Thi tốt nghiệp THPT: Kỹ năng viết đoạn văn nghị luận

GD&TĐ - Để kiểm tra được kỹ năng viết và vốn hiểu biết đời sống xã hội của thí sinh, những năm gần đây, trong đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia luôn có một câu hỏi Làm văn liên quan đến Nghị luận xã hội.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Điểm đặc biệt là học sinh chỉ cần trình bày suy nghĩ qua đoạn văn 200 chữ thay vì bài văn 600 chữ như trước đây. 

Đề thi tham khảo

Đề thi tham khảo THPTQG môn Ngữ văn năm 2020: “Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về những hành động nhỏ làm nên người anh hùng giữa đời thường”.

Đề thi tham khảo THPTQG môn Ngữ văn năm 2021: “Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn thử thách”.

Đề thi tham khảo THPTQG môn Ngữ văn năm 2022: “Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Đề thi chính thức

Đề thi THPTQG môn Ngữ văn năm 2020 (đợt 1): “Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày”.

Đề thi THPTQG môn Ngữ văn năm 2020 (đợt 2): “Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải có niềm tin trong cuộc sống”.

Đề thi THPTQG môn Ngữ văn năm 2021 (đợt 1): “Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải biết sống cống hiến”.

Đề thi THPTQG môn Ngữ văn năm 2021 (đợt 2): “Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của tinh thần hợp tác trong cuộc sống”.

Đặc điểm của dạng đề viết đoạn văn nghị luận xã hội

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Câu hỏi Làm văn phần Nghị luận xã hội có cấu trúc ngôn từ quen thuộc xuất hiện trong các đề những năm gần đây: “Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ về...”. Như vậy, nội dung nghị luận có quan hệ gắn bó hữu cơ với nội dung chính của ngữ liệu đọc hiểu.

Điều này mang đến thuận lợi cho học sinh trong quá trình làm bài khi các em có được những gợi dẫn quan trọng ngay từ việc suy nghĩ và trả lời các câu hỏi đọc hiểu trước đó.

Câu lệnh trong đề “Anh/chị hãy viết đoạn văn 200 chữ...”, luôn xác định rõ yêu cầu của đoạn văn. Về hình thức đoạn văn: Viết đúng dung lượng theo yêu cầu đặt ra trong câu lệnh của đề bài, đoạn văn 200 chữ (khoảng 20 - 25 dòng), đoạn văn được tính từ chữ cái viết hoa lùi vào đầu dòng và kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng, diễn đạt trọn vẹn và đầy đủ một nội dung hoàn chỉnh.

Ngay trong đề bài cũng đã xuất hiện yêu cầu về nội dung nghị luận. Nội dung đó được gói gọn trong một khía cạnh, một bình diện, một ý nhỏ trong vấn đề nghị luận lớn. Để xác định đúng nội dung nghị luận, các em cần phân biệt bài văn nghị luận xã hội với đoạn văn nghị luận xã hội.

Nếu bài văn nghị luận về một vấn đề (chủ đề - ý lớn) trong cuộc sống xã hội thì đoạn văn chỉ nghị luận trọn vẹn một khía cạnh của vấn đề (tiểu chủ đề - ý nhỏ). Đó có thể là sự cần thiết/ tầm quan trọng/ ý nghĩa/ vai trò... của một cách ứng xử, một lối sống, một thái độ, một phẩm chất... có ý nghĩa được nêu ra ở phần ngữ liệu đọc hiểu.

Nghĩa là thí sinh không thể bê nguyên cả cách triển khai hệ thống và chi tiết đầy đủ các bước như một bài văn nghị luận xã hội. Đề yêu cầu viết đoạn văn đã rất trọng tâm và có độ xoáy về nội dung yêu cầu đề. Điều các em cần lưu ý là tuyệt đối không triển khai hệ thống ý nghị luận của tổng thể vấn đề khiến đoạn văn 200 chữ trở thành một bài văn thu nhỏ.

Những lưu ý về kỹ năng

Sơ đồ tóm tắt triển khai viết đoạn văn nghị luận.
Sơ đồ tóm tắt triển khai viết đoạn văn nghị luận.

Về hình thức đoạn văn: Đoạn văn phải đảm bảo đúng dung lượng theo yêu cầu của đề bài, với độ dài là 200 chữ (khoảng 20 tới 25 dòng). Người viết cần tránh việc viết quá ngắn, ý sẽ sơ sài, chưa động chạm đến vấn đề nghị luận hoặc viết quá dài dòng, lan man.

Đoạn văn có thể tùy ý lựa chọn các cấu trúc: Song hành, móc xích, quy nạp, diễn dịch hay tổng phân hợp... Thí sinh cần linh hoạt trong lựa chọn các thao tác lập luận như: Giải thích, chứng minh, bình luận, phân tích, so sánh, bác bỏ...

Đoạn văn được sử dụng phương thức biểu đạt chính: Nghị luận (Bàn luận về một vấn đề nào đó). Đoạn văn đảm bảo đúng hình thức: Không xuống dòng giữa đoạn. Đoạn văn được tính bắt đầu bằng chữ cái viết hoa và lùi vào một chữ ở đầu dòng và kết thúc bằng dấu chấm ngắt câu diễn đạt trọn vẹn một nội dung hoàn chỉnh.

Đoạn văn phải bảo đảm được cấu trúc ba phần liền mạch: Phần mở đoạn: Giới thiệu được trực tiếp vấn đề nghị luận nêu ra ở đề bài/ Phần thân đoạn: Triển khai, giải quyết được vấn đề nghị luận/ Phần kết đoạn: Khẳng định lại ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề.

