Sát cánh cùng trò
Cô Phan Thị Hồng Cẩm, giáo viên môn Văn, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Đức Thọ) chia sẻ: Không chỉ dạy kiến thức, bồi dưỡng đạo đức, GV còn định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Đó là khâu cuối cùng góp phần quyết định kết quả của những năm tháng rèn luyện trên ghế nhà trường.
Cô Cẩm phân tích: Khi quyết định lựa chọn một ngành nghề nào đó cần xác định rõ các tiêu chí cơ bản như hứng thú nghề nghiệp – năng lực cá nhân – nhu cầu xã hội. Ở nhiều trường THPT không chuyên, ban giám hiệu và ban tuyển sinh nhà trường cho học sinh lựa chọn theo hướng phát triển năng lực, sở trường, đam mê của các em ngay từ khi vào trường.
“Không riêng Trường Nguyễn Thị Minh Khai, đa số các trường THPT đều có các lớp học sâu về khối A, A1, B, C và lớp cơ bản đáp ứng tiêu chí tốt nghiệp hoặc lựa chọn phương án đi du học. Dựa trên kết quả thực chất của Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nguyện vọng của học sinh, nhà trường phân luồng sớm nên thuận lợi cho việc dạy và học” – cô Cẩm chỉ rõ.
Vinh dự của nghề giáo
Thầy Trần Xuân Phượng – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cũng cho biết: Bên cạnh việc sát hạch, phân luồng học sinh, nhà trường đã thành lập tổ tư vấn Tâm lý học đường. Các giáo viên có sở trường, kinh nghiệm ở lĩnh vực này được đi tập huấn. Ngoài tư vấn các vấn đề về tâm lý lứa tuổi, sức khỏe vị thành niên…, định hướng nghề nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng.
“Các thành viên trong tổ tư vấn sau khi được tập huấn, về triển khai cụ thể hơn tại trường và thống nhất mỗi lớp có một nhóm kín trên mạng xã hội do giáo viên chủ nhiệm làm quản trị. Nhóm này gồm tất cả các thành viên trong lớp và các giáo viên bộ môn tại lớp đó” – thầy Phượng thông tin.
Theo đó, ngoài việc tư vấn trực tiếp khi gặp các thầy cô của tổ tư vấn nhà trường, các em được quyền gửi những thắc mắc lên nhóm kín. Giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn sẽ dựa vào tình hình cụ thể để giải đáp cho học sinh những trăn trở, lo lắng về mọi lĩnh vực, đặc biệt là định hướng tương lai. Sau khi dẫn dắt hướng học phù hợp, đến giai đoạn nước rút học sinh lớp 12 không rơi vào tình trạng lo lắng, hoang mang.
Cũng theo thầy Phượng: Để tiếp sức và định hướng rõ hơn về nghề nghiệp cho các em, nhà trường tổ chức ngoại khóa hướng nghiệp theo định kỳ hàng năm vào giữa tháng 4.
Ông Trần Hậu Tú, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh nhận định: Trước đây, việc lựa chọn nghề nghiệp của mỗi học sinh thường dựa trên ý kiến mang tính “chỉ đạo” của bố mẹ, lựa chọn theo đám đông… Hiện nay, việc định hướng nghề nghiệp đang ngày càng đi vào thực tế. Thực tế từ năng lực, sở trường, nhu cầu xã hội và cả dự kiến thu nhập kinh tế…
“Trường học đang ngày càng gần hơn với cuộc sống, xã hội. Học sinh ngày càng tiệm cận với phương thức làm việc mới mẻ, dân chủ… và có đủ điều kiện trở thành nhưng công dân toàn cầu trong thời đại 4.0” – ông Tú nhấn mạnh.