Ôn thi tốt nghiệp THPT: Chủ động tạo tâm thế tốt cho sĩ tử

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 ổn định về quy chế đã giúp cho các trường nắm thế chủ động trong ôn luyện. Thầy trò các trường ở Điện Biên đang nỗ lực không ngừng để tạo tâm thế tốt bước vào kỳ thi.

Thí sinh phấn khởi rời trường thi với tâm lý thoải mái (ảnh minh họa)
Thí sinh phấn khởi rời trường thi với tâm lý thoải mái (ảnh minh họa)

Học đâu chắc đấy

Chỉ còn mấy tháng nữa là em Mào Thanh Thảo, học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học Phổ thông (PTDTNT.THPT) Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu như hồi đầu năm học, Thảo còn bỡ ngỡ, mông lung về hướng đi cho tương lai thì nay em đã tự tin chủ động đăng ký nguyện vọng mà bản thân em và gia đình mong muốn.

“Giờ thì em đang rất cố gắng cùng các bạn ôn luyện kiến thức. Em đã chuẩn bị tinh thần tốt, kiến thức tốt nhất để đi thi. Cố gắng thi tốt nhất có thể. Do em ở nội trú nên cũng thuận tiện trong việc trao đổi, gặp gỡ bạn bè để trao đổi, được thầy cô tư vấn, hỗ trợ nên em quyết tâm sẽ ôn tốt, thi tốt để có kết quả cao, được vào học tại ngành Lữ hành Du lịch của trường Đại học Văn hóa hoặc các trường thương mại để khỏi phụ lòng bố mẹ và thầy cô”, Mào Thanh Thảo nói.

Năm nay, trường PTDTNT.THPT Mường Nhé có 93 học sinh khối 12 sẽ tham gia kỳ thi. Do các em là con em đồng bào dân tộc thiểu số, có sự khác biệt về nhận thức và học tập nên nhà trường đã áp dụng nhiều biện pháp để sàng lọc, phân loại đối tượng học sinh để xây dựng kế hoạch tổ chức ôn luyện phù hợp.

“Do kỳ thi năm nay vẫn ổn định so với kỳ thi năm ngoái nên chúng tôi vẫn bám sát kế hoạch chỉ đạo của Bộ, Sở; Bám sát cấu trúc đề thi tốt nghiệp của năm trước. Căn cứ vào đối tượng, năng lực học sinh rồi từ đó xây dựng chương trình ôn thi phù hợp. Với học sinh chỉ có nhu cầu thi đỗ tốt nghiệp thì chúng tôi tập trung ôn luyện kiến thức ôn thi chủ yếu trong chương trình lớp 12. Còn những học sinh có nguyện vọng đăng ký vào các trường Đại học, Cao đẳng thì bổ sung kiến thức lớp 10, 11”, cô giáo Lường Thị Hây, giáo viên trường PTDTNT.THPT chia sẻ.

Năm 2020, các trường trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã chủ động bám sát kế hoạch chỉ đạo của Bộ, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kỳ thi THPT
Năm 2020, các trường trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã chủ động bám sát kế hoạch chỉ đạo của Bộ, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kỳ thi THPT

“Quan điểm của chúng tôi là “học đâu chắc đó”. Giáo viên sẽ tổ chức ôn tập lý thuyết đi đôi với việc rèn kỹ năng làm bài tập cho các em. Chú trọng giảng dạy với từng nhóm đối tượng đã phân loại. Hướng dẫn học sinh phương pháp ôn luyện sao cho phù hợp nhất. Chúng tôi cũng hết sức chú trọng đến việc kiểm tra, đánh giá học sinh với nhiều hình thức khác nhau như: thi thử cấp trường, thi viết, kiểm tra miệng…Tư vấn phương pháp tự học, động viên, khuyến khích giúp các em có tâm thế tốt nhất bước vào kỳ thi”, cô Hây nói thêm.

Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh phải nghỉ học đã ảnh hưởng đến việc học tập, vì vậy Trường PTDTNT.THPT Mường Nhé xác định sẽ phải tăng cường thời gian ôn luyện kiến thức để tránh thiệt thòi cho học sinh.

