Nghệ An: Điều chỉnh kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12

GD&TĐ - Việc ôn thi Tốt nghiệp THPT 2021 bước vào giai đoạn quan trọng. Các nhà trường tổ chức nghiên cứu, phân tích đề thi tham khảo, điều chỉnh kế hoạch ôn tập phù hợp cho học sinh lớp 12 theo mục tiêu đề ra.

Giờ học môn Địa lý của cô trò Trường THPT Cửa Lò 2 (thị xã Cửa Lò, Nghệ An).
Giờ học môn Địa lý của cô trò Trường THPT Cửa Lò 2 (thị xã Cửa Lò, Nghệ An).

Cấu trúc đề thi ổn định, giảm tải

Sau khi nghiên cứu đề thi tham khảo môn Địa lý, cô Nguyễn Thị Thảo (GV Trường THPT Cửa Lò 2, Nghệ An) cho hay: Đề sử dụng tỷ lệ kiến thức của lớp 12 là 95%. 5% còn lại là kỹ năng của lớp 11. Cấu trúc đề thi ổn định và mức độ phân hóa của đề phù hợp với học sinh. Tuy nhiên, so với năm học trước, độ phân hóa có cao hơn một chút. Vì vậy, với những em thi chỉ xét tốt nghiệp thì đề thi này vừa sức, còn với những em đặt mục tiêu điểm cao 9 – 10 thì phải nỗ lực, chăm chỉ rèn luyện hơn trong thời gian tới.

Nhiều năm ôn thi cho học sinh lớp 12, cô Bùi Thị Lệ Thu – giáo viên Trường PT DTNT THPT số 2 Nghệ An cũng nhận định đề thi tham khảo môn Ngữ văn có cấu trúc quen thuộc. Đề gồm 2 phần đọc hiểu (3 điểm) và phần làm văn (7 điểm). Đề cũng ra trong phạm vi chương trình giảm tải, phù hợp với thực tế nhiều địa phương học sinh phải nghỉ học do dịch Covid-19.

Cô Bùi Thị Lệ Thu - GV Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 Nghệ An giới thiệu đề thi tham khảo môn Ngữ văn cho học sinh
Cô Bùi Thị Lệ Thu - GV Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 Nghệ An giới thiệu đề thi tham khảo môn Ngữ văn cho học sinh

Qua nghiên cứu, trong đề tham khảo có thêm số câu nhận biết ở phần đọc hiểu, giúp thí sinh dễ dàng ghi điểm tuyệt đối. Phần làm văn, câu nghị luận xã hội lấy dữ liệu ở phần đọc hiểu, giúp thí sinh có thể hệ thống kiến thức một cách liền mạch. Câu nghị luận văn học thường là câu vừa kiểm tra kiến thức, vừa phân loại học sinh ở khả năng cảm thụ văn chương, và kỹ năng lập luận, phân tích.

"Đối với trường chúng tôi, giáo viên đã tổ chức ôn tập và làm quen với đề thi các năm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường kỹ năng làm bài, giúp học sinh nhận biết từ khóa “câu lệnh”. Qua đó giúp học sinh không bị lạc đề, xác định trúng trọng tâm câu hỏi để đạt điểm tốt nhất trong bài thi", cô Lê Thu nói.

Các nhà trường cũng bày tỏ sự yên tâm khi Bộ GD&ĐT công bố giữ ổn định quy chế thi Tốt nghiệp THPT 2021. Tuy nhiên, một số giáo viên, học sinh cũng mong muốn đề thi có độ phân hóa rõ ràng hơn để phù hợp với mục đích xét tuyển ĐH.

TS. Lê Xuân Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Vinh nhận định, đề thi tham khảo môn Toán năm nay số lượng câu hỏi ở mức độ độ nhận biết và thông hiểu chiếm số lượng nhiều. Cụ thể, có 28/50 câu thuộc mức nhận biết, có 10/50  câu ở mức 2, thông hiểu, học sinh nắm kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là dễ đạt điểm 6, 7. Ở phần vận dụng và vận dụng cao không có nhiều chênh lệch về mức độ khó. Chỉ khó 2 câu phần hình học – toạ độ không gian và phần hàm số của giải tích. Vì vậy, với mức độ này, đề thi đáp ứng yêu cầu của một đề tốt nghiệp nhưng để phân loại giữa học sinh khá với giỏi thì còn chưa rõ.

Định hướng ôn thi phù hợp

Trường THPT Đặng Thai Mai (huyện Thanh Chương, Nghệ An) có khoảng 60% học sinh lớp 12 thi để lấy kết quả xét tuyển ĐH, số còn lại chỉ xét tốt nghiệp. Vì vậy, nhà trường bắt đầu tăng cường vừa dạy học, vừa ôn tập cho các em theo nguyện vọng đăng ký. Dự kiến, đầu tháng 5, khối 12 sẽ hoàn thành chương trình SGK. Sau đó, nhà trường sẽ tập trung ôn thi chia theo từng mức độ. Nâng cao đối với nhóm học sinh khá giỏi, và dạy ôn kiến thức cơ bản đối với học sinh chỉ thi tốt nghiệp. Ngoài ra, nhà trường sẽ sàng lọc, khảo sát và phụ đạo thêm cho nhóm học sinh yếu để tránh điểm liệt.

Giờ ôn thi của cô trò Trường PT DTNT THPT số 2 Nghệ An
Giờ ôn thi của cô trò Trường PT DTNT THPT số 2 Nghệ An

Năm học 2020 – 2021, Trường THPT Con Cuông có 400 học sinh lớp 12 với khoảng 50% học sinh phân luồng. Thầy Hoàng Như Lâm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay từ đầu năm học nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12 trên cơ sở cấu trúc của đề thi năm 2020. Đồng thời bám sát vào phẩm chất, năng lực của học sinh.

Theo thầy Lâm, học kỳ I, nhà trườngchủ yếu ôn tập ba môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh cho học sinh. Sau khi có quy chế thi Tốt nghiệp năm 2021, trường sẽ điều chỉnh ôn tập thêm theo tổ hợp môn các em đăng ký. “Trường chúng tôi đa phần là học sinh DTTS, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vì vậy, việc học tập, ôn thi chủ yếu nhờ thầy cô, nhà trường. Để giúp các em thi tốt nghiệp đạt kết quả tốt nhất, chi bộ Đảng nhà trường cũng phát động phong trào mỗi đảng viên đăng ký giúp đỡ từ 1 đến 2 học sinh”, thầy Hoàng Như Lâm cho hay.

Sau khi Bộ công bố đề thi tham khảo, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng tập trung đội ngũ giáo viên cốt cán để nghiên cứu kỹ . Trên cơ sở đó, sẽ xây dựng kế hoạch ôn tập gửi tới nhà trường. Qua đó, hỗ trợ trường THPT và các Trung tâm GDTX ôn tập hiệu quả cho học sinh theo mục tiêu đặt ra.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục Trung học – Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, quy chế thi Tốt nghiệp THPT 2021 giữ ổn đinh là điều thuận lợi cho thí sinh và cho các nhà trường. Về phía học sinh các em ôn tập theo hướng dẫn của các thầy cô giáo, nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, bởi chủ trương của Bộ là vẫn giảm tải nhưng nội dung kiến thức trong đề thi vẫn phủ toàn chương trình lớp 12.

Nghệ An: Điều chỉnh kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12 ảnh 3

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.