Thị trường NFT Việt Nam: Chiêu trò và 3 chữ “lạm”

GD&TĐ - Một giám tuyển nghệ thuật khuyến cáo, không nên đầu tư vào NFT do thị trường NFT Việt Nam chưa giải quyết được 3 chữ lạm: Lạm dụng thuật ngữ, lạm phát danh xưng và lạm định giá cả.

Ra mắt Cổng Trời, tại Hội Mỹ thuật TPHCM. Ảnh: IT
Ra mắt Cổng Trời, tại Hội Mỹ thuật TPHCM. Ảnh: IT

Từ nhận định này, một cuộc tranh luận sôi động đã diễn ra trong giới nghệ thuật Việt Nam. Có người cho rằng, nghệ thuật Việt đang bị tung hỏa mù, khi cá nhân nghệ sĩ tự PR phóng đại, tiếp tay là truyền thông quảng bá thông tin thiếu kiểm chứng, tạo đòn bẩy hình thành “giá trị ảo”.

Hậu quả đem lại là một thị trường nghệ thuật thỏa hiệp, với chiêu trò tán dương theo hình thức đa cấp.

NFT và ba chữ “lạm”

Mới đây, giám tuyển nghệ thuật Ace Lê đưa ra một khuyến cáo về ba chữ “lạm” giữa muôn trùng thông tin về NFT Việt Nam. Ace Lê cho rằng, năm 2014 lập trình viên Anil Dash và nghệ sĩ kỹ thuật số Kevin McCoy đồng phát minh ra NFT – dịch là “vật phẩm không thay thế được”.

Tâm nguyện của hai người này muốn bảo vệ quyền lợi cho nghệ sĩ thông qua hình thức giao dịch phi tập quyền. Tức các tác phẩm NFT được giao dịch trực tiếp giữa người mua và người bán, và tác giả gốc sẽ vĩnh viễn được trích một phần doanh thu cho mỗi giao dịch. NFT phá bỏ toàn bộ tầng lớp môi giới trung gian – phòng tranh, nhà đấu giá, cò tranh.

“Vì quá ngây thơ, Anil và Kevin không đăng ký phát minh ngay lúc đó, dẫn tới việc ứng dụng NFT bùng nổ nhưng biến chất thành một cuộc chơi vô luật lệ với những kỷ lục giá chóng mặt, và tổng giá trị thị trường vượt mức tỉ đô”, giám tuyển Ace Lê nói.

Ở Việt Nam, “Cổng Trời” là sàn đầu tiên chào bán NFT nghệ thuật, và sắp tới là sàn AvatarArt. Một số nghệ sĩ Việt cũng đã gửi bán tác phẩm trên sàn Binance NFT.

Ace Lê nói rằng, khi du nhập vào nước ta thì NFT và blockchain là các khái niệm chưa được phổ cập. Thêm vào đó là hệ quả truyền thông đưa tin không kiểm chứng, khiến dư luận bị chi phối trong mớ bòng bong.

“NFT là một loại tài sản số, trong thị trường nghệ thuật chỉ có các tác phẩm tồn tại dưới dạng số mới có thể được NFT hóa. Nhưng ở Việt Nam quá ít nghệ sĩ kỹ thuật số có tên tuổi, nên các sàn đều số hóa các tranh vật lý, rồi bán phiên bản số của tranh dưới dạng NFT cho người mua. Nói cách khác, không phải bạn mua nhà, mà mua cái bóng nhà soi bóng dưới ao”, giám tuyển Ace cho hay.

Vị giám tuyển cũng cho rằng, mô hình phức tạp này cộng thêm những chiêu trò PR lộ liễu ngây ngô, đã tạo ra nhiều hệ lụy với ba chữ “lạm”: Lạm dụng thuật ngữ, lạm phát danh xưng và lạm định giá cả. 

Nhiễu loạn thị trường hội họa

Bức tranh của họa sĩ Phạm An Hải được đưa ra đấu giá khởi điểm mức triệu USD tại Cổng Trời NFT Việt Nam. Ảnh: Ace Lê
Bức tranh của họa sĩ Phạm An Hải được đưa ra đấu giá khởi điểm mức triệu USD tại Cổng Trời NFT Việt Nam. Ảnh: Ace Lê

Trong chữ “lạm” thứ ba – lạm định giá cả, Ace Lê đưa thông tin “giới nghệ Việt Nam được phen choáng váng khi Cổng Trời thông báo “kiệt tác NFT triệu đô” của Phạm An Hải ra mắt công chúng, với giá khởi điểm 1 triệu USD”.