“Các cháu học lực không thể so sánh với các trường thuận lợi được, lại phải nghỉ do dịch bệnh nên chúng tôi phải tăng cường các buổi phụ đạo, bồi dưỡng ngoài giờ. Do quy chế thi năm nay ổn định nên nhà trường cũng chủ động được kế hoạch ôn luyện. Việc phân loại học sinh không chỉ giúp cho giáo viên chủ động xây dựng hệ thống kiến thức để phụ đạo phù hợp mà còn giúp cho việc tư vấn, hướng nghiệp cho các cháu được đúng và trúng”, thầy giáo Lê Trường Giang, Hiệu trưởng Trường PTDTNT.THPT chia sẻ.

Các đợt thi thử đã được thực hiện chặt ngay từ đầu để rèn "áp lực" cho thí sinh
Các đợt thi thử đã được thực hiện chặt ngay từ đầu để rèn "áp lực" cho thí sinh

Rèn “áp lực” trường thi…

Khác với các trường thuộc khối THPT trên địa bàn tỉnh Điện Biên, thầy trò trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Tp. Điện Biên Phủ) đặt ra nhiều mục tiêu cao hơn. 100% học sinh lớp 12 của ngôi trường này đều tìm đến “cánh cửa” các trường Đại học nên việc tổ chức ôn luyện cũng có nhiều điểm khác biệt.

“Tôi vẫn luôn mong muốn là giữ ổn định kỳ thi vì kỳ thi năm ngoái tốt chúng ta đã làm rất tốt. Phụ huynh cũng rất yên tâm về công tác tổ chức, thực hiện quy chế. Vấn đề hiện nay mà học sinh của chúng tôi quan tâm đó là đề án xét tuyển Đại học của các trường, quy chế tuyển sinh. Tôi nghĩ đề án tuyển thẳng của các trường nên công bố sớm vì khoảng hơn 50% học sinh của chúng tôi đang rất quan tâm đến vấn đề này. Số còn lại học sinh muốn vào các trường tốp trên, điểm thi cao. Các em quan tâm đến việc ôn thi, nếu cứ thông báo chính xác, có đề minh họa sớm thì các em sẽ chủ động”, thầy giáo Phạm Hồng Phong - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn nói.

Cũng theo thầy Phong, đến nay Nhà trường đã tổ chức 2 đợt thi thử cấp trường cho học sinh. Dự kiến đợt thi thử thứ 3 sẽ được tổ chức từ ngày 2 - 4/4 tới đây. Quá trình làm thi được thực hiện nghiêm túc như một kỳ thi thật nhằm rèn khả năng chịu áp lực cho thí sinh.

“Hai lần trước chúng tôi cho các em làm thi với những môn thi Đại học mà các em chọn. Còn ở lần thứ 3 sẽ cho các em thi như thi tốt nghiệp. Tất cả các lần tổ chức thi, từ việc thông báo giờ thi, phòng thi, giờ thi, quy chế, phát đề, ra đề, giám sát quá trình làm bài… Tất cả thực hiện nghiêm túc như một kỳ thi thật để các em quen với việc này”, thầy Phong cho biết thêm.

Ở trường PTDTNT.THPT Mường Nhé, việc tổ chức các đợt thi thử cũng được thực hiện nghiêm túc bởi các thầy cô luôn e ngại tâm lý rụt rè, nhút nhát của học sinh dân tộc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của bài thi. Vì thế, Nhà trường đã “rắn” ngay từ đầu vừa là để các em làm quen mới quy chế thi, vừa là cách đánh giá thực lực của mỗi học sinh.

“Song song với việc ôn luyện kiến thức, động viên tâm lý các em, Nhà trường cũng thành lập tổ tư vấn tuyển sinh. Tổ tư vấn này sẽ cập nhật thông tin tuyển sinh, phương án tuyển sinh của các trường… Những nội dung này sẽ được phổ biến qua các buổi chào cờ, sinh hoạt vào tối thứ 7 để học sinh có đủ thông tin. Từ đó giáo viên phối hợp với cha mẹ học sinh định hướng cho các em có được lựa chọn phù hợp nhất, hiệu quả nhất”, thầy Lê Trường Giang cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.