Nghệ thuật Việt Nam là thị trường tỷ đô

GD&TĐ - Đó là nhận xét của ông Vũ Tuấn Anh - giám đốc điều hành, kiêm đồng sáng lập nhà đấu giá Chọn’s. Tài Hoa Trẻ đã có cuộc trò chuyện cùng ông sau khi nhà đấu giá Chọn’s vừa thực hiện phiên đấu giá thứ 9 dành cho các tác phẩm nghệ thuật, kết lại một năm hoạt động với nhiều thăng trầm, nhưng thăng nhiều hơn trầm.

Một phiên đấu giá của Chọn’s
Một phiên đấu giá của Chọn’s

PV: Một năm nhìn lại Chọn’s, những điều gì đã đạt được như dự kiến, những điều gì là chưa?

Ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc điều hành, kiêm đồng sáng lập nhà đấu giá Chọn’s

Ông Vũ Tuấn Anh: Những điều đạt được: Giới đầu tư, sưu tập nghệ thuật Việt Nam và khu vực biết đến Chọn’s, biết đến thị trường nghệ thuật Việt Nam đang phục hồi và phát triển. Mỗi phiên lượng khách hàng tăng và giá trị giao dịch cũng tăng. Sự tương tác của thị trường nghệ thuật với thị trường tài chính, pháp lý đang dần hình thành. Từng bước cải thiện quy trình đấu giá và các hạ tầng liên quan đấu giá theo chuẩn quốc tế. Sự quan tâm của công chúng với thị trường nghệ thuật cũng tăng lên đáng kể.

Những điều hạn chế: Hạ tầng pháp lý liên quan đấu giá nghệ thuật còn sơ khai. Nhân lực, công nghệ liên quan đấu giá nghệ thuật còn kém. Nhận thức của công chúng yêu mỹ thuật về đấu giá nghệ thuật còn hạn chế. Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng về thị trường mỹ thuật chưa thật rõ ràng.

* Vậy còn điều gì là bất ngờ mà lúc khai trương Chọn’s, mấy anh chưa hoặc không nghĩ đến?

- Điều bất ngờ với Chọn’s là nhu cầu sở hữu, sưu tập các tác phẩm quý, hiếm, độc bản lại cao như vậy. Dường như có làn sóng đang âm thầm đầu cơ các tác phẩm quý hiếm thời Đông Dương, cũng như các tác phẩm được cho là có xu hướng tăng giá trong tương lai. Số lượng các nhà sưu tập mới đến với Chọn’s mỗi phiên tăng lên 40% và trung bình 80% các tác phẩm được gõ búa. Chọn’s cũng đã lên kế hoạch để chuyển đến trụ sở mới trong năm 2018 để đáp ứng nhu cầu tham gia đấu giá của giới yêu nghệ thuật… Đó là những bất ngờ lớn với chúng tôi.

* Các anh có ngại hoặc có sợ bị điều tiếng, hoặc ra tòa vì vướng vào các tai nạn nghề nghiệp, như bán tranh giả chẳng hạn?

- Chúng tôi sẵn sàng hợp tác để giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc xác minh tính thật giả, nguồn gốc các tác phẩm đấu giá. Chọn’s tin rằng chỉ có sự minh bạch, công khai, hợp tác mới có thể xây dựng thị trường nghệ thuật bền vững tại Việt Nam.

* Khả năng ra tòa và thua kiện của Chọn’s là rất hiếm, nhưng nếu các anh thua, thì ứng xử thế nào?

- Nếu ra tòa và bị thua kiện, Chọn’s sẵn sàng công khai thông tin trên phương tiện truyền thông, xin lỗi các bên liên quan, bồi thường tổn thất vật chất và tinh thần. Tiêu chí của Chọn’s là hợp tác, tin cậy, minh bạch, uy tín.

Trưng bày tại phiên đấu giá lần thứ 9, kỷ niệm 1 năm của nhà đấu giá Chọn’s

Trưng bày tại phiên đấu giá lần thứ 9, kỷ niệm 1 năm của nhà đấu giá Chọn’s

* Anh đánh giá thế nào về tiềm lực, sức mua của giới sưu tập Việt Nam? Một năm qua, họ giữ vai trò như thế nào với Chọn’s?

- Thị trường nghệ thuật Việt Nam là thị trường tỷ USD. Trong năm 2017, tổng giao dịch tại Chọn’s khoảng gần 1 triệu USD với 9 phiên đấu giá. Đây là một thị trường cực kỳ tiềm năng. Các nhà đầu tư, sưu tập nghệ thuật đến với Chọn’s ngày một đông. Họ hiểu rằng nếu không tham gia vào thị trường đầy tiềm năng và ít rủi ro này ở thời điểm hiện tại thì sẽ là một điều đáng tiếc trong tương lai không xa. Các hạ tầng cho đấu giá nghệ thuật sẽ ngày càng hoàn thiện, ngày càng nhiều người bỏ số tiền khổng lồ cho nghệ thuật. Rõ ràng đây là một kênh đầu tư tiềm năng.