Sàn giới thiệu bức tranh của họa sĩ Phạm An Hải “được tổ chức nghệ thuật Art Avista (USA) vinh danh là một trong số ít những tác phẩm bậc thầy của hội họa thế giới”. Tuy nhiên, không có tổ chức nào ở Mỹ có tên là Art Avista.

Sau thông tin này, các tranh luận trong giới nghệ thuật càng kịch tính lẫn căng thẳng, cho thấy tình hình nghiêm trọng. Nghệ sĩ Trần Lương cho rằng, hiện tượng “giá trị ảo” đã thành hệ thống giống cách kinh doanh đa cấp.

“Một người có nick “Người Sưu Tập” đưa thông tin là tác phẩm của họa sĩ Phạm An Hải được sưu tập trong các bảo tàng quốc tế khu vực để làm một trong những chứng cớ đòn bẩy cho luận điểm “master/bậc thầy”, nghệ sĩ Trần Lương cho hay.

Nhiều họa sĩ trong cuộc tranh luận đều cho rằng, bỏ qua gu thẩm mỹ và nhận định mang tính cá nhân vì đó là quyền của mỗi người. Ai đó có thể khẳng định như một nhà phê bình, thì cũng là quyền và trách nhiệm.

Thậm chí, nếu có mục đích củng cố uy tín và vụ lợi thì cũng là quyền. Nhưng nếu đưa ra thông tin và khẳng định những điều không chính xác hoặc không có thật, thì lại là chuyện khác. Điều này sẽ gây hiệu ứng lan truyền tiêu cực.

“Người Sưu Tập” khẳng định, họa sĩ Phạm An Hải có tác phẩm trong bảo tàng ở Singapore và Malaysia như một trong những luận điểm bậc thang để khẳng định trình độ nghệ thuật “bậc thầy không phải bàn cãi”. Tuy nhiên, sau đó cụm từ “bảo tàng Singapore” đã được người này xóa đi.

Nghệ sĩ Trần Lương khẳng định, trong cổng dữ liệu điện tử liên thông các bảo tàng mỹ thuật ở Singapore và lời khẳng định của các curator ở SAM – Singapore Art Museum và NGS – National Gallery Singapore đều nói không có bức tranh nào của Phạm An Hải.

Còn về “Bảo tàng Quốc gia Malaysia Petronas”, thì ở Malaysia không có bảo tàng nào tên như vậy, mà chỉ có National Museum - nơi trưng bày về lịch sử, dân tộc và văn hóa quốc gia, mà mỹ thuật ở đây là thứ yếu. Bảo tàng lớn nữa là National Gallery Malaysia là bảo tàng quốc gia không liên quan đến Petronas.

“Việc đánh tráo chữ nghĩa từ gallery tư nhân lên thành bảo tàng quốc gia là rất đáng ngại, vì chức năng và tầm nhìn của bảo tàng khác rất xa gallery”, nghệ sĩ Trần Lương cho hay.

Một số nghệ sĩ tên tuổi cho rằng, chịu trách nhiệm chính trong việc không thẩm định thông tin, đưa tin sai, tung hỏa mù về giá tranh ảo là một số cơ quan truyền thông. Từ những thông tin không có thật, các công ty kinh doanh nghệ thuật tiếp tục phát tán, tô vẽ thêm tạo ra “giá trị ảo” và một thị trường nghệ thuật đầy nhiễu loạn.

“NFT được sinh ra với một tâm nguyện cao cả, nhưng bị lợi dụng và trục lợi. Tại Việt Nam, phân khúc số hóa tranh vật lý đang lung lay theo những chiêu trò tung hỏa mù của một bộ phận tham gia. Đồng ý rằng NFT là một công nghệ đột phá, nhưng phá gì thì phá, đừng phá đi nền tảng kiến thức, giá trị văn hóa, và sự tôn trọng công chúng”. Nghệ sĩ Trần Lương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.