Thi tốt nghiệp THPT - Vào guồng ôn tập: Rèn bản lĩnh

GD&TĐ - Thi thử được xem như giải pháp hiệu quả và cần thiết để học sinh, giáo viên tập dượt, vững vàng kiến thức, tâm lý, nghiệp vụ, chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

HS khối 12 Trường THPT số 1 Bắc Hà (Bắc Hà – Lào Cai) ôn tập trên lớp. Ảnh: NTCC
HS khối 12 Trường THPT số 1 Bắc Hà (Bắc Hà – Lào Cai) ôn tập trên lớp. Ảnh: NTCC

Cọ xát thực tế

Cô Nguyễn Thị Hồng – Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Lào Cai (thành phố Lào Cai – Lào Cai) cho biết: Nhà trường đã tổ chức 2 đợt thi thử cho 344 HS khối 12. Đợt 1, HS thi thử các môn trắc nghiệm trên máy tính, đợt 2 thi trực tiếp trên giấy. Dự kiến cuối tháng 4, Sở GD&ĐT Lào Cai sẽ tổ chức cho toàn bộ HS khối 12 các trường THPT trong tỉnh thi thử tốt nghiệp THPT. Mọi công tác từ chuẩn bị cơ sở vật chất, GV coi thi, công tác ra đề thi, thẩm định đề thi, phòng thi, coi thi, chấm thi… có quy trình như Kỳ thi tốt nghiệp THPT chính thức.

Theo phân tích của cô Hồng, đợt thi thử do trường tổ chức trước khi Bộ ban hành đề thi minh họa hướng tới mục đích chính là khảo sát, đánh giá năng lực kiến thức HS, từ đó rút kinh nghiệm, đưa ra phương án cho công tác ôn tập. Đợt thi thử do sở tổ chức sau khi có đề thi minh họa sẽ giải quyết được cả 2 mục đích là kiểm tra kiến thức HS, rút kinh nghiệm công tác ôn thi, đồng thời tập dượt về nghiệp vụ cho GV, rèn tâm lý thi cử vững vàng cho HS.

Thầy Phan Trọng Đức – Hiệu trưởng Trường THPT Hương Cần (Phú Thọ) chia sẻ: Đợt thi thử do sở tổ chức cho HS khối 12 có quy trình gần như Kỳ thi tốt nghiệp THPT chính thức. 282 HS khối 12 của trường được chia thành 12 phòng thi, GV trông thi phân công chéo các trường, bốc thăm phòng trông thi. Đề thi có phòng bảo mật riêng. Sở là đơn vị ra đề rồi in sao chuyển về các trường…

Kết thúc thi thử, sở GD&ĐT sẽ rút kinh nghiệm chung với các trường về đề thi, quy trình làm thi, kết quả thi, phương án ôn tập dựa trên kết quả… Dự kiến sở GD&ĐT sẽ tổ chức thêm 1 đợt thi thử vào tháng 5 để HS, GV vững vàng từ kiến thức tới tâm thế bước vào kỳ thi thật.

Thầy Nguyễn Mạnh Tú – GV Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) cũng bày tỏ: Nhà trường đã tổ chức 2 đợt thi thử cho HS khối 12. “Mỗi lần thi thử, HS được cọ xát nhiều hơn về kiến thức, rèn luyện vững vàng tâm lý thi. Thi thử không chỉ tốt cho HS, mà với GV cũng biết được HS cần bổ sung thêm mảng kiến thức nào, bản thân cần nghiên cứu thêm nghiệp vụ phòng thi ra sao…” - thầy Tú khẳng định.