* Nếu thế, anh có nghĩ đến khả năng mỗi phiên sẽ có hơn 10% số nhà sưu tập quốc tế tìm đến Việt Nam để đấu giá?

- Chọn’s hy vọng sẽ có nhiều nhà sưu tập và đầu tư quốc tế đến Việt Nam. Vấn đề vẫn là Chọn’s phải cố gắng xây dựng thương hiệu uy tín, minh bạch, công khai. Cùng với đó là các hạ tầng pháp lý lên quan đấu giá, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải vào cuộc. Nếu cả xã hội cùng vào cuộc thì chúng ta hoàn toàn tin vào một thị trường nghệ thuật khổng lồ Việt Nam trong tương lai gần. Nên nhớ rằng nền nghệ thuật Việt Nam là một con hổ, có thể nó đang ngủ, nhưng đó là một con hổ thực sự của khu vực và thế giới.

* Còn nhìn rộng hơn về các hoạt động từ định chế tài chính, bảo hiểm, hải quan… có đang là động lực thuận tiện cho các nhà sưu tập và đấu giá chưa?

- Thẳng thắn nhìn nhận thì các hạ tầng pháp lý, các định chế tài chính, hải quan, bảo hiểm, ngân hàng... chưa đáp ứng được đấu giá nghệ thuật. Tuy nhiên chúng ta nên tin tưởng rằng mọi thứ sẽ tốt hơn trong tương lai không xa. Vì rõ ràng đấu giá nghệ thuật không phải là một xu thế tức thời, mà đang là một kênh đầu tư có lợi nhuận. Thế giới đã có gần 300 năm lịch sử đấu giá, nên Việt Nam cũng không thể nằm ngoài. Đó là con đường để thúc đẩy thị trường mỹ thuật. Mà với thị trường tỷ USD này, nhà nước không thể đứng ngoài.

* Với đà này, anh dự kiến khi nào Chọn’s sẽ bán được tác phẩm nửa triệu USD, rồi 1 triệu USD?

- Tôi có thể khẳng định rằng, những tác phẩm 1 triệu USD được đấu tại Chon"s sẽ không phải là vấn đề lớn. Trong khoảng 2 năm tới, việc đấu giá các tác phẩm khoảng 1 triệu USD tại Chọn’s là hoàn toàn có thể xảy ra. Đây không phải là chuyện tin hay không tin, mà đó là quy luật đi lên của thị trường. Chọn’s tin thị trường mỹ thuật Việt sẽ khởi sắc và bùng nổ ngay trong năm 2018 này thôi.

Cột mốc 1 triệu USD trong quá khứ rất quan trọng với giới mỹ thuật Việt. Vì nó được đánh giá ở vị thế của 1 quốc gia trong thị trường mỹ thuật thế giới. Nhưng mốc này đã đạt được, tất nhiên là ở sàn đấu giá không phải tại Việt Nam. Nếu Chọn’s có thể đấu 1 tác phẩm 1 triệu USD trong 2-3 năm tới, đó là niềm vui của chúng tôi. Nhưng đó không phải là mốc để Chọn’s phấn đấu. Đó là câu chuyện của quá khứ rồi. Vì thị trường Việt Nam lớn hơn thế rất nhiều. Chọn’s và các đơn vị khác đang phấn đấu để góp phần xây dựng, hoàn thiện, khởi sắc thị trường này.

* Từ câu chuyện vừa chia sẻ, xem như bất chấp những thách thức từ tranh giả -tranh nhái, niềm tin của anh về thị trường nghệ thuật Việt Nam trong 5-10 năm nữa là gì?

- Tranh giả - tranh nhái chỉ xuất hiện ở những nước yêu mỹ thuật và mỹ thuật có giá trị mới có việc làm giả. Người ta chỉ muốn làm giả những viên kim cương, không ai muốn làm giả những viên gạch. Ở một góc nhìn nào đó thì nó cũng có những yếu tố tích cực. Các định chế quản lý của nhà nước phải vào cuộc để xử lý vấn đề này. Mọi việc sẽ tích cực và minh bạch hơn, đó là tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả lớn

GD&TĐ - Không biết từ bao giờ, con người trở nên hung hăng, luôn giải quyết mâu thuẫn bằng những hành vi phi nhân tính.