đã tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các cán bộ, giáo viên cũng như giúp lựa chọn được ứng viên có năng lực, thúc đẩy phát triển chất lượng giáo dục.

Đột phá trong chọn cán bộ

Cách đây khoảng 5 năm tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai thi tuyển chức danh lãnh đạo một số trường trên địa bàn. Gần đây nhất, tháng 11/2019, tỉnh này tổ chức thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội (TP Huế). Dù thời điểm nào thì quá trình thi tuyển và tổ chức thi tuyển luôn bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng và bình đẳng. Nội dung, hình thức, quy trình thi tuyển được xây dựng phù hợp với vị trí chức danh tuyển dụng.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế, hiệu trưởng là người đứng đầu, đóng vai trò quan trọng trong thiết lập, định hướng, tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh, quản lý và thúc đẩy hoạt động khác của nhà trường. Lâu nay, công tác đề bạt, bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý ở cơ sở giáo dục được thực hiện theo quy định, bảo đảm nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình. Hầu hết số cán bộ được bổ nhiệm đều trong diện quy hoạch, có phẩm chất chính trị vững vàng, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, ông Tân cũng cho biết, quá trình thực hiện công tác bổ nhiệm bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục. Đơn cử như nguồn cán bộ bổ nhiệm phần lớn dựa vào nhân sự tại chỗ, chưa mở rộng để thu hút người có năng lực từ bên ngoài. Việc đề bạt, bổ nhiệm chưa có sự đột phá trong lựa chọn số cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản, có năng lực công tác.

Quy trình lấy ý kiến, thăm dò bằng phiếu tín nhiệm chưa phát hiện hết những người có tài năng, phẩm chất đạo đức tốt để bổ nhiệm. Do đó, thi tuyển chức danh hiệu trưởng tạo ra sự cạnh tranh công bằng, tạo cơ hội cho người tài cống hiến. Từ đó góp phần từng bước đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới.

“Theo tôi việc sử dụng cả 2 hình thức đều tốt. Ở Thừa Thiên - Huế hiện áp dụng cả 2 hình thức này để tuyển dụng lãnh đạo nhà trường. Việc thi hay bổ nhiệm thì quan trọng nhất là phát huy năng lực, uy tín người đó đối với tập thể, công tác tổ chức điều hành từ đó tạo động lực làm việc cho mọi thành viên trong nhà trường. Chọn được hiệu trưởng là người có tâm và có tầm, với những quyết sách đúng đắn không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên mà còn nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện của học sinh”, ông Tân nói.

Công khai, minh bạch

Ngày 23/9, Sở GD&ĐT TPHCM thông báo thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý năm 2022. Theo đó, Sở tổ chức thi tuyển 3 phó hiệu trưởng tại các trường: THPT An Nhơn Tây, THPT Quang Trung (huyện Củ Chi) và THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ).

Công tác bổ nhiệm lãnh đạo nhà trường theo quy trình hay thi tuyển đều có mặt tích cực. Trong đó, việc thi tuyển hiệu trưởng sẽ tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục từng trường. Thông qua thi tuyển hiệu trưởng, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, nhận thức mới được thể hiện đầy đủ hơn và khi đó giáo viên sẽ nhìn nhận hiệu trưởng với sự tâm phục vì tài năng, trí tuệ. Còn việc bổ nhiệm nếu trong trường hợp làm quy trình tốt, nhân tố được đào tạo, bồi dưỡng phát triển toàn diện các phẩm chất, chuyên môn, năng lực quản lý, tư chất lãnh đạo sẽ tìm được lãnh đạo giỏi.

Năm 2022 này, Trường THPT An Nghĩa là 1 trong 3 đơn vị được Sở GD&ĐT TPHCM thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo nhà trường.

Năm 2022 này, Trường THPT An Nghĩa là 1 trong 3 đơn vị được Sở GD&ĐT TPHCM thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo nhà trường.

Ứng viên thi tuyển vào chức danh phó hiệu trưởng của các đơn vị trên cần phải có đủ thời gian 5 năm công tác tính từ khi dự tuyển, có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng ngoại ngữ bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam.

Đồng thời, ứng viên đã được bổ nhiệm ngạch chuyên viên hoặc chức danh nghề nghiệp tương đương từ hạng III trở lên, có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp học tương đương. Hình thức thi bao gồm thi viết và trình bày đề án. Dự kiến thời gian tổ chức thi viết là 28/10, thi trình bày đề án là 4/11. Việc công bố quyết định trúng tuyển và trao quyết định dự kiến trong tháng 12.

Chia sẻ về việc lần đầu tiên TPHCM tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo trường học, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, 3 Trường THPT An Nghĩa, An Nhơn Tây và Quang Trung thuộc địa bàn các huyện ngoại thành. Nhiều năm nay, việc điều động, luân chuyển cán bộ ở các khu vực này gặp không ít khó khăn, phần lớn là cán bộ, quản lý đều từ nguồn quy hoạch tại chỗ. Việc thi tuyển đợt này nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý tại các đơn vị trường THPT, nhất là đối với đơn vị ở khu vực vùng ven, vùng ngoại thành của TPHCM.

“Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để cho giáo viên trẻ, giỏi nỗ lực phấn đấu. Các nhân sự tại chỗ, giáo viên ở bên ngoài những đơn vị này, huyện này đều có quyền đăng ký dự tuyển, nếu đủ điều kiện như Sở GD&ĐT TPHCM đã công bố ngay từ đầu. Công tác thi tuyển chắc chắn sẽ đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng các quy trình. Qua đó nhằm tăng tính cạnh tranh, công bằng giữa các ứng viên trong việc tuyển chọn”, ông Minh cho hay.

Cũng theo chia sẻ của ông Minh, toàn bộ các thông tin về kỳ thi tuyển lần này đều được đăng tải công khai, rõ ràng trên Trang thông tin điện tử của sở. Chia sẻ về Hội đồng chấm thi, theo ông Hồ Tấn Minh, sẽ có tối đa là 10 người, bao gồm đại diện Ban Thường vụ Đảng ủy sở, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ của sở cũng sẽ tham gia với vai trò thư ký. Ngoài ra còn có hiệu trưởng của 3 trường An Nghĩa, An Nhơn Tây và Quang Trung và cấp ủy của 3 trường này,...

“Sau khi tổ chức thí điểm thi tuyển chọn phó hiệu trưởng của 3 trường THPT trong đợt này, sở sẽ tổ chức đánh giá và rút kinh nghiệm. Từ đó, các phòng ban chuyên môn sẽ tham mưu để mở rộng đối tượng, tính toán lộ trình thực hiện trong thời gian tiếp theo”, ông Minh nhấn mạnh.

Thầy Huỳnh Bảo Quốc, Hiệu trưởng Trường THPT An Nghĩa, đơn vị thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng năm nay cho biết: “Với việc thi tuyển chức danh cán bộ quản lý mà Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức đợt này đã kích thích đội ngũ giáo viên cố gắng phấn đấu. Đồng thời tạo cơ hội để thầy cô có năng lực trong quy hoạch nguồn của đơn vị và các trường trong và ngoài địa phương có cơ hội thi tuyển vào vị trí đang phấn đấu. Công tác thi tuyển này sẽ kích thích giáo viên nguồn chủ động hơn trong công việc và phát triển năng lực của mình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.