Sinh hoạt chuyên môn ôn thi tốt nghiệp THPT của cụm Bắc Hà - Si Ma Cai lần 2 năm học 2020 - 2021. Ảnh: NTCC
Sinh hoạt chuyên môn ôn thi tốt nghiệp THPT của cụm Bắc Hà - Si Ma Cai lần 2 năm học 2020 - 2021. Ảnh: NTCC  

Bước đệm cần thiết

Theo thầy Lê Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), có nhiều ích lợi từ việc thi thử cho HS khối 12 trước khi chính thức bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bởi qua mỗi lần thi thử, HS được tổng hợp lại kiến thức, tăng cường và tập dượt kĩ năng làm bài. Đối với GV được nâng cao nghiệp vụ khi thực hiện công tác làm thi. Từ thi thử, GV có thể tìm ra lỗi thường mắc để nhắc nhở, giúp HS nâng cao tinh thần, sự cẩn thận để bước vào thi thật. Đặc biệt, thi thử giúp nhà trường sớm chuẩn bị cơ sở vật chất, con người để sẵn sàng cho kỳ thi thật…

Thầy Kiên khẳng định: Thực tế qua các lần thi thử tại trường đã giúp GV vững vàng hơn về nghiệp vụ thi, đáp ứng được yêu cầu khi triển khai thi thật. Có tập dượt chắc chắn sẽ tốt hơn. Trong khi đó, theo cô Nguyễn Thị Hồng: Để chuẩn bị cho HS ở các vòng thi thử, trường đã chuẩn bị về cơ sở vật chất (mỗi phòng thi 24 bàn, lập danh sách phòng thi; đăng ký ấn phẩm thi với sở; chuẩn bị những ấn phẩm thi thuộc trách nhiệm của nhà trường (túi sơ mi, nội quy thi, băng dính, bút kéo… cắt đề)...

Đợt thi thử tốt nghiệp THPT do sở GD&ĐT tổ chức cho HS khối 12 toàn tỉnh được kỳ vọng như lần tập dượt lớn của cả GV và HS cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do đó, khâu chuẩn bị kĩ càng bao nhiêu thì hiệu quả của kỳ thi thật càng được nâng lên bấy nhiêu.

Thầy Dương Văn Bảo – Hiệu trưởng Trường THPT Tam Nông (Phú Thọ) cho biết thực tế tại trường mình: Trước đợt thi thử khảo sát, trường gửi toàn bộ quy chế thi (đã bổ sung những điểm mới của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay) cho GV nghiên cứu. Do đó, từ GV, nhân viên, ban giám hiệu đều được học quy chế, khi thực tế tại đợt thi thử GV sẽ có thêm trải nghiệm, tập dượt từ đó rút kinh nghiệm, kĩ năng thực tế trong các khâu của kỳ thi.

Để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Trường THPT Tam Nông (Phú Thọ) đã sẵn sàng các điều kiện cần thiết từ kiến thức, kĩ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho 350 HS khối 12 và toàn bộ hơn 50 cán bộ quản lý, GV, nhân viên. Một số cán bộ quản lý, GV cho rằng: Thi thử cho HS khối 12 trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT phát huy hiệu quả nhiều mặt. Tuy nhiên nếu tổ chức không thận trọng sẽ tạo ra những hệ lụy nhất định.

HS đạt kết quả cao sẽ có tâm lý chủ quan, “ngủ say” trong chiến thắng. Còn với HS làm bài không tốt sẽ ám ảnh, hoang mang khi bước vào kỳ thi chính thức. Thậm chí, không ít HS có tâm lý cấu trúc đề thi thử không lặp lại ở đề thi chính thức… nên bỏ qua không ôn tập. Do đó, ngành Giáo dục nói chung, các trường THPT nói riêng cần tổ chức hiệu quả, hợp lý các vòng thi thử. Sau vòng thi thử cần xây dựng chương trình ôn tập hợp lý, bài bản, giúp HS ổn định tâm lý, không chủ quan, lơ là ôn tập. Đội ngũ GV vững vàng kinh nghiệm, nghiệp vụ. 

Sau đợt thi thử khảo sát do trường và sở tổ chức, GV và HS ngày càng vững vàng về tâm lý, kĩ năng cần thiết cho kỳ thi. Với HS biết cách đọc đề làm bài thi, đọc từ trên xuống dưới, câu dễ làm trước, câu khó làm sau, tránh bập ngay vào 1 câu khó từ đầu khiến mất thời gian… Với GV, bên cạnh nghiệp vụ cơ bản còn biết cách xử lý, hướng dẫn những tình huống đột xuất, bất ngờ. - Thầy Dương Văn Bảo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.