Về nội dung đoạn văn: Dù đoạn văn chỉ nghị luận về một khía cạnh, một bình diện nhỏ trong vấn đề lớn nhưng để nội dung nghị luận trong đoạn văn được mạch lạc, khúc chiết, người viết cũng cần tuân thủ những gợi dẫn sau đây:

Thứ nhất, việc đặt vấn đề ở phần mở đoạn phải trực tiếp, trọng tâm, diễn đạt trúng được vấn đề nghị luận. Thay vì mở bài dài dòng, lan man, người viết cần xác định được trọng tâm, điểm rơi của đề:

Ví dụ: Đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT, năm 2022, phần Nghị luận xã hội yêu cầu: Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ bàn về sự cần thiết phải trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trọng tâm vấn đề nghị luận của đề bài này là sự cần thiết/ tầm quan trọng của một thái độ sống/ một cách ứng xử đối với những giá trị văn hóa truyền thống. Thay vì quay lưng, chối bỏ những giá trị đó, con người cần trân trọng, gìn giữ chúng.

Như vậy, điểm rơi của đề là nằm ở cụm từ khóa “sự cần thiết phải trân trọng”. Nhiều thí sinh sẽ không đọc kĩ đề, sa đà bàn luận về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Phạm trù này rất rộng, giới hạn một đoạn văn sẽ khó mà triển khai được đầy đủ và trọn vẹn.

Thứ hai, người viết cần biết đặt câu hỏi để tìm ý, bàn luận sâu về vấn đề nghị luận đặt ra ở đề bài. Trong đó, đề yêu cầu bàn luận về sự cần thiết/ tầm quan trọng/ vai trò/ ý nghĩa của vấn đề thì sẽ được triển khai theo hai ý:

- Vấn đề đó có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi cá nhân/ đối với xã hội, mỗi quốc gia dân tộc (nêu mặt thuận của vấn đề).

- Nếu không có vấn đề đó thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với mỗi cá nhân/ xã hội, quốc gia dân tộc (tức là người viết nêu phản đề).

Ví dụ: Đề thi THPTQG năm 2021, đề bài yêu cầu: Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày về sự cần thiết phải biết sống cống hiến. Thì ý sẽ được triển khai theo hai nội dung:

- Ý nghĩa của lối sống cống hiến với cá nhân: Thể hiện trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, làm cho cuộc sống của bản thân có ý nghĩa, được mọi người yêu mến, trân trọng/ Với xã hội: Góp phần lan tỏa các giá trị tích cực, tốt đẹp, thúc đẩy xã hội phát triển.

- Nếu không có lối sống cống hiến cá nhân con người sẽ thế nào: Ích kỷ, hẹp hòi, chỉ nghĩ đến bản thân, không được tỏa sáng, không phát huy được sức mạnh/ Với xã hội: Thiếu những cá nhân biết cống hiến, xã hội sẽ trì trệ, tụt hậu, giậm chân tại chỗ...

Thứ ba, dù là viết một đoạn văn nghị luận xã hội nhưng người viết cũng cần thể hiện rõ những suy nghĩ sâu sắc mà bản thân mình thật sự tâm đắc về vấn đề nghị luận xã hội đó.

Tuy nhiên, một số học sinh còn quá lệ thuộc vào nội dung ngữ liệu mà sử dụng lại kiến thức đã có, dẫn đến các ý bị trùng lặp, dẫm đạp lên nhau. Vẫn còn những bài làm chưa thoát ra được cái bóng ngôn từ và giọng điệu ở phần ngữ liệu.

Người viết vẫn viết một cách hời hợt, ngô nghê, hoặc viết một cách khô khan, máy móc khiến đoạn văn thiếu cảm xúc và không giàu chất văn, chưa có được những cách diễn đạt mới mẻ và sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Yêu cầu của đoạn văn có dung lượng 200 chữ là người viết cần trình bày vấn đề nghị luận một cách cô đọng, hàm súc. Các ý, các câu đưa vào đoạn văn phải là những ý chắt lọc và tinh hoa, tinh tuyển. Đoạn văn cần lối hành văn giản dị, trong sáng, cách lập luận chặt chẽ và thuyết phục, đưa ra được những quan điểm, màu sắc cá nhân với những suy nghĩ phù hợp, thiết thực với độ tuổi.

Và để làm được điều đó, mỗi thí sinh khi làm bài đều cần có đủ sự chân thành trong xúc cảm, trung thực trong suy nghĩ, độc lập với những kiến giải của riêng mình, thể hiện được những hiểu biết sâu sắc, tường tận về vấn đề xã hội qua những quan điểm cá nhân, tránh lạm dụng văn mẫu, tránh nói những điều đao to búa lớn.

Trong quá trình học, các em có thể lượm lặt, tích lũy kiến thức thông qua quá trình đọc sách, báo, lướt web, xem các tin tức... để mở rộng vốn hiểu biết xã hội của mình. Đưa vào trong đoạn văn 200 chữ những trích dẫn mà các em thật sự tâm đắc từ các nhân vật nổi tiếng, các câu ngạn ngữ, cách ngôn, thành ngữ... để tạo dấu ấn riêng cho bài làm của mình.

Ví dụ: Bàn về sự cần thiết của những suy nghĩ tích cực lạc quan, người viết có thể lấy câu ngạn ngữ của Nam Phi: “Hãy hướng về phía Mặt trời, bóng tối sẽ ngả về phía sau lưng bạn”. Bàn về lòng tốt, tình yêu thương, có thể lấy câu nói của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không?/ Để gió cuốn đi”...

Hy vọng với bài viết này sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học môn Ngữ văn, đặc biệt là kỹ năng làm văn Nghị luận xã hội cho đề thi THPTQG.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